Phải giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật

Viết tiếp bài 'Người dân mỏi mòn chờ thi hành án'

 

Pháp luật quy định việc thi hành án rất rõ ràng, song phải mất tới gần 2 năm Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Mỹ mới “phát hiện” bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định không nêu rõ chủ thể nên khó thi hành án. Điều này khiến việc thi hành án kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Gần 2 năm mới “phát hiện” phán quyết không rõ ràng

Số báo 26, ra ngày 27/6/2019, Báo TNVN có bài: "Bình Định: Người dân mỏi mòn chờ thi hành án"; và số báo 27, ra ngày 4/7/2019, Báo TNVN có bài: "Sự chậm trễ khó hiểu của cơ quan thi hành án", phản ánh bản án số 19/2017/DS-PT, ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định về việc tranh chấp thừa kế tài sản giữa bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Huỳnh Văn Nông. Bản án có nội dung: Giao cho bà Nguyễn Thị Nguyệt 120,8m2 đất và giao cho ông Huỳnh Văn Nông 120,7m2 đất, cùng trong lô đất số 156, tờ bản đồ 23 thuộc Vĩnh Lợi 1, Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định với đầy đủ các chi tiết mốc giới, các mặt tiếp giáp của lô đất rất rõ ràng. Vậy nhưng đến nay, việc thi hành án vẫn chưa được thực hiện, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyệt.

Trên thực tế, Chi cục THADS huyện Phù Mỹ đã ra quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án đối với ông Huỳnh Văn Nông theo phán quyết tại bản án số 19/2017/DS-PT. Tuy nhiên, đến nay bản án vẫn chưa được thực thi.

Trích bản án số 19/2017/DS-PT, ngày 30/3/2017 của TAND tỉnh Bình Định đã tuyên giao đất cho bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Về sự việc này, công văn số 112/CCTHADS, ngày 31/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định nêu rõ, do phán quyết của TAND tỉnh Bình Định đã “không nêu rõ chủ thể có nghĩa vụ phải giao quyền sử dụng đất”.

Lý giải về sự việc này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định cho biết: “Bản án không nêu rõ ai là người giao đất cho bà Nguyệt nên cơ quan thi hành án không thể thực hiện việc cưỡng chế thi hành án”.

Ngày 16/7/2019, ông Nguyễn Phạm Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phù Mỹ cho biết, ngày 11/7/2019, Chi cục THADS huyện Phù Mỹ đã có công văn lần 2 gửi đích danh Chánh án TAND tỉnh Bình Định, đề nghị giải thích nội dung bản án theo công văn 112/CCTHADS. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ phía TAND tỉnh.

Quyết định thi hành án và Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với ông Huỳnh Văn Nông theo phán quyết tại bản án số 19/2017/DS-PT

Xâu chuỗi lại sự việc, những người trong cuộc đều nhận thấy, một bản án được tuyên từ ngày 30/3/2017, có quyết định thi hành án từ ngày 16/6/2017 nhưng mãi đến tận ngày 01/4/2019 mới có quyết định cưỡng chế thi hành án?. Và sau gần 2 năm, Chi cục THADS huyện Phù Mỹ mới có công văn yêu cầu TAND tỉnh Bình Định giải thích nội dung bản án. Những diễn biến này khiến dư luận không khỏi hoài nghi và đặt câu hỏi: Nguyên nhân thật sự của việc chậm trễ thi hành án? Vì sao phải gần 2 năm thì Chi cục THADS huyện Phù Mỹ mới “phát hiện” bản án không nêu rõ chủ thể phải giao đất cho bà Nguyệt và đề nghị TAND tỉnh Bình Định giải thích nội dung của bản án?

Thêm một điều lạ: Khẳng định với phóng viên, Thư ký Tòa dân sự, TAND tỉnh Bình Định cho biết, TAND tỉnh Bình Định không nhận được công văn số 112/CCTHADS mà chỉ nhận được công văn 158/CCTHADS, ngày 11/7/2019 của Chi cục THADS huyện Phù Mỹ với yêu cầu giải thích nội dung bản án số 19/2007/DS-PT. Sự việc này lại một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: Vì sao TAND tỉnh Bình Định không nhận được công văn 112/CCTHADS?; Đâu là nguyên nhân thực sự của việc chậm thi hành án?.

Ngôi nhà cũ của gia đình đã bị sập đổ.

Luật đã quy định rõ, không thể chậm trễ

Luật sư Phạm Quốc Bình, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Trong một bản án liên quan đến tranh chấp quyền thừa kế mà người có di sản thừa kế đã chết, không để lại di chúc thì tòa án là cơ quan nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết, giao quyền thừa kế cho nguyên đơn theo đơn khởi kiện. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm thực hiện bản án theo phán quyết của tòa. Cụ thể phải giám sát việc thi hành án tự nguyện của bị đơn, nếu sau 15 ngày mà bị đơn không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với bị đơn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo bản án số 19/2007/DS-PT của TAND tỉnh Bình Định đã quá thời hạn thi hành án tự nguyện, Chi cục THADS huyện Phù Mỹ sẽ phải tiến hành cưỡng chế di dời tài sản để bất hợp pháp trên đất, và thu hồi đất theo phán quyết của tòa đối với bị đơn, người phải thi hành án là ông Huỳnh Văn Nông và giao cho nguyên đơn, người được thi hành án là bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Đêm 25/5/2019, ông Huỳnh Văn Nông đã lén dựng ngôi nhà tạm trái phép trên phần đất tòa đã tuyên giao cho bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Như vậy, theo Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên là người có nghĩa vụ tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao. Việc Chi cục THADS huyện Phù Mỹ không tiến hành việc cưỡng chế di dời tài sản của ông Huỳnh Văn Nông ra khỏi khu đất đã được tòa tuyên giao cho bà Nguyễn Thị Nguyệt; Không tiến hành thu hồi đất và giao đất cho bà Nguyễn Thị Nguyệt mà lại yêu cầu TAND tỉnh Bình Định giải thích về chủ thể ai là người giao đất theo bản án, khiến người dân lại một lần nữa không khỏi nghi ngờ, đâu mới thực sự là lý do chậm thi hành án?.

Ở một góc nhìn khác, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chi cục THADS huyện Phù Mỹ làm hết trách nhiệm của mình thì không thể mất đến gần 2 năm mới “phát hiện” bản án của tòa không nêu rõ chủ thể phải giao đất cho bà Nguyệt và đề nghị TAND tỉnh Bình Định giải thích nội dung bản án.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Khánh, con trai, đồng thời là người đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, bà Nguyệt là cán bộ cách mạng, người có công, 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, đã được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến Hạng 3. Chị gái bà Nguyệt là bà Nguyễn Thị Tánh cũng là cán bộ cách mạng, từng bị địch bắt, tù đày. Hai người chồng của bà Nguyệt, một người là liệt sĩ, một người là cán bộ cách mạng được nhà nước tặng Huy chương kháng chiến Hạng 3. Cha mẹ bà Nguyệt cũng là cán bộ cách mạng thời chống Pháp. Đến khi về già, điều mong ước lúc cuối đời là xây lại ngôi nhà cũ làm nơi thờ cúng cha mẹ, chị gái, thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, bà Nguyệt nay đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng mong ước này hiện vẫn chưa thực hiện được do việc thi hành án bị kéo dài.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt đã gần 90 tuổi vẫn mỏi mòn chờ đợi ngày được thấy nơi thờ tự tổ tiên, cha mẹ và người chị gái

“Mẹ tôi đã gần 90 tuổi, tuổi cao, sức yếu. Ngôi nhà cũ của ông bà để lại cũng đã bị sập mái, tháo dỡ nên không còn nơi thờ cúng nữa. Nếu việc thi hành án vẫn tiếp tục kéo dài, mẹ tôi chắc sẽ không có cơ hội được nhìn thấy ban thờ ông bà, ban thờ bác tôi trên chính phần đất tổ tiên để lại cho con cháu. Mẹ tôi, tôi và gia đình mong bản án sớm được thực thi theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, để một người già như mẹ tôi được toại nguyện lúc cuối đời”, ông Khánh bày tỏ.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận