Tại TP.HCM có đến hơn 17.300 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), khiến hàng chục ngàn lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Không ít doanh nghiệp dùng nhiều cách để trốn đóng BHXH, khi bị người lao động khiếu nại, cơ quan chức năng thanh tra thì tìm cách “né tránh, đóng cửa”. Tình trạng nợ BHXH có xu hướng tăng, song nhiều năm qua chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Nhiều vướng mắc xử lý hình sự nợ BHXH
Tính đến nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) tại TP.HCM là hơn 6.870 tỷ đồng, tăng hơn 649 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu, thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là hơn 4.470 tỷ đồng.
Trong lúc biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chỉ mang lại hiệu quả nhất định, theo quy định hiện hành, hình thức chế tài khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự đối với hành vi gian lận, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN được xem là phương thuốc hữu hiệu, có tính răn đe nhất.
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP.HCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố từ cơ quan BHXH chuyển đến, nhưng chưa khởi tố được vụ án cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM, nguyên do là, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” quy định, người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự. Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định.
Bên cạnh đó, hồ sơ, chứng cứ phía BHXH chuyển giao cho cơ quan cảnh sát điều tra toàn là bản photocopy, không có giá trị pháp lý; cơ quan BHXH không cung cấp được chứng từ chứng minh việc đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho doanh nghiệp về hành vi trốn đóng BHXH nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
“Cần phải kiến nghị lên cơ quan cấp trên, bổ sung và hoàn thiện Điều 39 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP, để làm sao khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì nó phải tách bạch được hành vi trốn đóng với các hành vi đóng chậm, đóng thiếu. Đó là một cơ sở và khi xử lý vi phạm hành chính thì chúng ta phải có quy trình tống đạt rất rõ ràng để xác định được. Từ đó làm cơ sở khởi đầu để nếu đơn vị tái phạm thì ta xử lý hình sự”- Thượng tá Ngô Thuận Lăng cho biết thêm.
Cần giải pháp mạnh tay để răn đe
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, toàn thành phố có 17.365 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 3.055 tỉ đồng, khiến 93.000 người lao động không được hưởng kịp thời các quyền lợi khi thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất…
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động TP phối hợp cùng Liên đoàn Lao động các quận huyện và thành phố Thủ Đức, nhiều lần hỗ trợ người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, về xử lý hình sự thì tính đến nay chưa có trường hợp nào.
Để hạn chế tình trạng này, ông Phạm Chí Tâm đề nghị, cần áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật BHXH, chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Bà Trịnh Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho rằng, cần lập danh sách các doanh nghiệp trong số hơn 17.000 doanh nghiệp chậm đóng, chây ỳ: “Có thể lập một danh sách những doanh nghiệp mà đã xác định là có dấu hiệu, có những hành vi trốn tránh, chây ỳ nộp BHXH, để chúng ta phân rõ trách nhiệm và cùng tham gia xử lý, tạo thành một đợt cao điểm để giải quyết trường hợp này. Cùng với quá trình giải quyết đó thì cần phải đẩy mạnh công tác, thông tin giống như tiếng nói báo động”.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 917 đơn vị với tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 176,3 tỉ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã khắc phục 52 tỉ đồng (tỉ lệ trên 29%). Kết quả thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 85 đơn vị; kiến nghị ban hành 61 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết: "Đối với doanh nghiệp nợ, chúng tôi có tổ chức thanh tra, kiểm tra. Hiện nay chúng tôi đang tăng cường thanh tra đóng đối với đơn vị nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp người lao động, để giảm số nợ và quan trọng nhất là vì người lao động để họ hưởng đầy đủ chế độ mà họ phải được thụ hưởng”.
Cũng theo cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM, những cơ sở kinh doanh nhỏ cũng cần được quan tâm và kiểm tra chặt chẽ. Với xu thế của phát triển công nghệ, tình hình kinh tế khó khăn khiến các chủ doanh nghiệp có xu hướng không muốn nuôi lao động. Chỉ khi nào có hợp đồng và có việc thì mới kêu lao động để tránh ký hợp đồng lao động và đóng BHXH.
Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động các cơ sở này thực hiện đúng quy định. Đối với những trường hợp không thực hiện cần phối hợp với cơ quan thuế để theo dõi doanh thu và có giải pháp phù hợp./.
Theo VOV.VN