Dùng tiền của người khác chuyển nhầm vào tài khoản bị khép tội gì?

Việc biết mà vẫn cố tình sử dụng tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình sẽ bị khép vào tội chiếm giữ trái phép tài sản.

 

 

Với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng điện tử, ở bất cứ nơi đâu người dân đều có thể rút tiền, chuyển tiền hay thanh toán tiền điện, vé máy bay, khách sạn vào bất cứ giờ nào mà không cần đến tận ngân hàng giao dịch.

Chính vì sự tiện lợi này, thời gian gần đây số người sử dụng thẻ ATM và mở tài khoản tại ngân hàng ngày càng nhiều. Nhưng đôi khi vì sơ xuất mà chủ tài khoản hoặc chính cán bộ của ngân hàng đã chuyển khoản nhầm sang một tài khoản khác.

Cuối tháng 3 vừa qua, một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhận hồ sơ chi trả lương của một công ty chuyển qua đường bưu điện. Trong đợt này, hồ sơ mở tài khoản của Cù Chi Nguyên (19 tuổi) cũng được gửi đến. Do hệ thống máy tính của ngân hàng bị lỗi nên số tài khoản của Nguyên được cấp trùng với số tài khoản của công ty ở Đồng Nai.

Đến đầu tháng 4, Nguyên bất ngờ nhận được gần 5 tỷ đồng trong tài khoản. Biết ngân hàng chuyển nhầm nhưng nam thanh niên vẫn rút ra tiêu xài và cho người thân. Tổng cộng anh ta có gần 200 lần rút tiền ở nhiều điểm ATM với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Phát hiện sự việc, ngân hàng đã mời Nguyên lên làm việc, đề nghị khắc phục. Tuy nhiên, Nguyên nói không có khả năng chi trả.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh phân tích: Hành vi của Cù Chi Nguyên có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại điều luật này, chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi của người cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà người đó có được do bị giao nhầm hoặc do tìm được, bắt được hoặc sau khi chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật mà lại không trả.

Trong trường hợp này, ngân hàng chuyển nhầm vào tài khoản của Cù Chi Nguyên cũng được coi là giao nhầm theo Điều 176 đã liệt kê rất rõ là bị giao nhầm hoặc bắt được, tìm được mà lại không trả lại cho chủ sở hữu sau khi yêu cầu.

“Cũng theo điều luật này, nếu Nguyên không có khả năng chi trả thì sẽ phải chịu mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm bởi vì số tiền Cù Chi Nguyên chiếm giữ có giá trị nhiều hơn 200 triệu đồng. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 176 về tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Giang Hồng Thanh nói thêm.

Trả lời thắc mắc của nhiều người cho rằng, Nguyên không phạm tội chiếm giữ tài sản trái phép vì anh ta không có hành động nào chiếm giữ, lỗi thuộc về ngân hàng, luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ: Một nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật dân sự là không được chiếm hữu tài sản mà không có căn cứ pháp luật.

Khoản 1 Điều 165 Bộ luật Dân sự quy định chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau: Thứ nhất là chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; thứ hai là người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; thứ ba là người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; thứ tư là người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, vùi lấp phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Tại Khoản 2 Điều 165 Bộ luật dân sự quy định chiếm hữu tài sản không phù hợp với các quy định nêu trên thì được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Vấn đề đặt ra là tài sản mà Cù Chi Nguyên chiếm hữu là tài sản có chủ, không phải vô chủ và do sự nhầm lẫn của ngân hàng chuyển nhầm vào tài khoản của Nguyên. Như vậy, hành vi của Nguyên là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.

Thông tin về việc ngân hàng trong trường hợp này có chịu trách nhiệm gì hay không vì ngân hàng chính là đối tượng để Nguyên phạm tội, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: Có 2 tình huống xảy ra ở đây. Thứ nhất là ngân hàng chuyển tiền mà tiền đó lại không phải của một chủ sở hữu khác, tức là không phải của một người nào đó gửi vào ngân hàng. Thứ hai là chuyển tiền của một người khách hàng gửi vào ngân hàng mà lại chuyển nhầm cho Nguyên.

Đối với trường hợp thứ nhất, rõ ràng ngân hàng chuyển tiền của bản thân ngân hàng thì ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm với hệ thống của họ. Còn trường hợp thứ hai là chuyển tiền của người khác thì quan hệ của khách hàng với ngân hàng là quan hệ gửi tiền và nhận tiền.

Quan hệ này được quy định tại Điều 554 Bộ luật dân sự về hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong đó, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng. Đồng thời, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điều 555 quy định nghĩa vụ của bên gửi tài sản, tức là các khách hàng phải trả tiền công đầy đủ, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận với ngân hàng. Điều 556 quy định quyền của khách hàng được yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ trừ trường hợp bất khả kháng.

Khoản 4 Điều 557 Bộ luật dân sự quy định nghĩa vụ của bên giữ tài sản, ở đây là của ngân hàng thì phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản gửi giữ trừ trường hợp bất khả kháng. Như vậy, ngân hàng có nghĩa vụ phải trả lại tài sản cho khách hàng nếu như tiền của Nguyên chiếm đoạt là tiền của khách hàng”.

Cũng theo luật sư Giang Hồng Thanh: “Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản cấu thành từ khi nhặt được tài sản, biết chủ sở hữu là ai mà không trả lại, có yêu cầu mà cũng không trả lại. Còn việc nộp lại tài sản sau này chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không thể thoát tội được”.

“Tôi từng biết trường hợp một chị lao công khi quét rác đã nhặt được số tiền yên Nhật rất lớn và sau đó chị giao nộp cho cơ quan Nhà nước. Theo quy định của pháp luật thì trong vòng 1 năm, nếu như cơ quan nhà nước không tìm được chủ sở hữu thì người nhặt được tài sản đó đương nhiên được sở hữu tài sản. Chị lao công đó cũng đã được nhận lại tài sản mà chị nhặt được sau khi cơ quan chức năng không tìm được chủ sở hữu.

Qua đó, có thể thấy rằng nếu chúng ta chiếm hữu tài sản một cách hợp pháp thì sẽ có thể được giữ tài sản đó một cách công khai, minh bạch và không phải chịu bất cứ chế tài xử lý nào. Còn nếu như giữ tài sản không có căn cứ pháp luật thì bài học của Cù Chi Nguyên là một ví dụ về hành vi nhặt được tài sản của người khác mà không giao nộp lại khi bị yêu cầu”, luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh./.

Thu Hà/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận