Hô biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành 'thần dược' Bài 4: Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm

Loạt bài về tình trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán qua mạng, sàn thương mại điện tử..., được 'thổi phồng' công dụng thành 'thần dược', sử dụng cả bác sỹ 'rởm' để lừa người tiêu dùng mà Báo TNVN phản ánh đã nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận.

 

Mới đây tại phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn các vị trưởng ngành về việc quản lý các sản phẩm này.

Tung hoành thực phẩm chữa bệnh tự kỷ, mỹ phẩm dán chồng hạn sử dụng

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực phẩm sức khỏe Nutri Brain IQ còn tự lập hẳn 1 trang facebook để quảng cáo. Nhãn hàng này quảng cáo sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như thuốc chữa bệnh “rối loạn phổ tự kỷ” thông qua bài phỏng vấn độc quyền với “giáo sư trí não” danh tiếng hàng đầu Nhật Bản. Nhưng khi phóng viên liên hệ để đặt lịch làm việc thì ngay sau đó, trên facebook bài quảng cáo độc quyền với “giáo sư trí não” Nhật Bản bỗng nhiên biến mất. Nhưng điều kỳ lạ là chỉ 4 tuần sau, sản phẩm sữa Nutri Brain IQ được sản xuất ở Nhật Bản và được “giáo sư trí não” Nhật Bản khuyên dùng chạy hẳn sang Mỹ, được sản xuất tại Mỹ và cũng được các “giáo sư trí não” Mỹ khuyên dùng…

Thực phẩm sức khỏe Nutri Brain IQ quảng cáo sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như thuốc chữa bệnh “rối loạn phổ tự kỷ”.

Trong vai người có nhu cầu làm đại lý cho dòng sữa chữa tự kỷ Nutri Brain IQ, phóng viên được nhân viên gửi cho một bản tự công bố sản phẩm của Chi nhánh Grand - Công ty cổ phần Victorfood có địa chỉ tại Tô Hiến Thành, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên cơ sở sản xuất sản phẩm là Công ty cổ phần Victorfood có địa chỉ tại thôn 7 xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi trao đổi với đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vị này cho biết, do sản phẩm không đăng ký công bố tại Cục nên Cục không nắm được thông tin cụ thể.

Ngoài thực phẩm chức năng, Báo TNVN đã nhận được phản ánh của một số bạn đọc về tình trạng sản phẩm kem dưỡng ẩm bảo vệ tối ưu hằng ngày Image Prevention 50 do Công ty TNHH TM Minh Khương phân phối độc quyền của nhãn hàng Image Skincare của Mỹ nhưng có đến 2 hạn sử dụng bị dán chồng lên nhau, mỗi hạn sử dụng cách nhau hơn 1 năm sử dụng.

Cũng theo thông tin mà phía Công ty TNHH TM Minh Khương đã cung cấp cho phóng viên, công ty này thừa nhận hành vi dán chồng hạn sử dụng mới lên hạn sử dụng cũ.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực mỹ phẩm, nếu dùng kem chống nắng hết hạn thì tất cả các hợp chất bị phá vỡ sẽ trở nên vô dụng. Vì mọi hóa chất trong kem chống nắng đều có thể bị phân hủy theo thời gian, từ đó làm giảm hiệu quả vốn có. Dùng kem chống nắng “hết đát” sẽ làm tăng khả năng bị cháy nắng. Không chỉ gây bỏng rát da, chúng còn có thể thúc đẩy phát triển ung thư da, một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Nếu tuýp kem chống nắng đã hết hạn thì không nên sử dụng nữa vì nó không còn đem lại hiệu quả bảo vệ da khỏi những tác hại của tia UV. Chỉ số SPF cũng bị thay đổi.

Sản phẩm kem dưỡng ẩm bảo vệ tối ưu hàng ngày Image Prevention 50 do Công ty TNHH TM Minh Khương phân phối độc quyền của nhãn hàng Image Skincare của Mỹ có đến 2 hạn sử dụng bị dán chồng lên nhau.

Với kem chống nắng hóa học, các thành phần sẽ bị oxy hóa và trở nên kém hiệu quả. Còn kem chống nắng vật lý cũng bị biến chất. Khi hết hạn, kem chống nắng sẽ không thể bảo vệ da toàn diện, da vẫn bị cháy nắng, mẩn đỏ, hình thành đốm nâu và có nguy cơ phát triển các tế bào ung thư da. Ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, có thể công ty thừa bao bì có in nhãn sử dụng cũ nên sử dụng tiếp, nhưng dù đúng như vậy thì việc dán chồng nhãn cũng sai và không được pháp luật cho phép.

Thành lập đội phản ứng nhanh khi phát hiện có sai phạm

Sau khi Báo TNVN đăng tải loạt bài phản ánh về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán qua mạng, sàn thương mại điện tử..., được “thổi phồng” công dụng thành “thần dược”, sử dụng cả bác sỹ “rởm” để lừa người tiêu dùng dù không có hoạt động kinh doanh hay sản xuất nào, vấn đề đó đã nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận. Mới đây tại phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn các vị trưởng ngành về việc quản lý các sản phẩm này.

Nhiều đại biểu nêu thực trạng sản phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm tràn lan không rõ nguồn gốc, được giới thiệu là hàng xách tay, người tiêu dùng không tiếc tiền chi và lợi bất cập hại. Hay tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay tràn lan xuất hiện trên thị trường, đặc biệt đã lan tỏa tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, tiềm tàng ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.

Sản phẩm kem dưỡng ẩm bảo vệ tối ưu hàng ngày Image Prevention 50 do Công ty TNHH TM Minh Khương phân phối độc quyền của nhãn hàng Image Skincare của Mỹ có đến 2 hạn sử dụng bị dán chồng lên nhau.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông, thẳng thắn nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ y tế rằng, vấn đề quản lý thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm đang nhận được sự quan tâm của dư luận, song những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm, trên thị trường vẫn tràn lan các sản phẩm chức năng, dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng; với trách nhiệm quản lý của mình, xin Bộ trưởng cho biết các nguyên nhân nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý các mặt hàng này và giải pháp trong thời gian tới?

Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn Lâm Đồng, đã chỉ ra khe hở trong công tác quản lý là do tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố sản phẩm mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc sản phẩm không được hậu kiểm và có nguy cơ dẫn đến sản phẩm không được đảm bảo an toàn.

Lý giải về nguyên nhân tình trạng sản phẩm chức năng, dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, do lợi nhuận, do người tiêu dùng có nhu cầu dùng hàng xách tay và do việc kiểm soát bán hàng trên mạng xã hội còn nhiều khó khăn… dẫn đến tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Để quản lý các mặt hàng này, Bộ đã tăng cường công tác hậu kiểm trên toàn quốc. Năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho 24.643 sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong cả nước, trên cơ sở đó đã cùng với các địa phương chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo vệ sức khỏe và đã xử lý 126 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm cả thực phẩm chức năng, trong đó đã có 85.551 cơ sở vi phạm, phạt tiền đối với 20.881 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới gần 124 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường việc kiểm soát bán hàng trên thị trường theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Bên cạnh đó, cũng tăng cường việc thông tin, tuyên truyền liên quan đến việc mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường đến người tiêu dùng để họ có nhận thức mua đúng và đảm bảo được an toàn. Bộ Y tế cùng với các bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện có các sai phạm thì theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chúng tôi đã có xử lý và có đề xuất”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận