Không thành lập hội đồng chuyên môn vụ mất tim thai tại Bệnh viện Thu Cúc?

Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo, họp hội đồng chuyên môn vụ mất tim thai tại Bệnh viện Thu Cúc. Song, trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho hay, người nhà và bệnh viện đã có đơn xin rút và Sở không thành lập hội đồng chuyên môn.

 

Chỉ dùng căn cứ họp của bệnh viện!

Sau khi Báo TNVN (Báo VOV) có bài: “Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ mất tim thai tại Bệnh viện Thu Cúc” trong đó phản ánh gia đình bệnh nhân “tố” Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Bệnh viện Thu Cúc) tắc trách và rũ bỏ trách nhiệm. Theo bà N.T.H (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con bà đăng ký gói thai sản tại Bệnh viện Thu Cúc, nhưng phát hiện thai nhi mất tim thai. Bà cho rằng, Bệnh viện Thu Cúc tắc trách và rũ bỏ trách nhiệm. Cụ thể, ngày 27/3, con bà vào Bệnh viện Thu Cúc (cơ sở 286, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) khám thai. Bất ngờ, bác sĩ thông báo với con bà, thai nhi đã mất tim thai.

Để có thông tin thêm về vụ việc, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Thu Cúc, bà Nhi cho biết, vụ việc đang được Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội thụ lý, bệnh viện cũng đang chờ, chắc một vài ngày nữa sẽ có kết quả.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Bùi Quốc Vương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho hay, ông đã hướng dẫn bệnh viện trao đổi lại với người bệnh, theo Luật khám bệnh, chữa bệnh mới chỉ cho 1 người đại diện thôi. “Hôm nọ bệnh viện đã mời người nhà bệnh nhân đến xem các bằng chứng nọ kia. Bây giờ người nhà đã nhận sai và đang có đơn xin rút, bệnh viện cũng có đơn xin rút và Hội đồng chuyên môn của Sở không phải họp nữa, chỉ dùng căn cứ họp của bệnh viện thôi”.

Khi phóng viên hỏi, thời điểm 38 tuần 2 ngày nếu bệnh viện mổ cho bệnh nhân có lẽ sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra. Theo phản ánh của người nhà, người nhà đã đề nghị bệnh viện mổ nhưng không được mổ. Trả lời vấn đề này, ông Vương cho biết: “Cái này không có bằng chứng, tôi đã trao đổi với người nhà rồi. Trong hồ sơ không có chỗ nào thể hiện người nhà đề nghị bệnh viện mổ. Bây giờ người nhà không cho báo chí đưa thông tin nữa. Nếu phóng viên quan tâm mời qua Sở làm việc”.

Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với người nhà bệnh nhân hỏi về thông tin gia đình bệnh nhân nhận sai. Người nhà bệnh nhân cho biết: “Họ (Bệnh viện Thu Cúc- pv) sợ là báo chí biết rồi bệnh viện sẽ không làm ăn được nên xin giúp đỡ vì còn một tập đoàn đằng sau. Thôi thì bây giờ người chết thì cũng không lấy lại được. Bây giờ bệnh viện bảo sẽ hỗ trợ nên mình bảo là làm thế nào để cho nó hợp lý xong thì thôi chứ nhà chị cũng không bao giờ ra giá. Ngay từ đầu bệnh viện không nhận trách nhiệm nên nhà chị mới bức xúc thế. Nếu mà bệnh viện nhận trách nhiệm nhà chị đã không thế, giờ bệnh viện xin giúp bệnh viện vì còn cả tập đoàn, còn cửa để bệnh viện làm ăn nên gia đình mới bảo thôi cho nó xong đi. Với lại để kéo dài con mình nó cũng khổ thêm”.

Hội đồng chuyên môn đánh giá, xác định sai sót về chuyên môn kỹ thuật

Trước đó, Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu: “Khẩn trương họp hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, để đánh giá quá trình tiếp đón, chăm sóc, xử trí đối với trường hợp sản phụ nêu trên; Thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng; Gặp gỡ chia sẻ, động viên tới gia đình sản phụ”.

Theo Luật sư Tô Thị Phương Dung, Phó Giám đốc của Công ty Luật TNHH Minh Khuê, quy định tại Điều 101 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì Hội đồng chuyên môn là một đội ngũ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn, bao gồm cả những chuyên gia xuất sắc từ các chuyên ngành và lĩnh vực có liên quan đến tai biến y khoa. Đội ngũ này không chỉ đánh giá mà còn đảm bảo sự đa dạng và sâu rộng trong kiến thức, từ đó tạo ra một tầm nhìn toàn diện về vấn đề. Điều này giúp đảm bảo rằng quyết định và đề xuất của họ không chỉ được đánh giá từ góc độ chuyên môn mà còn được áp dụng và hiểu rõ từ nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực y khoa. Khi một sự cố y tế xảy ra và gây tranh chấp, quá trình giải quyết cần sự minh bạch và chính xác. Nhiệm vụ của Hội đồng này là đánh giá và xác định xem người hành nghề có sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong quá trình chăm sóc y tế hay không.

Việc thành lập Hội đồng chuyên môn không chỉ đảm bảo quy trình quyết định được thực hiện một cách công bằng và khách quan, mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia đa dạng của các chuyên gia có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực y khoa. Điều này giúp đảm bảo rằng quá trình đánh giá không chỉ dựa trên góc độ chuyên môn kỹ thuật mà còn tích hợp những yếu tố nhân văn và đạo đức, tạo ra một quá trình giải quyết tranh chấp toàn diện và minh bạch. Quá trình triệu tập chuyên gia tham gia Hội đồng chuyên môn đòi hỏi sự đảm bảo về tính khách quan và không xung đột lợi ích, nhất là theo quy định của pháp luật, để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn không chỉ là cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp trong trường hợp tai biến y tế mà còn là nền tảng quyết định cho cơ quan quản lý y tế có thẩm quyền. Điều này bao gồm việc quyết định về việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người hành nghề. Sự kết hợp giữa chuyên môn và quyết định hành vi sẽ đảm bảo rằng các biện pháp được thực hiện có cơ sở khoa học và chính xác.

“Hội đồng chuyên môn không chỉ đóng vai trò quyết định quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng chăm sóc y tế mà còn đảm bảo rằng mọi quyết định đều được đưa ra dưới sự giám sát kỹ lưỡng và chăm sóc của một tổ chức có uy tín như Bộ Y tế. Điều này không chỉ tạo ra một hệ thống quyết định vững chắc mà còn làm tăng cường lòng tin của cộng đồng và các bên liên quan đối với quyết định chuyên nghiệp và khách quan của Hội đồng”, Luật sư Tô Thị Phương Dung nói.

Vậy, nếu không thành lập hội đồng chuyên môn, chỉ dùng căn cứ họp của bệnh viện liệu có đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khách quan cũng như chỉ ra được những sai sót về chuyên môn kỹ thuật nếu có trong quá trình chăm sóc y tế hay không? Bởi kết luận của Hội đồng chuyên môn không chỉ là cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp trong trường hợp tai biến y tế mà còn là nền tảng quyết định cho cơ quan quản lý y tế có thẩm quyền. Dựa trên kết luận của hội đồng chuyên môn, cơ quan quản lý có thể đưa ra quyết định hoặc biện pháp xử lý đối với người hành nghề.

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận