Năm 1988, ông Đồng Văn Bảng kết hôn với bà Tạ Thị Hồng Điệp – sinh hạ được 3 ngưòi con (1 trai, 2 gái). Đến năm 2021, ông Bảng và bà Điệp ly hôn. Mâu thuẫn gia đình cũng bắt đầu từ đây - chủ yếu về phân chia tài sản.
Năm 1991, Hợp tác xã (HTX) chia cho gia đình ông Bảng thửa đất 667,4m2 cho 5 nhân khẩu, gồm: cụ Đồng Văn Vịnh (bố ông Bảng), cụ Đồng Thị Tiền (mẹ ông Bảng), bà Tạ Thị Hồng Điệp (vợ ông Bảng), anh Đồng Thanh Bằng (con chung của vợ chồng ông Bảng bà Điệp) và ông Bảng để làm nông nghiệp. Đến năm 1993, UBND xã bán quyền sử dụng đất để lấy kinh phí làm đường, điện. Ông Bảng cho biết, hai vợ chồng mới cưới nhau được hơn 4 năm chưa có tiền, bố mẹ đẻ ông Bảng bỏ ra toàn bộ số tiền mua lại thửa đất 667,4m2 này. Và đã được UBND huyện Hiệp Hòa cấp sổ đỏ ngày 30/6/2014 – mang tên ông Đồng Văn Bảng và bà Tạ Thị Hồng Điệp.
Tiếp đến, cũng năm 1991 cả 5 nhân khẩu (kể trên) của gia đình ông Bảng được HTX chia cho thửa đất (khác) với diện tích 458,7m2 để làm nông nghiệp. Thửa đất này được UBND huyện Hiệp Hòa cấp sổ đỏ ngày 18/12/2014 cũng mang tên Đồng Văn Bảng và Tạ Thị Hồng Điệp.
Khi ly hôn, TAND huyện Hiệp Hòa đã phân định tài sản chia cho ông Bảng và bà Điệp mỗi bên được hưởng ½ tổng diện tích của cả 02 thửa đất (667,4m2 và 458,7m2). Xét thấy, TAND các cấp của huyện Hiệp Hòa và tỉnh Bắc Giang đã ban hành “bản án" trái pháp luật trong việc phân định – chia tài sản trong vụ án ly hôn. Vì cho rằng Tòa án đã không xác định đúng và đầy đủ các tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, công tâm, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của anh Đồng Thanh Bằng (con chung của ông Bảng bà Điệp) và các đồng thừa kế bị "tước đoạt" – dù ông Bảng và anh Bằng đã cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho Tòa các cấp. Ông Bảng và anh Bằng đã làm đơn gửi TAND cấp cao Hà Nội và TAND Tối cao.
Nhận được đơn của gia đình ông Bảng, TAND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo Tòa cấp cao Hà Nội xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Đang trong thời gian Tòa Tối cao và Tòa cấp cao Hà Nội xem xét, giải quyết theo trình tự tố tụng về bản án phúc thẩm (ly hôn) số: 23/2023/HNGĐ-PT của TAND tỉnh Bắc Giang thì bất ngờ ngày 24/4/2024, ông Đồng Văn Bảng nhận được Quyết định thi hành án chủ động số: 154 của Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Tiếp đến, ngày 16/5/2024, ông Bảng nhận được văn bản số 730 do Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà gửi tới yêu cầu chấp hành việc thi hành án. Khi gia đình ông Bảng nhận được 02 văn bản về việc thi hành án (THA), ông Bảng đã làm đơn xin tạm hoãn thi hành án gửi tới Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà với lý do “...không đồng tình với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang. Và gửi kèm theo các văn bản số: 889/TANDTC-VP và văn bản số: 2139/TANDTC-VP của TAND Tối cao để minh chứng việc tòa các cấp đang thụ lý, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...
Vậy, vấn đề đặt ra là: Trong các ngày 4/3/2024 và 3/6/2024, TAND Tối cao có hai văn bản số: 889/TANDTC-VP và 2139/TANDTC-VP gửi TAND cấp cao Hà Nội - chỉ đạo xem xét, giải quyết đơn đối với công dân Đồng Văn Bảng theo thẩm quyền, thì Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa lại “cố ý làm ngơ" để ban hành 02 văn bản vào những ngày 24/4/2024 và 16/5/2024 “ép" ông Bảng phải THA. Không những vậy, đơn của ông bảng (xin hoãn THA) lại không được Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà chấp nhận(?).
Thêm cách hành xử “vô luật" của Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa đó là: Ngày 26/6/2024, ông Đồng Văn Bảng đang nằm điều trị tại bệnh viện đóng trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, cán bộ công an huyện đã đến tận nơi chứng kiến ông Bảng đang được điều trị là có thật; gia đình ông Bảng cũng thông báo cụ thể với Chi cục THA huyện Hiệp Hòa việc ông Bảng đang nằm viện. Nhưng một lần nữa, Chi cục THA huyện Hiệp Hòa cố tình “phớt lờ"... Vào ngày 27/6/2024, Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà do bà Nguyễn Thúy Hằng - Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa (là người trực tiếp chỉ đạo) vẫn tổ chức cưỡng chế THA đối với người bị THA là một bệnh nhân đang nằm viện điều trị(!?)
Vẫn chưa hết. Việc cưỡng chế THA lần này (những lần trước sẽ nói sau) của Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa đối với ông Đồng Văn Bảng là bất thường – vi phạm rất nghiêm trọng. Đó là: Về tài sản cưỡng chế THA mà ông Bảng phải thực hiện theo bản án là 145.406.500 đồng – theo văn bản số 1025/CCTHA-DS ngày 21/6/2024 do ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng Chi cục THA-DS huyện Hiệp Hoà đã ký. Do ông Bảng không thể chấp hành được việc THA (số tiền mặt 145.406.500 đồng) vì lý do đang nằm viện, lập tức Tổ công tác thực hiện cưỡng chế THA-DS huyện Hiệp Hòa đã đo đạc kê biên tài sản 229.2m2 đất của ông Bảng - là: “Quyền sử dụng đất của ông Đồng Văn Bảng thuộc thửa đất số 216, tờ bản đồ số 10 tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, đã được UBND huyện Hiệp Hòa cấp Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BU 584029 ngày 18/12/2014…” - Thông báo số 1091 của Chi cục THA-DS huyện Hiệp Hoà đã thể hiện rõ việc kê biên này.
Việc kê biên này của Chi cục THA-DS huyện Hiệp Hòa đã có 3 vấn đề cần được làm rõ. Một là: Ông Đồng Văn Bảng buộc phải THA với số tiền 145.406.500 đồng. Vậy căn cứ nào Chi cục THA-DS huyện Hiệp Hòa cưỡng chế tài sản lại “Quy đổi" 145.406.500 đồng bằng 229.2m2 đất ở của ông Bằng. Thực tế, số tiền hơn 145 triệu đồng là nhất nhỏ so với diện tích 229.2m2 đất ở của ông Bằng(?) Hai là: Thửa đất có diện tích 229.2m2 đất này đã được cơ quan có thẩm quyền “định giá" đất ở của ông Bằng trị giá là bao nhiêu tiền một mét-vuông chưa? Tại sao Chi cục THA huyện Hiệp Hòa (hiểu luật) lại không thực thi đúng luật - đề nghị các cơ quan có thẩm quyền định giá đất của ông Bằng trước khi thực hiện cưỡng chế THA trong trường hợp ông Bằng không thể thực hiện THA bằng tiền mặt(?). Ba là: Ngoài diện tích là 229.2m2 đất ở, thì phần tài sản gắn liền với đất ông Bảng bị kê biên gồm: “01 tường xây gạch nung, tường xây 110 bổ trụ có diện tích 15m2 (tường giáp đường đi của thôn); 01 móng tường cuối đất xây gạch ba-banh có chiều dài 9,16m, chiều rộng 3cm...” có được tính toán không và được tính toán như thế nào(?)
Với các nội dung đã nêu ở trên, có thể khẳng định, Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dẫn đến việc ông Đồng Văn Bảng buộc phải làm đơn tố cáo ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thúy Hằng - Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Nhận đơn Tố cáo của ông Bằng, Cục THADS tỉnh Bắc Giang ra Thông báo số 1888 đồng ý thụ lý tố cáo của công dân. Thông báo nêu rõ: “Ngày 22/7/2024, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định thụ lý tố cáo số 1876/QĐ-CTHA-DS đối với tố cáo của ông Đồng Văn Bảng - sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Nội dung thụ lý: Tố cáo ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà có dấu hiệu của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; không tuân thủ đúng Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP trong thi hành án...
Ngoài việc ra Quyết định thụ lý đơn công dân tố cáo ông Dương Văn Cường, ngày 15/7/2024, Cục THADS tỉnh Bắc Giang có thêm văn bản số 1818/PCĐ-CTHA-DS gửi Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà - chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền đơn công dân tố cáo bà Nguyễn Thúy Hằng - Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà về các dấu hiệu: “Có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; không tuân thủ đúng Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP trong THA và các nghị định, văn bản, điều luật liên quan khác... Kết quả giải quyết gửi về Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo để theo dõi, báo cáo Cục trưởng theo quy định”.
Để làm trong sạch bộ máy cán bộ, nhất là đối với những cơ quan thực thi pháp luật, cần phải sàng lọc chọn ra những cán bộ có phẩm chất, đạo đức, có năng lực chuyên môn. Và phải loại trừ những cán bộ “cố ý" làm sai, làm trái pháp luật – làm ảnh hưởng đến tổ chức Đảng, niềm tin công lý, làm mất đi sự công bằng, “tước đoạt" quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, Nhà nước, của công dân./.