Tội phạm ma tuý đang dịch chuyển về biên giới Tây Nam

Sau khi triệt xóa nhiều đường dây mua bán ma túy lớn ở vùng biên giới Việt - Lào, tội phạm ma túy đang dịch chuyển về biên giới Tây Nam.

 

Cũng như một số địa phương khác ở khu vực ĐBSCL, An Giang có gần 100km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Trong vài năm trở lại đây, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đang ngày càng tăng cả về số vụ và khối lượng; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh; trang bị các loại vũ khí “nóng”, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Trước tình hình này, Bộ đội Biên phòng An Giang đã và đang quyết tâm đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này bằng nhiều biện pháp.

Chỉ cách đây gần 2 tháng, lực lượng Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với các lực lượng chức năng đã bắt giữ một nhóm đối tượng vận chuyển 26,6kg ma túy từ Campuchia về Việt Nam qua đường biên giới Khánh Bình. Ngày 29/4, tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình, đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ đội biên phòng phối hợp với Đồn Biên phòng của khẩu Long Bình bắt quả tang đối tượng Trần Văn Bài, 54 tuổi, ngụ tại xã Đa Phức, huyện An Phú, tỉnh An Giang đang vận chuyển gần 100gram ma tuý đá (Methaphetamine) về Việt Nam.

Đối tượng Trần văn Bài vận chuyển gần 100gram ma tuý.

Theo Trung tá Lại Xuân Trường, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình - người trực tiếp tham gia phá án một số vụ trên địa bàn cho biết, lợi dụng hai bên biên giới cách nhau một con sông, đối tượng đã chuyển ma tuý về Việt Nam. Tuy nhiên, bằng phương pháp nghiệp vụ, ngay sau khi đối tượng về đến Việt Nam là bị bắt giữ.

"Qua theo dõi, sàng lọc, nắm được hoạt động của đối tượng sang bên kia biên giới nhận ma tuý, từ đó đưa qua biên giới chuyển vào nội địa; Lực lượng phòng chống tội phạm triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo, vừa theo dõi, vừa mở rộng đường dây, các đối tượng liên quan. Khi bắt giữ, do quá trình chúng ta đã nắm được từ trước, nên việc đấu tranh rất an toàn và đối tượng nhanh chóng phải nhận hành vi phạm tội của mình"- Trung tá Lại Xuân Trường chia sẻ thêm.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, An Giang có đường biên giới gần 100km tiếp giáp với Campuchia, có nhiều đoạn cách nhau chỉ một đoạn sông, 2 bên bờ đều có nhà dân sinh sống, đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma tuý hoạt động; thời gian gần đây, các đối tượng vận chuyển ma tuý hoạt động rất tinh vi và thủ đoạn, gây rất nhiêu khó khăn cho lực lượng phá án.

Tuy nhiên các lực lượng cũng quyết tâm và đã phá án thành công hàng chục vụ vận chuyển ma tuý, cần sa trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp và độc lập phá 4 vụ án vận chuyển ma tuý trái phép, trong đó có 2 chuyên án, với khoảng gần 30kg ma tuý các loại. Những đối tượng này không chỉ bất chấp pháp luật, dùng đủ mọi thủ đoạn để kiếm lời, mà còn gây mất an ninh trật tự, làm băng hoại đạo đức xã hội, suy kiệt kinh tế của nhiều gia đình...

Về vấn đề này, ông Tân Văn Ngữ, Phó Trưởng ban tuyên giáo tỉnh An Giang nhận định, khu vực biên giới, tình hình buôn lậu rất phức tạp, nhưng Công an và Bộ độ Biên phòng luôn ý thức cao trong việc này: “Công an, Bộ đội biên phòng đã kết hợp hài hoà với các lực lượng trên tuyến biên giới chủ động và có những kế hoạch cụ thể sát sườn, không để ma tuý, chất kích thích, cần sa xâm nhập vào biên giới; đồng thời đã bắt nhiều vụ buôn lậu ma tuý, gần đây nhất có phá vụ án rất là lớn, khoảng 26 kg ma tuý; nếu mà không bắt được thì nó gây nguy hiểm đối với nhân dân"

Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, thời gian gần đây. tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và An Giang nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, về số lượng, mức độ tinh vi. Sau nhiều chuyên án đấu tranh, triệt xóa nhiều đường dây mua bán ma túy lớn ở vùng biên giới Việt - Lào, tội phạm ma túy đang dần có sự dịch chuyển về biên giới Tây Nam; Đồng thời, nguồn ma tuý trong nước giảm, giá tăng cao, nên càng hấp dẫn các đối tượng buôn bán.

Do địa bàn An Giang có tuyến biên giới dài, phía bên kia có nhiều Casino hoạt động, đây là điều kiện để các đối tượng phạm tội trong và ngoài nước luôn tìm cách câu kết với nhau, hình thành đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, nơi đây địa hình bằng phẳng, kênh rạch chằng chịt, người dân qua lại hai bên làm ăn dễ dàng, nên các đối tượng đã lợi dụng và trà trộn vào đây để vận chuyển ma tuý; Cũng do địa hình bằng phẳng, nên các đối tượng cũng rất dễ dàng theo dõi các hoạt động của lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Do đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm này gặp không ít khó khăn cho.

"Đây là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Chúng tôi quán triệt cho anh em phải luôn đề cao tinh thần quyết tâm chống tội phạm. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các lực lượng để quản lý địa bàn, quản lý các đối tượng có liên quan. Quán triệt cho cấp uỷ, chỉ huy các đồn, nhất là các đồn biên phòng ở tuyến biên giới, tìm kiếm đầu mối tin tức, để từ đó xác lập chuyên án đấu tranh. Đồng thời, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy cũng luôn luôn chỉ đạo các đơn vị, ngoài công tác đấu tranh bí mật ra thì cần phải làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát công khai, nhất là trạm cửa khẩu, trạm lối mở và các khu vực người dân qua lại, có thể là qua lại nén nút, phải chặt chẽ chỗ này vì rất dễ lợi dụng"- Đại tá Phan Minh Huyền chia sẻ thêm./.

Theo Phan Ánh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận