Viết tiếp Những chuyện 'đắng lòng' tại HTX Đông Ba - Bài 5: Bốn bài học từ Đông Ba

Nhìn rõ những bài học từ Đông Ba để không lặp lại sai lầm đã qua, để mai này chúng ta có một Hà Nội thực sự to đẹp, văn minh, xứng đáng với vị thế của Thủ đô.

 

Như đã phản ánh trong các bài trước, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất của hợp tác xã (HTX) Đông Ba kéo dài hàng chục năm không xử lý, dẫn tới nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, phá vỡ quy hoạch đô thị. Không xử lý không phải vì không xử lý được, mà bởi trong từng thửa đất còn “xen kẹt” lợi ích khác nhau. Hà Nội đang tiếp tục mở rộng đô thị và có nhiều HTX như Đông Ba, nên cần nhìn rõ những bài học từ Đông Ba để không lặp lại sai lầm đã qua, để mai này chúng ta có một Hà Nội thực sự to đẹp, văn minh, xứng đáng với vị thế của Thủ đô.

Thứ nhất, không để lợi ích “xen kẹt”.

Từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước, khi những đội trồng lúa, trồng rau, nuôi cá được lập ra rồi sáp nhập vào thành HTX Đông Ba, theo qui định của Hiến pháp năm 1959, đất đai có nhiều cấp độ sở hữu. Năm 1980, Hiến pháp qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Luật đất đai năm 1987 khẳng định đất đai do Nhà nước thống nhất quản lý. Từ đây, HTX Đông Ba được giao quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. HTX khoán diện tích và sản lượng cho xã viên, ban đầu có tính đến lịch sử nguồn gốc đất đai. Về sau, cùng với quá trình đô thị hóa, pháp luật, chính sách về đất đai được sửa đổi bổ sung, quyền sử dụng đất có thể tặng cho, thừa kế, rồi sang nhượng, mua bán như hàng hóa. Lợi ích bắt đầu “xen kẹt”.

Song, hàng chục thửa đất tổng diện tích hơn 4 ha, năm 1999 quận Hai Bà Trưng giao cho phường Trương Định quản lý, không phải tự dưng “xen kẹt”. Đó là biểu hiện trên thực địa của sự yếu kém trong quản lý đất đai. Với những gì báo TNVN đã phản ánh, các luật sư và chuyên gia khẳng định nguyên nhân là do HTX và chính quyền ở đây để xảy ra tình trạng cho thuê, chuyển nhượng đất trái phép, không đúng thẩm quyền, không đấu giá công khai minh bạch. Nhiều vụ có tham ô, “lợi ích nhóm”, người được thuê, nhận chuyển nhượng có quan hệ “thân hữu” với chính quyền, HTX. Lợi ích dắt dây, qui định lẫn nhau. Bài học rút ra là khi HTX không còn vai trò nữa cần giải thể, thu hồi đất, và căn cứ vào quy hoạch phải có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng, đấu giá công khai minh bạch. Việc này phải làm dứt điểm, bởi để lợi ích “xen kẹt” càng lâu càng khó xử lý.

Cựu xã viên và con em xã viên HTX Đông Ba đến Tòa soạn tố cáo

Thứ hai, sai phạm phải xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Thành phố Hà Nội quyết định giải thể HTX Đông Ba từ năm 1998, nhưng không ai làm việc đó. Để giải thể HTX phải thanh lý tài sản, giải quyết thỏa đáng quyền lợi, đảm bảo sinh kế cho xã viên khi không còn đất sản xuất. Thời điểm đó, HTX Đông Ba hầu như không còn vai trò, chỉ trông vào tiền đền bù khi thành phố thu hồi đất, có nhiều sai phạm trong việc chia tiền, không xử lý kịp thời để khiếu kiện kéo dài. Có thành viên HTX bán đất trái phép phải ra tòa, nhưng hình phạt chưa đủ mức răn đe. Không ít xã viên tự ý san lấp ao đầm, xây nhà trái phép rồi bán, HTX và chính quyền biết, nhưng “lờ đi” như không biết. Sai phạm không xử lý, nên người này thấy người khác làm sai cũng làm sai để trục lợi, tạo ra cơ hội vòi vĩnh của nhiều cá nhân và nhóm lợi ích, là môi trường nuôi dưỡng tham nhũng. Theo các luật sư, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại là quận Hai Bà Trưng, phường Trương Định. Trách nhiệm ấy liên tục, không theo nhiệm kỳ. Bởi, luật pháp tuy thay đổi theo thời gian, nhưng thời điểm nào cũng có luật với hướng dẫn thực hiện cụ thể, rõ ràng. Vấn đề là phải xử lý sai phạm kịp thời và nghiêm minh. Có luật mà chính quyền không thực thi, coi như không có luật.

Văn bản của Sở TNMT đôn đốc Quận Hai Bà Trưng làm rõ vấn đề Báo TNVN đã nêu

Văn bản của Sở TNMT đôn đốc Quận Hai Bà Trưng làm rõ vấn đề Báo TNVN đã nêu (2)

Thứ ba, thống nhất cách hiểu và làm đúng pháp luật.

Cách hiểu khác nhau về luật pháp là nguyên nhân làm cho tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Tới thời điểm này vẫn còn nhiều xã viên và con cháu xã viên HTX Đông Ba cho rằng, họ ăn ở ổn định nhiều thế hệ, nơi ở kề bên mộ phần, không có tranh chấp, đóng thuế đầy đủ, nên đất ấy thuộc sở hữu của họ. Không khó để giải thích cho dân hiểu đúng về luật đất đai, nhưng cán bộ HTX và chính quyền đã sai phạm thì nói ai nghe? Chính quyền rào tôn chống lấn chiếm và nói rằng quy hoạch làm công viên cây xanh, nhưng ở đó nhà kiên cố cứ mọc lên ngạo nghễ và có sổ đỏ (số đẹp) bán cho người khác, thì làm sao có thể nói với dân rằng đất đai là sở hữu toàn dân? May mà ở Đông Ba tranh chấp chưa phát sinh điểm nóng, chứ ở những nơi Hà Nội đang mở rộng thì khó khăn hơn rất nhiều để người dân, và cả quan chức nữa, thống nhất cách hiểu và làm đúng qui định của luật đất đai.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm quy hoạch.

Tham nhũng trong lĩnh vực này không khó nhận diện, nhưng để kéo dài, “xen kẹt” dắt dây như ở Đông Ba thì không dễ xử lý, nó phá vỡ quy hoạch đô thị, cản trở nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Quy hoạch công viên cây xanh mà nhà cao tầng cứ mọc lên, rồi điều chỉnh quy hoạch đô thị thành ra bảo tồn “phố làng”. Bài học từ Đông Ba là cần thực hiện nghiêm quy hoạch, không để quy hoạch nhỏ phá vỡ quy hoạch to, tuyệt đối tránh nhiệm kỳ sau “quy hoạch lại” nhiệm kỳ trước.

Từ 2011-2015, đất nông nghiệp của Hà Nội mỗi năm giảm khoảng 5000 ha, chủ yếu chuyển thành đất ở, khu công nghiệp và đất giao thông... Đô thị hóa nhanh, nhưng cũng như Đông Ba, nhiều nơi phát triển manh mún, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, đường sá mở ra tự nhiên, nhà cửa mọc lên tự phát. 5 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đang rục rịch “lên quận”. Mới đây, Hà Nội có kế hoạch 75/KH-UBND xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó yêu cầu phải đánh giá quá trình đô thị hóa giai đoạn 2011 - 2020 để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để quy hoạch có chất lượng, cùng với đánh giá thực tiễn, Hà Nội cần nhìn nhận rõ những chỗ thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật đất đai với các Luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch. Riêng về đất đai, từ 1987 tới nay có 4 lần ban hành luật và 2 lần sửa đổi, bổ sung. Luật đất đai 2013 đã thay đổi căn bản, nhưng mới tăng cường quản lý Nhà nước chứ chưa coi trọng hiệu quả sử dụng đất.

Luật pháp, chính sách có thể thay đổi theo thời cuộc. Nhưng quy hoạch ở những nơi Hà Nội đang đô thị hóa cần có tầm nhìn để thực sự chất lượng, hạn chế điều chỉnh. Và, quan trọng hơn là phải tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch, để tránh sai phạm như ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, để không còn những chuyện “đắng lòng” như đã xảy ra tại HTX Đông Ba./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận