Hô biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành 'thần dược' Bài 3: Tù mù công ty phân phối 'thần dược', thách thức pháp luật?

'Thổi phồng' công dụng thực phẩm bổ sung thành 'thần dược', sử dụng bác sỹ 'rởm' để lừa người tiêu dùng. Thậm chí, có công ty đã bị xử phạt về hành vi sai phạm trong quảng cáo nhưng vẫn coi thường người tiêu dùng, thách thức pháp luật khi tiếp tục quảng cáo sai sự thật.

 

Mượn danh sữa non để quảng cáo

Để xác minh thông tin, phóng viên đã liên hệ với Công ty sản xuất sản phẩm sữa hạt tiểu đường ở Thanh Xuân, Hà Nội. Đại diện Công ty này khẳng định: “Sản phẩm sản phẩm sữa hạt tiểu đường là do chúng tôi sản xuất, gia công. Nhưng chúng tôi không bán hàng và quảng cáo sản phẩm. Chúng tôi chỉ sản xuất sản phẩm thôi”.

Liên hệ vào số hotline của một công ty để đặt lịch làm việc. Sau khi nghe phóng viên giới thiệu là nhà báo, nhân viên này lập tức giập máy. Tiếp tục nhắn tin vào số điện thoại này nhưng phóng viên không nhận được phản hồi.

Tìm hiểu thêm trên thị trường, chúng tôi thấy không chỉ sản phẩm sữa hạt tiểu đường mà nhiều sản phẩm thực phẩm bổ sung khác được quảng cáo làm từ sữa non nhập khẩu từ Mỹ, Úc và New zealand. Tuy nhiên, khi yêu cầu nhân viên cung cấp nguồn gốc sản phẩm chứng minh sản phẩm sữa non được nhập khẩu từ những nước trên không nhân viên nào cung cấp được.

Sản phẩm sữa hạt tiểu đường Ovisure Diabest do Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien phân phối

Theo các chuyên gia y tế, sữa non hay sữa đầu còn được gọi là thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học là colostrum) là một loại sữa mẹ đặc biệt. Là dạng vật chất có màu vàng, đặc dính, xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau khi sinh con và xuất hiện ở hai ngày đầu sau khi sinh.

Sữa non có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối, các kháng thể giúp diệt vi khuẩn, vi rút độc hại và các chất điều hòa miễn dịch giúp cho cơ thể của trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật và phát triển khỏe mạnh. Lượng sữa non không nhiều. Song lợi dụng những đặc tính này của sữa non, nhiều hãng thực phẩm bổ sung đã có hành vi so sánh, quảng cáo các sản phẩm này tương đương với sữa mẹ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Coi thường người tiêu dùng, thách thức pháp luật?

Để làm rõ về tính pháp lý của các giấy chứng nhận FDA cũng như nguồn gốc sản phẩm sữa hạt tiểu đường Ovisure Diabest và sữa hạt xương khớp Ovisure Gold, phóng viên đã có buổi làm việc với Công ty TNHH sản xuất DP công nghệ cao NanoFrance. Tại buổi làm việc, ông N.N.T, Phó giám đốc kinh doanh khẳng định, giấy chứng nhận FDA này không phải do FDA cấp. “Giấy này dân trong nghề hoặc anh, chị (chỉ phóng viên) nhìn cái là biết ngay không phải của FDA”.

Đối với sữa hạt tiểu đường Ovisure Diabest, ông N.N.T cho biết, đây là sản phẩm công ty ông gia công cho Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien. Nhưng từ tháng 10/2023, bên công ty ông không sản xuất sản phẩm này nữa và hợp đồng gia công cũng đã hết hạn. Đồng thời ông này cũng cung cấp cho phóng viên công văn đề nghị số 0109/Galien/2023 ngày 01/09/2023 của Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội do Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Phú ký.

