Huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội: Sổ đỏ bỗng dưng 'bốc hơi', chính quyền lặng thinh?

Nộp hồ sơ đề nghị UBND xã Phong Vân, Huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội tiến hành giải quyết thủ tục cấp, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Song hơn 20 năm, không thấy sổ đâu, dù nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không nhận được câu trả lời.

 

Sổ đỏ bỗng dưng “bốc hơi”…

Báo TNVN (Báo VOV) nhận được văn bản phản ánh đề nghị làm rõ các nội dung trong giải quyết di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của ông Chu Đình Sử trú tại Đống Đa, Hà Nội với nội dung:

Tháng 09/2000, mẹ kế của ông Chu Đình Sử là bà Nguyễn Thị Sức có lập “Chúc Thư” (di chúc) để lại một phần quyền sử dụng đất có nguồn gốc cha ông để lại, cụ thể là quyền sử dụng đất đối với thửa đất 216 diện tích 414 m2 trong toàn bộ quyền sử dụng đất  theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) ” số A921865, vào sổ cấp GCN QSDĐ số: 00865 QSDĐ/PV được UBND huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cấp ngày 20/10/1991 mang tên bà Nguyễn Thị Sức.

Chúc thư này được lập, ký cùng với sự tham gia, chứng kiến của các con riêng và con chung của chồng cụ Sức là ông Chu Văn Vật (đã mất); trưởng thôn, cán bộ địa chính xã Phong Vân, đại diện các hộ liền kề và có xác nhận/chứng thực của chính quyền địa phương xã Phong Vân, huyện Ba Vì.

Chúc thư của bà Nguyễn Thị Sức.

Sau đó, ông Chu Đình Sử nộp hồ sơ đề nghị UBND xã Phong Vân tiến hành cấp, sang tên GCN QSDĐ đối với thửa 216 nêu trên. Tuy nhiên, hơn 20 năm với nhiều lần đề nghị, kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng đều không nhận được kết quả xem xét giải quyết và cũng chưa từng được phúc đáp, trả lời cụ thể bằng văn bản hay mời làm việc, thông tin, hướng dẫn, trả lời từ phía chính quyền.

Cũng theo tài liệu mà gia đình ông Chu Đình Sử cung cấp, ngày 01/01/2003, ông Hoàng Đức Trường (cán bộ địa chính xã Phong Vân) có làm báo cáo giải trình (có xác nhận, ký, đóng dấu của Chủ tịch UBND xã Phong Vân) trình bày sự việc: Sau khi nhận bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: A921865, vào sổ cấp GCN QSDĐ số: 00865 QSDĐ/PV được cấp bởi UBND huyện Ba Vì và hồ sơ có liên quan từ ông Chu Đình Sử để lưu giữ, xem xét thụ lý hồ sơ, chuyển quyền sử dụng đất cho ông Chu Đình Sử theo chúc thư của cụ Sức thì ông Chu Quang Ánh (em trai cùng cha khác mẹ với ông Chu Đình Sử) ra gặp và nói mượn GCN QSDĐ (bản gốc) mang đi photocopy một vài bản để lưu, nhưng sau đó không trả lại.

Bản giải trình của ông Hoàng Đức Trường cán bộ địa chính xã.

Tại bản giải trình, ông Hoàng Đức Trường cũng khẳng định: ông Chu Quang Ánh có hành vi lừa đảo ông Trường để lấy bản gốc GCN QSDĐ nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trước thông tin bị chính quyền làm “mất sổ đỏ”, nhiều lần ông Chu Đình Sử đã đến gặp và làm văn bản đề nghị UBND xã Phong Vân làm rõ những vấn đề trên. Cụ thể, ngày 23/10/2018, ông Chu Đình Sử tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND xã Phong Vân giải quyết vụ việc chuyển quyền sử dụng đất theo nội dung Chúc thư của bà Nguyễn Thị Sức. Đồng thời, đề nghị UBND xã Phong Vân hướng dẫn thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại ông Chu Đình Sử chưa nhận được bất kỳ kết quả xem xét giải quyết và cũng chưa từng được phúc đáp, trả lời cụ thể bằng văn bản hay mời làm việc, thông tin, hướng dẫn, trả lời từ phía chính quyền, bộ phận, cán bộ chuyên môn của xã Phong Vân về việc này.

… và sự im lặng kỳ lạ của chính quyền!

Theo thông tin mà phóng viên tìm hiểu được, “Chúc Thư” này được bà Nguyễn Thị Sức lập, ký cùng với sự tham gia, chứng kiến và ký tên, xác nhận của những người: Ông Chu Đình Sử, ông Chu Đình Soạn, bà Chu Thị Đề, bà Chu Thị Huề, bà Chu Thị Soi (là các con  riêng của ông Chu Văn Vật); ông Chu Quang Ánh, ông Chu Đức Minh, bà Chu Thị Phương, bà Chu Thị Châm (con chung của bà Nguyễn Thị Sức và ông Chu Văn Vật). Tất cả những người có tên nêu trên đều có quan hệ huyết thống hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng như mẹ con với bà Nguyễn Thị Sức.

Ngoài ra về phía nội tộc có sự chứng kiến của ông Chu Văn Hàn, ông Chu Văn Đạn là các bậc cao niên trong nội tộc.

Phía chính quyền có sự chứng kiến của ông Nguyễn Minh Toán, trưởng thôn. Ông Hoàng Đức Trường, cán bộ địa chính xã.

Sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Sức đã "bị mất".

Chúc thư còn được xác nhận, ký và đóng dấu của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Phong Vân, huyện Ba Vì.
Nội dung Chúc thư ghi rõ ông Chu Đình Sử được bà Nguyễn Thị Sức để lại quyền sử dụng đất đối với thửa đất 216 diện tích 414 m2 trong toàn bộ quyền sử dụng đất  theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ)” số A921865 mang tên bà Nguyễn Thị Sức để làm nhà thờ tổ. Chúc thư khẳng định nguồn gốc đất do: “Chồng tôi là ông Chu Văn Vật để lại”.
Tại bản phụ lục kèm theo Chúc thư của bà Sức ghi rõ, các con trai, gái đóng góp tiền theo thỏa thuận và được thực hiện ngay sau Chúc thư đã lập để hỗ trợ ông Chu Quang Ánh trả nợ cũng như di dời nơi ở, bàn giao mặt bằng mảnh đất 216 diện tích 414 m2 để xây dựng nhà thờ.

Như vậy, có thể nói về mặt pháp lý, việc ông Chu Đình Sử được quyền thừa kế và đứng tên mảnh đất 216 diện tích 414 m2 là đúng pháp luật. Nhưng trong suốt thời gian từ những năm 2000 đến nay, đã qua hơn 20 năm, ông Chu Đình Sử nhiều lần đề nghị, kiến nghị (cả bằng văn bản, có xác nhận của UBND xã) về việc cấp GCN QSDĐ và việc cán bộ địa chính xã để thất thoát tài liệu là bản gốc GCN QSDĐ mà ông Chu Đình Sử đã nộp. Nhưng, tới thời điểm hiện tại đề nghị của ông Chu Đình Sử và những vấn đề phát sinh đều không có kết quả xem xét, giải quyết và cũng như chưa từng được phúc đáp, trả lời cụ thể bằng văn bản hay mời làm việc, thông tin, hướng dẫn, trả lời từ phía chính quyền xã Phong Vân.

Qua tìm hiểu vụ việc chúng tôi thấy có 2 vấn đề: Vấn đề thứ nhất là việc phân chia di sản thừa kế, cụ thể là Chúc thư (di chúc) của bà Sức lập khi bà Sức còn sống. Chúc thư này được lập hợp pháp, có xác nhận của UBND xã là di chúc có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, bằng 1 cách nào đó ông Chu Quang Ánh, con cùng cha khác mẹ với ông Sử đã lên xã lấy sổ đỏ bản gốc mang đi. Vậy UBND xã Phong Vân có lưu trữ văn bản này theo quy định hay không? Việc làm “mất sổ đỏ” của người dân trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý như thế nào?

Vấn đề thứ 2, mặc dù ông Sử đã có đơn đề nghị nhằm ngăn chặn việc sang tên đối với quyền sử dụng đất theo GCN QSDĐ bị ông Ánh lấy đi không trả lại nhưng UBND xã không giải quyết cũng như không thực hiện các biện pháp ngăn chặn chuyển dịch, sang tên mảnh đất này. Vì vậy, trên hệ thống dữ liệu công chứng không hiển thị thửa đất trên là di sản thừa kế của ông Sử. Lý do gì, chính quyền lại im lặng trước kiến nghị của người dân? Với cách làm việc này, liệu chính quyền đã thực hiện đúng quy định, trách nhiệm của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nói chung và ông Chu Đình Sử nói riêng hay chưa?

Báo VOV sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận