Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978; quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977; quê Sóc Trăng) để điều tra về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật hình sự.
Công an TP.HCM cho biết, qua các tài liệu, chứng cứ và áp dụng các biện pháp điều tra, đến thời điểm hiện nay, cơ quan điều tra đã có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý vững chắc xác định 2 bị can Cẩm và Tuyền đã nhiều lần đánh vào cơ thể của một số cháu bé trong mái ấm.
Qua quan sát vụ việc, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng là rất nghiêm trọng, có thể đã diễn ra trong một thời gian dài, các nạn nhân là các cháu bé còn rất nhỏ, có nhiều bé sơ sinh, gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Các đối tượng đã có hành vi “bạo lực trẻ em”, đây là hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016.
“Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.” (Khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016). Tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm mà các hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, luật sư Hùng dẫn quy định tại tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần”. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em và buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Hùng cho hay, trong vụ án này, hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu của “Tội hành hạ người khác” (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (nếu không thuộc các trường hợp phạm “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” quy định tại Điều 185 của Bộ luật hình sự), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Theo luật sư Hùng, với việc có hành vi bạo lực đối với nhiều cháu còn rất nhỏ tuổi, thậm chí là các trẻ sơ sinh, nếu bị kết tội thì các đối tượng sẽ phải chịu các tình tiết tăng nặng định khung là: Phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” và “đối với 2 người trở lên” theo quy định tại điểm a và c Khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015, có khung hình phạt là từ 1 năm đến 3 năm tù.
Trong vụ việc này, ngoài các hành vi bạo hành, xâm hại đối với trẻ em, luật sư Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần điều tra, xác minh, làm rõ có hay không việc lợi dụng hoạt động từ thiện, nuôi dưỡng trẻ em để trục lợi. Bởi vì, đây cũng là các hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội. Tại Khoản 12 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 quy định nghiêm cấm: “Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.” Căn cứ vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Qua vụ án này cho thấy vẫn có những hạn chế và “lỗ hổng” rất lớn trong công tác quản lý và giám sát đối với các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là các cơ sở xã hội hóa, ngoài công lập. Việc xã hội hóa, thành lập các mái ấm, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt là việc làm nhân đạo, nhân văn, cần được khuyến khích và biểu dương. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để trục lợi, biến các trẻ em thành công cụ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, vật phẩm hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Nghiêm trọng hơn thì các cháu có thể trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực, bốc lột, mua bán trẻ em.v.v..
Chính vì vậy, theo ông Hùng, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng rà soát các quy định pháp lý và thực tiễn, để kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, hoàn thiện và tăng cường hơn nữa các quy định, cơ chế quản lý và giám sát đối với các cơ sở này. Đồng thời, cũng phải xem xét, để nâng cao hơn nữa các chế tài xử lý đối với loại vi phạm này thì mới có thể đảm bảo được tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.
Nguyễn Hiền/VOV.VN