Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai ra quyết định đình chỉ việc chi trả, đồng thời truy thu hàng tỷ đồng tiền chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với 8 đối tượng sử dụng giấy chứng sinh giả.
Ông Đỗ Ngọc Thiện, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang cho biết, điểm chung của các trường hợp này là đều sử dụng các giấy chứng sinh giả từ cơ sở y tế ở các tỉnh phía Bắc, gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, thẩm định. Ngoài ra, nhiều người trong số này cho biết đã được 1 đối tượng tên là Du, nhà ở thị trấn Kon Dơng huyện Mang Yang, chủ động liên hệ, đề nghị làm giả giấy chứng sinh với giá 10 triệu đồng. Hồ sơ giả qua các vòng thẩm định của cơ quan nhà nước, có nhiều người hưởng chế độ hơn 20 năm, được chi trả hơn 200 triệu thì mới bị phát hiện.
“Đối tượng chất độc hóa học là đối tượng tham gia kháng chiến, có 1 trong 17 bệnh Bộ Y tế quy định. Trong đó, có 1 bệnh là sinh con ra bị dị dạng, dị tật, chết yểu. 8 đối tượng này lấy giấy chứng sinh ở Hải Hưng cũ (nay là Hải Dương, Hưng Yên) bổ sung hồ sơ. Giấy đó ai làm như thế nào thì chỉ có cơ quan chuyên môn vào cuộc mới biết, chứ mắt thường không biết được”, ông Thiện nói.
Thực tế, tại Gia Lai, việc mua giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học diễn ra ở nhiều nơi như thành phố Pleiku, các huyện Mang Yang, Chư Prông, Đăk Đoa, Kbang, Chư Sê.
Theo đó, cách thức chính của các đối tượng là sử dụng con dấu, chữ ký giả để làm giấy chứng sinh giả, hoặc móc nối với cán bộ y tế làm bệnh án giả. Bằng mắt thường, cán bộ chính sách không thể nhận biết, chỉ tới khi nhận được tố giác, cơ quan chức năng yêu cầu giám định thì mới có thể phát hiện. Điều đáng lo ngại, tình trạng này vẫn đang diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Xuân (một thương binh ở thành phố Pleiku) cho biết, ông đã từng được một cựu chiến binh liên hệ để giúp làm hồ sơ chất độc hóa học giả trọn gói với giá 40 triệu đồng.
“Tôi đi khám, cũng có tiểu đường, nhưng chưa tới type 2. Lúc đi họp cựu chiến binh, ông ấy bảo có làm không, tôi đồng ý . Vì thực tế, tôi có thời gian ở chiến trường Quảng Trị (nơi từng bị rải thảm chất độc hóa học dioxin). Ông ấy dẫn đến một bệnh viện quân đội để khám. Vào bệnh viện không khám nhưng mấy ngày sau thì có giấy chứng nhận tiểu đường type 2. Ông ấy nói bây giờ có 40 triệu rồi thì ông ấy lo cho giấy của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Tôi bây giờ gần 70 tuổi rồi, không sống được bao lâu nên tôi không đưa tiền, không làm nữa”, ông Xuân cho hay.
Hiện nay, tại Gia Lai có 2.211 người đang hưởng chế độ chất độc hóa học. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện 305 trường hợp làm giả hồ sơ. Riêng năm 2018, có 76 trường hợp bị Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hiện.
Ông Mai Xuân Khiêm, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay chỉ có 2 cách phát hiện hồ sơ giả. Một là qua hoạt động thanh tra. Hai là cơ quan công an vào cuộc theo đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân. Phát hiện đã khó, truy thu tiền chế độ càng khó khăn hơn.
“Ví dụ như theo kết luận của Thanh tra bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra tại Quân khu 5, có 37 trường hợp làm giả hồ sơ, yêu cầu truy thu hơn 5 tỷ 150 triệu thì giờ này mới thu được hơn 700 triệu. Các đối tượng này nếu hưởng trực tiếp thì chủ yếu già , mất khả năng lao động. Còn gián tiếp thì dị dạng, dị tật thì hoàn cảnh khó khăn, nên thu hồi tiền rất chậm”, ông Khiêm cho biết.
Người có hồ sơ giả vừa mất tiền cho môi giới, lại vừa bị truy thu tiền, ngân sách nhà nước bị trục lợi, nhưng rất hiếm khi đối tượng môi giới, làm giả hồ sơ bị xử lý. Thực tế, từ 2013 tới nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai đã ra quyết định cắt chế độ chất độc hóa học với 217 trường hợp, yêu cầu thu hồi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi mới được hơn 4 tỷ đồng. Nhưng từ đó tới nay, mới chỉ có 1 đối tượng liên quan bị khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Thành Huế, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai cho biết, hiện nay đơn vị đã nhận được hàng chục đơn khiếu nại từ quần chúng nhân dân về các đối tượng và đường dây làm giả hồ sơ chất độc hóa học. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, làm rõ.
“Thực tế ở Gia Lai cũng có đường dây làm giả hồ sơ chất độc hóa học giả rồi. Quan điểm của lãnh đạo sở là đối với người có công là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết chế độ. Nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với hành vi gian dối làm giả hồ sơ để trục lợi chính sách cho người có công của Đảng và Nhà nước”, ông Huế nói.
Chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Vì thế, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Gia Lai cần vào cuộc để điều tra, xử lý những đối tượng có hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ nhằm trục lợi từ ngân sách Nhà nước./.
Theo Nguyễn Thảo/VOV.VN