Ngày 18/7, ông Trần Bắc Hà (63 tuổi), cựu Chủ tịch BIDV, chết trước khi được chuyển đến Bệnh viện quân y 105 (Hà Nội). Trước đó, ông bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vụ án xảy ra tại ngân hàng BIDV, bị tạm giam tại trại T771, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Ba Vì, Hà Nội).
Trả lời câu hỏi "việc ông Trần Bắc Hà tử vong ảnh hưởng thế nào đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra". Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, trong vụ án hình sự mà bị can chết phải đình chỉ điều tra với bị can đó. Tuy nhiên, vụ án đó có đồng phạm, cho nên không đình chỉ vụ án mà tiếp tục giải quyết vụ án đó và với các đồng phạm khác. Qua đó, xem xét trách nhiệm hình sự của từng bị can, để sau này sẽ đưa ra tòa xét xử.
Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp kết luận cuối cùng của tòa án xác định bị can Bắc Hà có tội, nhưng ông ấy chết nên không đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu ông ấy có tội và tội đó gây thiệt hại cho Nhà nước vẫn truy cứu trách nhiệm dân sự của ông ấy tương ứng số tài sản ông ấy để lại. Những người thừa kế có trách nhiệm phải đứng ra thực hiện các thủ tục để bồi hoàn thiệt hại.
“Trong trường hợp này, trách nhiệm hình sự có thể thoát nhưng trách nhiệm dân sự có thể không thoát nếu như cơ quan tố tụng có đầy đủ chứng cớ chứng minh ông ấy vi phạm”- luật sư Cường chia sẻ thêm.
Trách nhiệm dân sự của bị can Trần Bắc Hà được luật sư Cường chia sẻ cụ thể: “Khi một người chết đi để lại các nghĩa vụ dân sự, đầu tiên phải dùng tài sản do người chết để lại để giải quyết các nghĩa vụ dân sự. Nếu còn thừa mới chia thừa kế. Nếu nghĩa vụ lớn hơn số tài sản người khác thừa kế thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản để lại”.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, với vụ án xảy ra tại ngân hàng BIDV, do bị can Trần Bắc Hà đã chết trong quá trình điều tra mà căn cứ này không liên quan đến tất cả các bị can còn lại thì chỉ đình chỉ riêng đối với bị can Trần Bắc Hà. Các bị can còn lại vẫn phải tiếp tục điều tra, truy tố và xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
Luật sư Bình nhấn mạnh, mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”, luật sư Bình nói.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, đối với giai đoạn điều tra, việc đình chỉ điều tra được quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trước đó, bị can Trần Bắc Hà (63 tuổi, quê quán Bình Định) đã bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 11/2018 để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo đó, ông Hà bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng. Tháng 1/2019, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Việc khởi tố thêm tội danh do có hành vi sai phạm này liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, trong khi công ty này không đủ điều kiện cấp tín dụng, vay vốn, với các điều kiện ưu đãi sai quy định, đến nay gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỉ đồng.
Liên quan đến các sai phạm nêu trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Duy Tùng (36 tuổi, con trai ông Hà), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (trụ sở TP Quy Nhơn), để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Trần Lục Lang (52 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Đoàn Ánh Sáng (59 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM), nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp); Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh…/.
PV/VOV.VN
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự như sau: "Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1- Không có sự việc phạm tội;2- Hành vi không cấu thành tội phạm; 3- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;4- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;5- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;6- Tội phạm đã được đại xá;7- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;8- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố" (Điều 157).
Trong giai đoạn điều tra, việc đình chỉ điều tra được quy định tại Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:
1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan. |