Bà Trương Mỹ Lan dùng tài sản nào để bồi thường cho SCB?

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không thực hiện hành vi rút tiền của SCB mà chỉ là đưa tiền vào ngân hàng để thực hiện việc tái cơ cấu...

 

Liên quan đại án Vạn Thịnh Phát, dự kiến trong tuần này, phiên tòa sẽ kết thúc phần xét hỏi, bắt đầu phần tranh tụng với việc đại diện Viện Kiểm sát luận tội các bị cáo và luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho người liên quan.

Tại phần xét, hỏi đa số các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như truy tố của Viện Kiểm sát. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không thừa nhận hành vi và cho rằng bản thân không thực hiện hành vi rút tiền của SCB mà chỉ là đưa tiền vào ngân hàng để thực hiện việc tái cơ cấu.

Cho rằng không phạm tội nhưng bà Lan khẳng định sẽ khắc phục hậu quả của vụ án, như việc đề nghị HĐXX được truy thu các khoản nợ, bán các bất động sản như: Dự án Capital Place Liễu Giai (Hà Nội), bán khách sạn Daewoo Hà Nội mà theo lời bị cáo là gia đình có 93,6% cổ phần, cổ phần tại Công ty TNHH LD Vietcombank - Bonday, đơn vị sở hữu Tòa nhà Vietcombank Tower tại Quận 1 (TP.HCM), Khu công nghiệp - đô thị Việt Phát (Long An)…

Bà Trương Mỹ Lan (áo tím) tại phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn sở hữu 5 dự án chuyển nhượng Công ty Sơn Long Thọ (Công ty Hải Sơn) gồm Khu tái định cư Tân Tập, Khu dân cư Chợ Mới, Xưởng đóng tàu Caric, Dự án Nghĩa trang Tân Lập, Dự án Tái định cư Long Hậu.

Công ty CP Đầu tư – Phát triển Gia Tuệ - Lâm Đồng cũng liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan. Doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng dự án Du lịch nghỉ dưỡng – khách sạn Gia Tuệ tại khu vực Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Về lĩnh vực y tế, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu Công ty CP Dược phẩm Đông dược 5 ở TP.HCM và một nhà máy sản xuất vaccine tại Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Nhà máy này đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động và bà Lan khai đã đầu tư 315 tỷ đồng vào đây.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)Trương Mỹ Lan còn từng chi 920 tỷ đồng, mua cổ phần tại một công ty bảo hiểm nước ngoài. Theo chủ tọa phiên tòa, con gái bà Lan đang rao bán số cổ phần này giá 40 triệu USD, tương đương giá mua vào.

Cũng tại tòa, bà Lan khai từng nhiều lần đưa tiền cho ông Đào Hồng Tuyển để thực hiện dự án tại đảo Tuần Châu nhưng không có giấy tờ. Người phụ trách dự án đang đi Austrailia để chữa bệnh phù não nên chưa thể làm rõ.

Theo hồ sơ, Cơ quan CSĐT đã kê biên 8 bất động sản liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với 2 công ty liên quan về dự án Tuần Châu.

Các tài sản khác của bà Lan có thể kể tới như: Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàn Hảo (Khu đất 235B Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, TP. HCM); 13% cổ phần tại Công ty Sao Thủy – Dự án 1 Bis 1 Kép (nhận chuyển nhượng từ Doji)…

Hồ sơ vụ án còn thể hiện, từ 2012 – 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Đến nay, các khoản vay này còn dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)Bà Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng trong đó và bị truy tố về các hành vi tham ô, vi phạm quy định về ngân hàng và đưa hối lộ.

Trong phần xét hỏi chiều 14/3, đại diện SCB cho hay không đồng ý con số bà Lan phải chịu trách nhiệm. Phía SCB cho rằng, thiệt hại trong vụ án không phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).

Cũng tại toà, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB và cho rằng chỉ quen biết vài người trong HĐQT của ngân hàng này.

Bà Lan một mực khẳng định không hiểu biết nghiệp vụ ngân hàng và cho rằng bản thân không chỉ đạo tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống, để rút tiền từ Ngân hàng SCB. Ngoài ra, bị cáo này cũng cho rằng mình hoàn toàn không biết việc “giải quỹ” hay chỉ đạo lập các phương án rút tiền và “cắt đứt” dòng tiền sau khi SCB giải ngân cho các pháp nhân vay vốn khống.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, thời điểm mới hợp nhất SCB gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất thanh khoản vì nhiều nợ xấu do các ngân hàng tiền thân để lại. Lúc đó, bị cáo Lan khai chỉ biết cho SCB mượn tài sản để cơ cấu lại các khoản nợ, còn việc tái cơ cấu thế nào là việc của lãnh đạo SCB, bà không biết.

Trước khi hợp nhất, bị cáo phải liên tục họp với Ngân hàng Nhà nước, bị cáo chỉ lo về việc đưa tài sản còn việc bầu bán thế nào thì không biết.

Khẳng định cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng SCB không phải là thân tín, nhưng bà Trương Mỹ Lan lại thừa nhận “thưởng” cho các cá nhân liên quan tiền tỷ, khi họ nghỉ việc. “Tùy theo chức vụ mà sẽ được ít hay nhiều, bị cáo cho là do công sức của họ góp sức cho SCB chứ không có mục đích gì khác” - bị cáo Trương Mỹ Lan khai.

Tỷ Huỳnh/VOV - TP.HCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận