Theo ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Đại Mỗ, để xử lý các công trình sai phạm cần phải thiết lập hồ sơ chặt chẽ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như Báo VOV đã phản ánh, tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố (TP) Hà Nội xảy ra tình trạng nhiều công trình nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh đồ cũ, tiệm sửa xe, bãi trông xe… “mọc” trái phép trên đất công, đất nông nghiệp với quy mô lớn, gây mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến quy hoạch và mục đích sử dụng đất nông nghiệp, gây bức xúc trong dư luận.
Theo phản ánh của người dân, cuối ngõ 169 Đại Mỗ, nhiều phần đất công, đất nông nghiệp bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích khi được xây dựng cải tạo thành các gara sửa chữa ô tô, xe máy, cửa hàng, quán bia, bãi tập kết phế liệu, bãi rửa xe nằm giáp ranh với khu đô thị FLC.
Tại ngõ 509, đường Đại Mỗ, là công trình nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông được dựng lên gần giếng tròn.
Điều đáng nói, công trình sai phạm mọc lên nhưng không được giải quyết dứt điểm, có những công trình chỉ nằm cách UBND phường Đại Mỗ mấy trăm mét.
Theo khảo sát của phóng viên, việc thuê mặt bằng tại ngõ 24 Đại Mỗ, với vị trí đẹp, ô đất ở phía ngoài thì giá thuê vào khoảng 40 - 50 nghìn/m2; tại ngõ 169, việc thu phí trông giữ xe đối với xe 5 chỗ là 900 nghìn đồng/tháng; tiền thuê mặt bằng tiệm sửa xe máy 5-6 triệu đồng/tháng… Bởi thế dư luận không khỏi nghi ngại đặt vấn đề: Sai phạm trật tự đô thị tại phường Đại Mỗ đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng vì sao không được xử lý dứt điểm?
Cần nhắc lại rằng, để đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, qua nhiều thời kỳ, qua nhiều năm, Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đều có các văn bản yêu cầu các cấp đảng ủy, chính quyền cơ sở chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng… trên địa bàn thành phố. Gần đây, ngày 2/3/2014, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch 218/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 14 của Thành ủy…
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ thừa nhận tại phường Đại Mỗ có nhiều công trình sai phạm. Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, việc xử lý sai phạm là phải đúng quy trình, hồ sơ phải chặt chẽ.
Theo ông Thắng, việc lập hồ sơ đối với các trường hợp sai phạm phải làm từng bước và nhiều khâu theo quy định của pháp luật. Qua phản ánh của nhân dân, công tác nắm bắt địa bàn thì cán bộ đã xuống yêu cầu dừng mà vẫn làm thì phải thiết lập hồ sơ để xử lý, đó là về mặt nguyên tắc. Việc xử lý sai phạm liên quan đến các khâu yêu cầu tháo dỡ, xử phạt, báo cáo quận, cưỡng chế…
“Về sự việc này, chúng tôi đang thiết lập hồ sơ, việc vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Chứ bây giờ việc tuyên truyền nhiều lắm rồi mà vẫn cố tình làm thì xử lý thôi. Tất cả các công trình vi phạm, tôi đều yêu cầu lập hồ sơ và xử lý hết. Tuy nhiên nó cần có quá trình, mà nếu mình không đúng quy định thì mình lại vi phạm pháp luật, hủy hoại tài sản…”, ông Hồ Trọng Thắng cho biết.
Rõ ràng nhận thức và định hướng giải quyết của Chủ tịch UBND phường là rất đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều khiến phóng viên thắc mắc là với sự hiểu biết về pháp luật, quy trình giải quyết theo pháp luật thì vì sao tại phường Đại Mỗ lại xảy ra nhiều trường hợp sai phạm đến vậy? Tại sao ngay từ khi người dân đặt viên gạch, dựng công trình sai phạm thì UBND phường Đại Mỗ không giải quyết dứt điểm ngay?
Lý giải câu chuyện này, ông Hồ Trọng Thắng cho hay, cán bộ phường phụ trách mảng này có một đồng chí mà rất nhiều việc. “Khi xảy ra việc đặt viên gạch xuống là người dân người ta cố tình. Mà anh biết là nhà tôn thì người ta chỉ dựng trong một đêm là xong…”, ông Hồ Trọng Thắng trần tình.
Đến khi nào UBND phường Đại Mỗ hoàn thành việc xử lý các công trình sai phạm? Câu hỏi này chúng tôi xin chuyển đến UBND quận Nam Từ Liêm.