Thi hành án dân sự ở Hiệp Hòa: Cố ý làm sai nên càng sửa càng sai

Chi cục trưởng và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang) có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

 

Ông Đồng Văn Bảng, SN: 1966, địa chỉ thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang là người bị thi hành án (THA) - phân chia tài sản trong vụ án ly hôn. Trong số báo trước, Báo TNVN đã có 2 bài phản ánh: “Một bản án trái luật cần phải được xem xét” và bài “Vội vã thi hành án”.

Từ vụ án lý hôn này, các cơ quan thực thi pháp luật đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; không tuân thủ đúng Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP trong thi hành án, và các nghị định, văn bản, điều luật liên quan khác. Cụ thể là ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thuý Hằng - chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hiệp Hoà đã bị ông Đồng Văn Bảng và ông Đồng Thanh Bằng làm đơn tố cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền và nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

Hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) hôn nhân gia đình số 80/2022/HNGD-ST ngày 20/9/2022 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hiệp Hòa, và số 23/2023/HNGĐ-PT ngày 08/5/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng - dẫn đến việc quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người bị “tước đoạt”, cho dù những người có quyền lợi liên quan đã cung cấp tài liệu, chứng cứ, đơn kiến nghị gửi tòa các cấp nhưng lại không được tòa xem xét, xác lập nguồn gốc về tài sản trước khi đưa ra xét xử - phân chia tài sản.

Có một câu hỏi lớn là: “Tại sao Hội đồng xét xử là cơ quan thực thi công lý lại “cố ý” bỏ qua các quy định của pháp luật để ban hành bản án trái luật - có nhiều “sạn” đến như vậy?”. Và thêm câu hỏi nữa là: Ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thuý Hằng - chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà lại “vội vã” bất chấp pháp luật - thi hánh án đối với một bệnh nhân đang nằm viện điều trị (?).

Trong khi TAND Tối cao đang có hai văn bản số 889 và 2139 gửi TAND cấp cao Hà Nội - chỉ đạo xem xét, giải quyết đơn của công dân Đồng Văn Bảng theo thẩm quyền, thì Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa lại “cố ý làm ngơ" để cưỡng chế, “ép" một bệnh nhân phải thi hành án - dù ông Bảng đã làm đơn (xin hoãn THA) nhưng Chi cục THADS huyện Hiệp Hoà không chấp nhận (?).

Ngày 27/6/2024, ông Bảng đang nằm viện điều trị, nên đã khóa cổng, tổ cưỡng chế THA dùng công cụ mang theo đập tan bức tường bao khu đất của ông Bảng để lấy đường vào khu đất căng dây đo đạc. Vậy còn số tài sản của ông Bảng ai sẽ chịu trách nhiệm? Lỗ hổng pháp lý như vậy, nhưng ông Cường vẫn đồng ý với những gì bà Hằng và các bộ phận liên quan đã thực hiện THA tài sản của ông Bảng trái luật.

Điều đặc biệt nghiêm trọng đó là: Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa buộc ông Đồng Văn Bảng phải THA (theo bản án trái luật) số tiền là 145.406.500đ, nhưng vì lý do ông Bảng đang nằm viện nên tổ chức cưỡng chế THA đo đạc kê biên tài sản 229.2m2 đất của ông Bảng. Thực tế số tiền ông Đồng Văn Bảng buộc phải THA là 145.406.500đ chỉ là rất nhỏ so với trị giá của thửa đất 229.2m2 này. Nhưng Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa đã tự cho mình cái quyền định đoạt 229,2m2 đất đổi ngang bằng 145.406.500 đồng(?) Ngoài diện tích là 229.2m2 đất, thì phần tài sản trên đất của ông Bảng gồm: “01 tường xây gạch nung, tường xây 110 bổ trụ có diện tích 15m2 (tường giáp đường đi của thôn); 01 móng tường cuối đất xây gạch ba-banh có chiều dài 9,16m, chiều rộng 3cm...” cũng bị kê biên mà không được Chị cục THADS huyện Hiệp Hòa tính toán cho ông Bảng (?).

Trong khi đó, thửa đất 229.2m2 này của ông Đồng Văn Bảng chưa được các cơ quan có thẩm quyền “định giá" đất đúng quy định của pháp luât trị giá là bao nhiêu tiền một mét vuông. Vậy mà Chi cục THA huyện Hiệp Hòa vẫn “đè ra” để THA bằng được, quy đổi ngang bằng số tiền hơn 145 triệu đồng.