Nội dung công văn ghi rõ: “Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của Công ty, nay công ty chúng tôi xin được bổ sung thêm 01 nhà máy sản xuất với nội dung: sản xuất tại Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made, địa chỉ số 277 đường Đào Cam Mộc, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội”.

Tại thời điểm phóng viên đến, Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien ở Bùi Xương Trạch, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội không có hoạt động kinh doanh, sản xuất nào.

Lần theo địa chỉ của Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien, phóng viên đến số nhà 7, ngách 207/7/6, phố Bùi Xương Trạch, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, ở đây là một căn nhà nhỏ nằm cuối ngõ, phía ngoài treo biển công ty nhưng cửa khóa ngoài, trong nhà tắt đèn tối om. Tại thời điểm phóng viên đến, công ty này không có hoạt động kinh doanh hay sản xuất nào. Hàng xóm xung quanh cho biết, thỉnh thoảng có 1-2 người đến mở cửa nhưng không bao giờ giao tiếp với hàng xóm xung quanh nên không biết họ làm gì.

Trước đây, Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien đã bị Cục An toàn thực phẩm ra văn bản xử phạt hành chính 50 triệu đồng do vi phạm quy định quảng cáo. Qua đây có thể thấy, Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Galien là đơn vị đã có tiền lệ về vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Dù đã bị xử phạt nhưng công ty này lại thách thức pháp luật khi tiếp tục quảng cáo sai sự thật. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, liên tục, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Sau khi Báo TNVN đăng tải bài viết: “Hô biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành “thần dược”. Bác sỹ “rởm” chữa khỏi tiểu đường trong vòng 4 tháng”, phóng viên đã nhận được văn bản kiến nghị của Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Global Pharma với nội dung: “Công ty chỉ nói về công dụng những vi chất được bổ sung để giúp hỗ trợ sức khỏe: Sữa non, vitamin C, Kẽm giúp tăng cường sức đề kháng; Omega3, Omega6, Gaba, Taurine giúp tốt cho tim mạch não bộ; Nattokinase giúp giảm cholesterol, tăng cường trí nhớ. Chúng tôi khẳng định quảng cáo về sản phẩm Natto Sure không thể hiện nội dung như quý báo đề cập”.

Sau đó, ông Võ Đình Hòa, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Global Pharma, đơn vị đặt hàng sản phẩm sữa Natto Sure do Công ty cổ phần thực phẩm NanoFood sản xuất đã tới tòa soạn làm việc với phóng viên. Tại buổi làm việc, phóng viên đã cung cấp các tin nhắn mà nhân viên bán hàng đã quảng cáo với nội dung như “ngăn ngừa sự hình thành và làm tan cục máu đông, nguyên nhân chính gây đột quỵ”; “dùng sữa Natto Sure càng sớm sẽ càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi căn bệnh đột quỵ”. Tại buổi làm việc, ông Hòa đã thừa nhận nhân viên quảng cáo sai sự thật. Công ty sẽ rà soát tìm hiểu kỹ và chấn chỉnh tình trạng này.

Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau buổi làm việc, ông Hòa lại nhắn tin cho phóng viên và cho rằng “nếu đọc hết câu thì cũng hợp lý”. Đồng nghĩa là quảng cáo bán hàng như trên không sai?. Khi phóng viên hỏi về các kết quả thử nghiệm lâm sàng cũng như giấy xác nhận của Bộ Y tế thì ông Hòa cho rằng, “những công dụng của hoạt chất bổ sung đó đã được công nhận... Mình không cần phải đi chứng minh lại... Mình có công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm…”. Trong khi chưa biết thực hư thành phần của sữa cũng như công dụng có “ngăn ngừa sự hình thành và làm tan cục máu đông, nguyên nhân chính gây đột quỵ” hay “bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi căn bệnh đột quỵ” như nhân viên bán hàng đã quảng cáo hay không thì sản phẩm thực phẩm bổ sung này đã biến thành sữa có đúng quy định không?

Đề nghị Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc làm rõ những thông tin đã nêu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận