Hàng chục hộ gia đình đang ăn ở ổn định, bỗng một ngày nhận được thông báo trên loa truyền thanh của phường là 42 hộ (có tên trong danh sách) phải di dời để thực hiện dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình. Đến khi người dân tự đi tìm văn bản pháp lý của dự án thì được biết một số hộ chỉ mất phần đuôi của thửa đất…
Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân (Hà Nội) lập dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình. Các sở, ngành của Hà Nội đồng thuận làm các văn bản trình cấp trên. Sau khi có bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng (QH.01) tỷ lệ 1/500 đã được xác định các mốc: A2, B2, C2, E2, E, F, G, H, A thì năm 2002 (tức là cách đây hơn hai chục năm) Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố (TP) Hà Nội ra Quyết định 2586/QĐ-UB thu hồi 14.524 m2 đất để giao cho Ban quản lý dự án (QLDA) quận Thanh Xuân xây dựng Trường PTTH Khương Đình. Trong 14.524 m2 đất dự kiến thu hồi có 9.376 m2 giới hạn bởi các mốc: A, B, C, D, E, F, G, H để xây dựng trường học; còn 5.148 m2 giới hạn bởi các mốc: A2, A, B, C, D, E, E2, C2, B2 là để làm đường.
Trên thực tế, Ban QLDA quận Thanh Xuân lập dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình chỉ xin 9.376 m2 đất. Nhưng sau đó không rõ ai tham mưu cho thành phố “tiện thể" thu thêm 5.148 m2 đất của 42 hộ dân đang sinh sống ăn ở ổn định đã hàng chục năm, với lý do lấy để làm dự án mở đường Vương Thừa Vũ với đường Vành Đai 3. Trong khi đó, phải 6 năm sau đường Vương Thừa Vũ và đường Vành Đai 3 mới được hình thành.
Quyết định 4235 nêu rõ: “…Giao cho UBND quận Thanh Xuân quản lý 662m2 (đất thu hồi thêm) là diện tích mở đường theo quy hoạch".
Và thế là, 37 hộ dân phải bàn giao toàn bộ diện tích đất ở và di dời đi chỗ khác, mặc dù phần đất của họ (chủ yếu) không nằm trong chỉ giới thuộc Dự án Trường PTTH Khương Đình, mà lại nằm trong chỉ giới của dự án làm đường(?).
Cái góc này càng khuất khi người dân biết rằng, để thực hiện một dự án thì mục tiêu, tiêu chí, giá bồi thường, tiền đền bù hay tiền hỗ trợ hoặc được xét tái định cư là khác nhau; thời điểm thu hồi đất khác nhau cũng được áp giá đền bù, bồi thường, hỗ trợ khác nhau. Nếu thực thi đúng pháp luật, chỉ thực hiện riêng Dự án Trường PTTH Khương Đình, thì có hàng chục hộ trong số 37 hộ dân không phải di dời để bàn giao đất.
Góc khuất ấy thêm khuất nếu đặt câu hỏi là thành phố và quận Thanh Xuân lấy khoản tiền nào, nguồn nhà ở nào thuộc dự án nào để bồi thường, hỗ trợ, xét tái định cư cho những hộ dân đã bị thu hồi đất? Chính vì những bất cập này mà hàng chục năm dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình không thể thực hiện được. Trong khi đó, Điều III của quyết định ghi rõ: “Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Sau 12 tháng kể từ ngày giao, nhận đất, nếu Ban QLDA quận Thanh Xuân chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng Điều I của Quyết định này thì Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi Quyết định giao đất"… Song, không phải là qua 12 tháng không sử dụng, mà hơn chục năm sau Dự án xây trường vẫn chưa được triển khai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian rất dài ấy, lãnh đạo quận Thanh Xuân (qua các thời kỳ) và Ban QLDA bằng mọi cách “níu kéo" thực hiện dự án trên diện tích đất thu hồi, bất chấp 37 hộ dân gửi đơn đi các nơi cầu cứu mong sao có cuộc sống ổn định, không phải nơm nớp lo lắng nằm trong diện dự án treo.
Đến thời điểm này, Dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình đã thực hiện xong, nhưng góc khuất của việc thu hồi đất cho mục tiêu tốt đẹp ấy vẫn còn đó.
Quốc Hưng