'Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ' ở Vũng Tàu:Cần xem xét khách quan, toàn diện

Quyết định kháng nghị của Tòa án nhân dân tối cao là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình...

 

Quyết định kháng nghị của Tòa án nhân dân tối cao là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình. Theo cách hiểu này, bên thứ ba cuối cùng ngay tình trong vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hậu và vợ chồng ông Trung không phải là Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông - chi nhánh Bến Thành mà là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội và những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Trịnh Minh Cường.

Vì sao Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị?

Số báo 24, ngày 13/6/2019, Báo TNVN có bài: “Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” ở TP. Vũng Tàu: Cần một phán quyết hợp tình, hợp lý”, phản ánh tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Trịnh Văn Hậu và vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung.

Tòa sơ thẩm, phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Văn Hậu. Hủy hai hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11/7/2014 giữa vợ chồng ông Trịnh Văn Hậu và vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung đối với phần đất diện tích 16.154m2, thửa đất số 196, tờ bản đồ số 35 tại phường 11, thành phố Vũng Tàu.

Ngay sau phán quyết của tòa, ông Trung, bà Lan có kháng nghị lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, ngày 4/8/2016, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM có thông báo nêu khẳng định bản án sơ của Tòa án Nhân dân TP. Vũng Tàu và bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên xử là có căn cứ pháp luật.

Quyết định kháng nghị của Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 20/3/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cũng có thông báo khẳng định Tòa án cấp phúc thẩm xét hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết giữa các bên và ghi nhận sự tự nguyện của ông Hậu đồng ý trả lại số tiền 20 tỷ đồng cho ông Trung, bà Lan là có căn cứ. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Không đồng tình với thông báo của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, ông Trung, bà Lan tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan Trung ương. Ngày 14/12/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị xét xử lại... Theo hồ sơ của vụ việc, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hậu và vợ chồng ông Trung đã được công chứng; vợ chồng ông Trung đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 8/9/2014.  Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trung đã thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên để bảo đảm cho khoản vay của Công ty Nghiệp Phát tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông - chi nhánh Bến Thành. Việc thế chấp này đã tuân thủ đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật nên không thể hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên.

Bộ Luật dân sự 2005 và Bộ Luật dân sự 2015 đều có những quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự. Chúng ta có thể hiểu, người ngay tình là người tại thời điểm giao dịch người này không có cơ sở để biết và không buộc phải biết việc tham gia vào giao dịch là không phù hợp với quy định pháp luật. Người ngay tình tại thời điểm giao dịch dân sự hoàn toàn tin rằng người đang giao dịch với mình là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.

Theo phân tích, lập luận của Tòa án nhân dân tối cao, chúng ta có thể hiểu rằng bên thứ ba ngay tình trong vụ việc này chính là Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông - chi nhánh Bến Thành. Tại quyết định kháng nghị, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hậu và vợ chồng ông Trung đã được công chứng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được sang tên ngày 8/9/2014; việc vay tín dụng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông - chi nhánh Bến Thành theo đúng quy định pháp luật nên không thể hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên. Vì thế, việc Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị bản án là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” là điều dễ hiểu.

Cần phải xem xét toàn diện vụ việc

Thế nhưng, vấn đề đặt ra liệu Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông - chi nhánh Bến Thành có phải là bên thứ ba ngay tình cuối cùng trong vụ việc này hay không? Câu trả lời là không! Bởi lẽ, kháng nghị của Tòa án nhân dân tối cao chỉ liên quan tới bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa vợ chồng ông Hậu và vợ chồng ông Trung nên không hề có bất cứ thông tin liên quan đến biến động quyền sử dụng đất; việc thế chấp một phần thửa đất nêu trên. Thêm nữa, ngay khi bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hiệu lực; Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM có thông báo không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm thì ông Trịnh Văn Hậu đã làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất trên.

Theo tài liệu phóng viên thu thập được thì ngày 19/5/2016, vợ chồng ông Trịnh Văn Hậu được UBND thành phố Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất số 44, tờ bản đồ số 16, địa chỉ: phường 11, TP. Vũng Tàu, diện tích 16.154m2, nguồn gốc sử dụng: Thực hiện Bản án của Tòa, đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Trước khi có quyết định kháng nghị bản án thì ông Hậu đã chuyển nhượng thửa đất cho ông Cường. Ông Cường đã tiến hành tách thửa và chuyển nhượng đất cho nhiều người.

Tiếp đó, ông Trịnh Văn Hậu lại tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cho ông Trịnh Minh Cường. Ngày 26/7/2016, UBND thành phố Vũng Tàu tiến hành sang tên thửa đất trên cho ông Trịnh Minh Cường.

Từ thửa đất này, ông Trịnh Minh Cường thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tiến hành tách thửa và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhiều người khác. Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được cho thấy, ông Trịnh Minh Cường đã tiến hành ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các ông Nguyễn Đức Thuận, Hoàng Văn Hải...

Bên cạnh đó, ông Trịnh Minh Cường đã sử dụng một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ký kết hợp đồng vay thế chấp với Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội - chi nhánh Vũng Tàu.

Đến đây có nhiều ý kiến cho rằng, người thứ ba ngay tình cuối cùng liên quan đến quyền sử dụng đất trong vụ việc này chính là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội và những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Trịnh Minh Cường.

Sự việc Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, trước khi có quyết định kháng nghị thì ông Hậu đã tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Cường; ông Cường lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhiều người; ông Cường ký hợp đồng thế chấp… Vì thế, người thứ ba ngay tình cuối cùng phải được bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật. Và đến đây, chúng tôi cũng hiểu vì sao Ban Dân nguyện của Quốc hội đã tiếp nhận đơn thư và chuyển đơn của người dân, đề nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại vụ việc.

Để giải quyết vụ việc này, thời gian tới tòa án cần thiết phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và người có nghĩa vụ liên quan./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận