Viết tiếp: Những chuyện 'đắng lòng' tại HTX Đông Ba - Bài 4: Lợi ích 'xen kẹt'

Sai phạm đất đai ở phường Trương Định, quận HBT rất trầm trọng- nhiều hậu quả nghiêm trọng không thể sửa chữa, bởi lợi ích còn 'xen kẹt' trong từng thửa đất

 

Những sai phạm về đất đai ở Hợp tác xã (HTX) Đông Ba và phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (HBT) - Hà Nội đã kéo dài hàng chục năm, thời gian đủ dài cho những thay đổi quan trọng về luật pháp và đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về đất đai. Báo TNVN đã điều tra, phản ánh thực trạng sai phạm đó trong những bài viết đăng tải từ tháng 12/2018 tới nay, qua đó cho thấy, luật pháp có, mong muốn thực thi pháp luật có, nhưng sai phạm vẫn kéo dài với nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó có thứ không thể sửa chữa, bởi lợi ích còn “xen kẹt” trong từng thửa đất. 

Đằng sau những sổ đỏ số đẹp

Thửa đất số 247 ở ao Vũ Tạo có diện tích 114,5m2, tờ bản đồ số 5H-II-20, giao khoán theo hợp đồng cho các xã viên, nguồn gốc là đất nông nghiệp của HTX Đông Ba, nhưng ngày 05/7/2018 đã được quận HBT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số sổ CM 257201, do Phó Chủ tịch Lâm Anh Tuấn ký. Hơn 1 tháng sau, cùng một ngày 27/8/2018, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký tách từ sổ đỏ CM 257201 thành 03 sổ đỏ, cấp cho: Trần Tấn Đạt số sổ CM 257555; Bùi Thanh Vân số sổ CM 257566; Nguyễn Văn Thắng số sổ CM 257588. Số đẹp như những sổ đỏ này, đi đăng ký xe máy ôtô không “tự dưng” có được, nếu là SIM điện thoại thì bán được với giá cao. Rõ ràng, đằng sau đó là những nhóm lợi ích đan xen trong từng thửa đất. Họ thiết lập qui trình hợp pháp hóa sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, qui trình chia chác quyền ảnh hưởng và lợi ích.

: Những sổ đỏ (số đẹp) được cấp cho những người không phải là xã viên HTX trên đất nông nghiệp của HTX Đông Ba.

Luật pháp hiện hành quy định “đất nông nghiệp”, kể cả “đất nông nghiệp xen kẹt”, ở đây là đất của HTX Đông Ba giao cho xã viên, thuộc loại đất “không được xem xét chuyển mục đích sử dụng”. Song, cùng với quá trình đô thị hóa là nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng, sang nhượng, tách thửa ngày càng nhiều, việc xây nhà ở trên đất nông nghiệp tràn lan được “phạt cho tồn tại”, rồi kê khai không tranh chấp, xét phù hợp quy hoạch, nộp tiền chuyển đổi là có sổ đỏ. Chúng tôi có bản chụp nhiều sổ đỏ khác, tuy số không đẹp bằng những số sổ trên, nhưng đều ghi rõ: “Thửa đất này tách ra từ Thửa…”. Trong sổ đỏ số CK 294233 cấp cho Nguyễn Văn Thắng ngày 27/6/2017, còn ghi: “Số tờ, số thửa và sơ đồ sẽ được điều chỉnh khi có bản đồ địa chính chỉnh quy”. Mảnh đất hơn 30m2 này nằm ở ao Vườn Bầu 2, cũng là đất nông nghiệp của HTX Đông Ba. Tại đây, hàng trăm mét vuông đã được “biến báo - hợp thức hóa” làm sổ đỏ. Nói chung, quy trình hợp pháp hóa sai phạm được “thúc đẩy” bởi quá trình hoàn thiện văn bản pháp luật về đất đai. Lợi ích từ việc này được phân chia thế nào, không cần “bắt tận tay”, “chỉ tận mặt”, bởi ai cũng biết mà cứ “làm như không biết”.