Sau khi Báo TNVN và nhiều cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng thì Chi cục THADS của Hiệp Hòa lại “vội vã” để “đối phó - sửa sai”. Ngày 27/6/2024, Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa tổ chức cưỡng chế THA đối với (bệnh nhân) Đồng Văn Bảng thì đến ngày 29/8/2024 (tức sau 62 ngày bị cưỡng chế) Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa mới ban hành văn bản số: 1561/TB-THADS thông báo gửi cho ông Đồng Văn Bảng về “Kết quả định giá tài sản”. Tại thông báo này thể hiện căn cứ kết quả chứng thư thẩm định giá số 266/2024/140/CT-TPV ngày 26/8/2024 của Công ty Cổ phần thẩm định giá và Giám định Tiên Phong (TPV) - Thửa đất 229,2m2 giá thẩm định là 203.988.000đ. Phần tài sản gắn liền trên đất: tường gạch nung, giá thẩm định 3.870.000đ; tường gạch ba-banh giá thẩm định là 318.768đ. Tổng giá trị tài sản làm tròn số là 208.180.000đ. Tại sao số tài sản này bây giờ mới được thẩm định giá? Được biết, ông Đồng Văn Bảng không chấp nhận với bản định giá này, ông đang có bước tiếp theo khởi kiện Công ty Cổ phần thẩm định giá và Giám định Tiên Phong (TPV) về thửa đất 229,2m2 của ông với giá thẩm định chỉ là 203.988.000đ.

Có thể khẳng định rằng, Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa thực hiện quy trình ngược - cưỡng chế THA trước (27/6/2024), rồi mới định giá tài sản (26/8/2024), cưỡng chế xong mới gửi thông báo định giá cho người bị THA biết về giá trị tài sản của mình (29/8/2024).

Ông Đồng Văn Bảng khẳng định chỉ nhận được duy nhất “Thông báo số 1561” không nhận được “Chứng thư thẩm định giá” về mảnh đất 229.2m2 là tài sản của ông. Và ông Bảng cũng không mời, cũng không được biết Cty TPV thẩm định thửa đất, tài sản của mình vào lúc nào và bao giờ.

Xét thấy, Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa thực thi công vụ không đúng quy trình, ông Đồng Văn Bảng không nhận thông báo trên thì đến ngày 30/8/2024, cán bộ THA Hiệp Hòa là ông Trần Ngọc Hà đi cùng ông Phạm Đức Đại - Trưởng thôn Trung Tâm - đến tận nhà ông Bảng giao bản thông báo này.

Như vậy có thể thấy rằng, Chi cục THDS huyện Hiệp Hòa có dấu hiệu vi phạm Nghị định của Chính phủ trong thi hành án. Cụ thể, khoản 8 Điều 1, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ) quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật”.

Quá trình cưỡng chế, Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa và các bộ phận liên quan đã không làm công tác thẩm định giá đất trước khi THA để lấy đó làm căn cứ “Quy đổi - Tiền thành đất". Số tiền phải thi hành là 145.406.500 đồng  là rất nhỏ so với giá trị của diện tích đất 229.2m2. Nhưng dưới sự chỉ đạo của ông Cường và bà Hằng, phía Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa đã kê biên toàn bộ diện tích 229.2m2, thuộc thửa đất số 216, tờ bản đồ số 10 đã được UNBD huyện Hiệp Hòa cấp Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngày 18/12/2014.

Như vậy, với số tài sản là đất, tài sản gắn liền trên đất của ông Bảng lớn hơn gấp nhiều so với số tiền 145.406.500đ mà bên cưỡng chế THA cần thu về. Thay vì xác định số tài sản tương ứng với nghĩa vụ của người phải THA và các chi phí thi hành án theo quy định tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ) thì Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa đã cố ý vượt quá thẩm quyền, quyết liệt đến cùng kê biên toàn bộ thửa đất cùng tài sản trên đất, tài sản gắn liền với đất của ông Bảng.

Vì vậy, hoàn toàn có căn cứ để khẳng định: Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa, cụ thể là ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thuý Hằng - chấp hành viên có dấu hiệu vi phạm khoản 8, Điều 1, Nghị định số: 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 13, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ) như đã viện dẫn ở trên.

Việc cưỡng chế còn bỏ qua là tài sản là cây trồng cùng công sức của gia đình ông Bảng trong việc đánh luống, chăm sóc cây…

Theo quy định tại Điều 48, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và được sửa đổi bổ sung trong các năm 2014 và 2022, ông Đồng Văn Bảng hoàn toàn đủ điều kiện được tạm hoãn thi hành án. Nhưng việc cưỡng chế THA vẫn diễn ra, dẫn tới hậu quả là một loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang như đã phân tích ở trên. 

Đây chính là lý do ông Đồng Văn Bảng có căn cứ “tố” ông Dương Văn Cường - Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thuý Hằng - chấp hành viên Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có dấu hiệu vi phạm Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015 tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ./.

Quốc Hưng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận