“Phải chặt đứt đường dây”
Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vùng Tàu) nêu về thực trạng nhiều thanh thiếu niên, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động.
Để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, ông Hùng đề nghị bộ trưởng Bộ Ngoại giao giải thích rõ nguyên nhân, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới.
Nhiều câu hỏi chất vấn cũng đề nghị bộ trưởng có giải pháp cho tình trạng người lao động, chủ yếu là giới trẻ bị lừa đi lao động cưỡng bức ở nước ngoài với lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" nhưng thực ra làm việc trong các sòng bạc bất hợp pháp, cơ sở mại dâm.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.
Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
"Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Thanh Sơn, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Về quy trình xử lý trong bảo hộ công dân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhìn nhận, vấn đề di cư xuyên biên giới, tội phạm, vừa qua đặt ra các vấn đề quan trọng về việc xác lập cơ chế để xử lý khủng hoảng. Bộ Ngoại giao đã thành lập ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý vấn đề này, khi có sự cố xảy ra, có phương án phù hợp để xử lý kịp thời.
Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, ông Bùi Thanh Sơn đề nghị tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng "không có việc nhẹ lương cao". Tất cả những lời dụ dỗ toàn theo con đường vi phạm pháp luật.
Tăng cường đào tạo để chấp hành tốt ở nước sở tại
Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói việc có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm của đại sứ quán, tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp để trục xuất các đối tượng này về nước, lập lại kỷ cương.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, sau đại dịch, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và quốc tế triển khai mạnh mẽ. Năm 2022 chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu công dân ra nước ngoài. Số lượng lao động, du học quay trở lại các nước tăng rất nhanh.
Trong số đó, ông Bùi Thanh Sơn cho biết có một số vi phạm xảy ra không chỉ trốn ở lại, kể cả với lao động, du học sinh và việc này làm ảnh hưởng đến hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác.
Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành phải xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, đồng thời đóng góp vào kinh tế - xã hội nước sở tại và quan hệ hai nước.
Ông nêu du học sinh ra nước ngoài rất đông, qua các cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt, nhiều em sau khi học xong muốn ở lại làm việc, đóng góp.
Khi đó, lãnh đạo cấp cao chúng ta cũng đã nói rõ nếu các học sinh thấy phát huy được vai trò công việc sau khi học xong ở nước sở tại, đóng góp theo đúng quy định pháp luật. Từ đó, sẽ góp phần đóng góp vào kinh tế - xã hội các nước, quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa ta với các đối tác...
"Còn một số trường hợp trốn ở lại, chúng tôi sẽ cũng phối hợp với bộ, ngành để thông tin, làm việc với các đối tác để các bạn hiểu trong bối cảnh hiện nay", ông Bùi Thành Sơn nói.
Ngọc Thành/VOV.VN