Không giải thể HTX để “trục lợi”

Sẽ không có khiếu kiện kéo dài, tranh chấp gay gắt, không có những chuyện “đắng lòng”, không vướng mắc khi giải phóng mặt bằng (GPMB), nếu như HTX Đông Ba được giải thể từ cách đây hơn 20 năm theo Quyết định số 28/1998/QĐ-UB ngày 24/8/1998 của thành phố Hà Nội. Nhưng không ai muốn làm việc đó và Đông Ba vẫn tồn tại, dù chỉ là tên gọi. Có những nhóm lợi ích muốn “mập mờ” chủ thể quản lý đất để trục lợi. Cùng với những nhóm lợi ích câu kết với người có “quyền ảnh hưởng”, sự “mập mờ” còn là cơ hội để nhiều cá nhân lấn chiếm đất đai, san lấp ao hồ, hủy hoại môi trường, xây dựng tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Cách đây gần hai chục năm, phóng viên chúng tôi đã chứng kiến những cuộc tranh luận “nảy lửa” ở Hội đồng nhân dân các phường, quận ven đô, trong đó có quận Hai Bà Trưng, có phường sau chuyển sang quận Hoàng Mai. Ở đó, cán bộ phường “tố” HTX “bán đất”, cán bộ HTX “tố” phường xác nhận mua bán nhà cửa đất đai tràn lan, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng… Những cuộc “đấu tố” ấy bất phân thắng bại, đúng sai. Sau đó vài năm, Hà Nội quyết định không cho phường xác nhận mua bán nhà cửa nữa, tất cả phải ra công chứng. Nhưng, còn nguyên đó hậu quả không thể sửa chữa được là quy hoạch đô thị và dân cư của Thủ đô bị phá vỡ. Ở phường Trương Định bây giờ, những nơi là đất của HTX Đông Ba, con đường nào cũng ngoằn nghèo đi vào không nhớ đường ra, hầu như không có vỉa hè, nhà cửa thò thụt, nước thải tù đọng ô nhiễm, động mưa là ngập lụt... Lãnh đạo các quận ven đô của Hà Nội đã từng tự xoa dịu bằng một câu “làm xiếc” với ngôn từ tại những buổi sơ kết tổng kết, đó là, chúng ta đã cố gắng và đã bảo tồn được văn hóa “phố làng”.

Buổi làm việc giữa Báo TNVN với nhiều thành phần cán bộ của phường Trương Định

Chủ tịch phường Trương Định là ông Nguyễn Hoành Dũng cho biết: năm 1999, quận giao trách nhiệm quản lý đất nông nghiệp cho phường Trương Định gồm 24 thửa đất với diện tích 41.992,7m2. Từ đó đến nay, Nhà nước đã thu hồi 8 điểm, còn 16 điểm phường quây tôn rào 11 điểm, 5 điểm đang triển khai dự án, được thành phố đánh giá cao. Ông Dũng khẳng định, không có dự án, công trình nào xây dựng trên đất nông nghiệp mà phường không biết. Song, điều ông Dũng nói không giống những gì diễn ra trên thực tế. Cũng như HTX Đông Ba, phường Trương Định không quản lý được biến động đất đai. Trong 8 điểm Nhà nước đã thu hồi, 2 điểm còn khiếu kiện của dân về lợi ích. Những điểm đã quây tôn rào vẫn thấy nhà cao tầng mọc lên và đều đã có chủ, có ngôi nhà được biết là của lãnh đạo phường, do người khác đứng tên. Hay như dự án mở rộng Trường Tiểu học Trung Hiền đã có phương án GPMB mà nhiều năm nay chưa giải quyết xong, có hộ kiện ra tòa, bởi chỉ đếm số hộ đã thấy cán bộ gian dối. Sai phạm nghiêm trọng là ông Bùi Khắc Hùng - Chủ nhiệm HTX Đông Ba năm 1992 “bán” 35m2 đất của HTX cho ông Vũ Đình Minh (chồng bà Sớm, cả 2 không phải là xã viên HTX). Sau đó, ông Minh sửa lại từ 35m2 thành 75m2 - ông Hùng thừa nhận, nhưng chủ tịch phường khẳng định: “Qua xác nhận nguồn gốc đất, ông Minh bà Sớm đủ điều kiện để GPMB xét tái định cư”.

Trình độ nhận thức pháp luật, hiểu biết chính sách là khác nhau trong nhân dân, cũng như trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhưng về giá đất ai cũng biết rành rẽ. Không kể những khu đất đẹp được giao cho phường quản lý, một mét vuông đất “xen kẹt” mua lại ở đây hiện có giá từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo vị trí, sau khi làm sổ đỏ bán được từ 30 đến 60 triệu đồng. Lợi nhuận quá hấp dẫn, bởi giá đất do thành phố công bố hiện hành cùng vị trí chỉ bằng 1/3 số đó.

Xen kẹt trong những mảnh đất “xen kẹt” là những nhóm lợi ích với quy trình chia chác do họ tự thiết lập. Làm thế nào để ngăn chặn và xử lý vấn đề nói thẳng ra là “tham nhũng đất đai” này, chúng tôi sẽ đề cập trong bài sau.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận