Luật Đất đai 2024: Những trường hợp 'sổ đỏ' không được thế chấp

Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những quyền quan trọng của người sử dụng đất.

 

Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những quyền quan trọng của người sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải ai có sổ đỏ cũng có thể thế chấp để vay vốn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng

Thứ nhất, không đáp ứng được điều kiện chung để thế chấp: Theo khoản 1, Điều 45, Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện thế chấp, góp vốn bằng sổ đỏ khi có đủ các điều kiện sau:
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp: Thừa kế quyền sử dụng đất, Chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư; trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127
Đất không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa hoặc phán quyết của trọng tài,… đã có hiệu lực pháp luật; Quyền sử dụng đất không bị kê biên… để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất; Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ hai, chưa có sự đồng ý của đồng sở hữu: Trên thực tế, một mảnh đất có nhiều người cùng chung quyền sử dụng đất. Những người này là đồng sở hữu của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoản 2, Điều 27, Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của luật; Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Như vậy, một thành viên trong nhóm đồng sở hữu muốn thế chấp sổ đỏ chung thì buộc phải ủy quyền cho người đại diện thực hiện hoặc tách thửa và thực hiện thế chấp phần quyền sử dụng đất của mình
Thứ ba, Quyền sử sụng đất không được thế chấp: Gồm quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai.

Luật Đất đai quy định 6 trường hợp “sổ đỏ” không được thế chấp.

Điều 617, Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản.
Còn Điều 10 Nghị định 21/2021 nêu rõ việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai không áp dụng đối với quyền sử dụng đất.
 Thứ tư, thuộc loại đất không được phép thế chấp: Đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư: Khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai năm 2024 quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
 Đất thuê trả tiền hằng năm: Khoản 2, Điều 37, Luật đất đai 2024 có quy định về quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm chỉ được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.
Đất rừng tự nhiên: Khoản 3, Điều 184, Luật Đất đai 2024 quy định người được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
 Thứ năm, người thế chấp chưa đủ 18 tuổi, mất năng lực, hạn chế hành năng lực hành vi dân sự: Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai hiện hành, người chưa đủ 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự có quyền thế chấp quyền sử dụng đất nhưng không được tự mình thực hiện hoặc tự ý thực hiện việc thế chấp mà phải thông qua người đại diện pháp luật gồm cha, mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ.
 Thứ sáu, cá nhân là người dân tộc thiểu số: Khoản 3, Điều 48, Luật Đất đai 2024, cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì không được thế chấp quyền sử dụng đất, trừ trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận