Sau phán quyết của Toà phúc thẩm, Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hoà Bình (Công ty Ngọc Thảo) cho rằng sự việc còn nhiều uẩn khúc, một số tình tiết then chốt chưa được làm sáng tỏ nên đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Trước đó, Viện KSND huyện Lương Sơn khẳng định, không có căn cứ buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường.
Ai đã “can thiệp” vào công tơ điện?
Ngày 26/07/2023, TAND tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn là Tổng Công ty điện lực miền Bắc và bị đơn là Công ty Ngọc Thảo có địa chỉ tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. HĐXX xử đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Ngọc Thảo trả cho Công ty điện lực Hòa Bình – Chi nhánh Tổng công ty điện lực miền Bắc tiền điện theo biên nhận thanh toán ngày 09/06/2015 số tiền 1,254 triệu đồng (một tỷ hai trăm năm mươi tư triệu đồng) và số tiền 663,8 triệu đồng ( Sáu trăm sáu mươi ba triệu tám trăm nghìn đồng). Lãi suất chậm trả đến ngày xét xử sơ thẩm ( ngày 12/05/2023 ) là 1.135 triệu ( Một tỷ một trăm ba mươi năm triệu). Tổng cộng số tiền Công ty Ngọc Thảo phải trả là: 3,054 triệu (Ba tỷ không trăm năm mươi tư triệu đồng).
Theo nội dung bản án, việc thất thoát điện năng xảy ra tại 02 trạm biến áp 1800 KVA và 1000 KVA thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty Ngọc Thảo. Ngày 20/05/2015 điện lực Lương Sơn khi kiểm tra việc sử dụng điện tại Công ty Ngọc Thảo phát hiện 01 sợi dây đồng có tiết diện 0,15mm2 xuyên qua mạch nhị thứ của 03 quả Ti của mỗi điểm đo dùng cấp dòng cho công tơ, gây ngắt mạch dòng Ti làm cho 1 phần dòng diện không đi qua được công tơ tại biến áp 1800kVA và 1000 kVA.
Ông Nguyễn Xuân Hiên, giám đốc Công ty Ngọc Thảo cho hay, theo định kỳ cứ 10 ngày 1 lần cán bộ điện lực sẽ cùng nhân viên công ty ghi số điện năng tiêu thụ và cán bộ chuyên trách điện lực cũng đến kiểm tra các trạm biến áp thường xuyên. “Tuy nhiên, các công tơ điện nằm trong khu vực cấp điện thì chỉ cán bộ của Công ty điện lực mới mở ra được…”, ông Hiên bày tỏ.
Còn theo hồ sơ tài liệu có trong vụ án, ngày 24/07/2017, Cơ quan CSĐT – CA tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số: 477/CSĐT – PC46 gửi Điện lực Hòa Bình, văn bản có nội dung: “Việc thất thoát điện năng xảy ra tại 02 trạm biến áp 1000 KVA và 1800 KVA của Công ty Ngọc Thảo là có thật. Tuy nhiên đến nay cơ quan điều tra chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm”
Còn ông Nguyễn Xuân Hiên cũng cho biết thêm, ngoài văn bản số 477/CSĐT - PC46 của Cơ quan CSĐT thì cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào khác của cơ quan chức năng có thẩm quyền, hoặc HĐXX kết luận, nhận định, việc đặt “sợi dây đồng xuyên qua mạch nhị thứ” là do nhân viên hoặc cán bộ của Công ty Ngọc Thảo thực hiện.
Không có căn cứ để bồi thường theo Điều 32 Thông tư 27
Ngày 12/05/2023, Viện KSND huyện Lương Sơn đã có Quyết định kháng nghị số: 01/QĐ - VKS - DS kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số: 01/2023/KDTM, ngày 12/05/2023 của TAND huyện Lương Sơn với nội dung: Tòa án căn cứ vào Điều 7 của Hợp đồng mua bán điện số 14/000042 giữa Công ty Ngọc Thảo và Công ty Điện lực Hòa Bình để buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường thiệt hại trong trường hợp trộm cắp điện và phương pháp xác định điện năng bồi thường đối với hành vi gian lận theo điều 32 của Thông tư số 27/2023/TT - BCT là không có cơ sở. Bởi đối với vụ việc thất thoát điện xảy ra tại 2 trạm biến áp 1000 KVA và 1800 KVA của Công ty Ngọc Thảo đã được cơ quan điều tra thụ lý giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo vẫn chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Các bên liên quan chưa cung cấp được đầy đủ các tài liệu chứng minh về thời gian và công suất sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện thực tế trong khoảng thời gian vi phạm nên chưa xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế bị mất, chưa đủ căn cứ để xem xét 1 trong 2 quyết định khởi tố hay không khởi tố. Do đó ngày 24/7/2017, cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã có thông báo số 223 về việc tạm dừng giải quyết tố cáo tố giác tin báo về tội phạm.
Đến ngày 31/3/2023, cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố số 03 do không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế bị mấtvà hiện đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, không có cơ sở để buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường sản lượng điện năng chỉ trong 37 ngày (7/4 2015 - 20/5/2015) là 260.663 kWh đối với trạm biến áp 1000 kVA và 416.910 kWh đối với tạm biến áp 1800 kVA.
Từ phân tích trên, Quyết định số 01/QĐ-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đã khẳng định: Việc TAND huyện Lương Sơn buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường theo cách tính tại Điều 32 Thông tư 27/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng và tiền lãi là “không có căn cứ, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của Công ty Ngọc Thảo”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Ngọc Thảo cho hay, trong khi chưa có kết luận về vụ việc, Công ty Điện lực Hoà Bình tiến hành cắt điện 15 ngày với Công ty Ngọc Thảo, toàn bộ công nhân, máy móc thiết bị ngừng hoạt động. Công ty Ngọc Thảo buộc phải xuống nước ký vào một văn bản do cán bộ của Điện lực Hoà Bình soạn thảo và trong đó viết rõ: Công ty Ngọc Thảo “ăn cắp điện” và phương pháp tính toán: số ngày từ khi đối tượng lừa đảo đến hiện trường (theo trí nhớ của một cán bộ Công ty Ngọc Thảo). Vì thế, Công ty Ngọc Thảo phải trả cho Điện lực Hoà Bình hơn 1,9 tỷ đồng và gần chục năm qua, tiền lãi chậm trả đã tăng lên hơn 3 tỷ đồng.
Để chứng minh cho việc bị ép buộc này, đại diện Công ty Ngọc Thảo đã cung cấp cho phóng viên 02 biên bản thỏa thuận tiền bồi thường do vi phạm trộm cắp điện giữa Điện lực Lương Sơn thuộc Công ty Điện lực Hòa Bình và Công ty Ngọc Thảo ký ngày 21/5/2015 với số tiền lên tới trên 13 tỷ đồng.
Sau hai cấp tòa, Công ty Ngọc Thảo có đơn đề nghị giám đốc thẩm vì cho rằng vụ án còn một số tình tiết tính chất then chốt chưa được làm sáng tỏ. Đại diện Công ty Ngọc Thảo nêu quan điểm, đến nay công an tỉnh đã xác định “không có đủ căn cứ để xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế bị mất” nên đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, làm sáng tỏ các tình tiết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, danh dự, uy tín của công ty.