Vì sao Công ty Kim Oanh phải khiếu nại khẩn cấp?

Công ty Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Cty Kim Oanh) đã phải làm đơn khiếu nại khẩn cấp tới Chánh án TAND TP.HCM

 

Viết tiếp bài: Những “nút thắt” của vụ bán đấu giá Dự án Khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương): 

Chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng Công ty Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Cty Kim Oanh) đã phải làm đơn khiếu nại khẩn cấp tới Chánh án TAND TP.HCM để kiến nghị chỉ đạo TAND quận 7 giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trúng đấu giá hợp pháp...

Thêm một “nút thắt” kéo dài thời gian dự án được tạo ra từ Cty Thiên Phú...

Dự án KDC Hòa Lân khi Cty Thiên Phú làm chủ đầu tư từng có thời gian “đắp chiếu” gần 15 năm và tạo ra số dư nợ đối với ngân hàng của nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng. Do không có nguồn thu để trả nợ cho Agribank Chợ Lớn nên Cty Thiên Phú phải tìm đến giải pháp tháo gỡ “nút thắt” là ký Biên bản thỏa thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Như Báo TNVN đã phản ánh, ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn đã ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ĐGNSG với Cty cổ phần dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn (Cty Nam Sài Gòn). Phải qua 12 lần tổ chức bán đấu giá, 2 năm sau, vào ngày 25/5/2017, vụ bán đấu giá mới có kết quả với người trúng đấu giá là Cty Kim Oanh, mức giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm là 390 tỷ đồng. Theo đó, ngày 1/7/2017, Cty Nam Sài Gòn, Agribank Chợ Lớn và Cty Kim Oanh ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG, được Văn phòng Công chứng Thành phố Mới công chứng.

Với kết quả trên, những tưởng Dự án KDC Hòa Lân sẽ thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn với chủ đầu tư mới là Cty Kim Oanh, nhưng chính Cty Thiên Phú lại tạo ra những “nút thắt” mới làm Dự án tiếp tục chững lại.

Khu đất thuộc dự án KDC Hòa Lân.

Từ khiếu nại của phía Cty Thiên Phú, Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, kéo dài tới 6 tháng mới ra được kết luận. Nội dung Kết luận số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp, sau đó được tái khẳng định trong Báo cáo số 91/BC-BTP, ngày 29/3/2019, gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của Cty Nam Sài Gòn không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết; việc hủy hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản (Agribank Chợ Lớn)”.

Theo kết luận kể trên, đương nhiên Cty Thiên Phú hết quyền đối với tài sản là Dự án KDC Hòa Lân; cũng đương nhiên Agribank Chợ Lớn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đã ký với Cty Nam Sài Gòn và Cty Kim Oanh.

Do có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan chính đáng, chính Agribank Chợ Lớn (đơn vị được hưởng lợi hơn 96 tỷ đồng tiền đã đặt trước của Cty Kim Oanh nếu Cty này vi phạm thời hạn thanh toán) đã đồng ý giãn thời hạn thanh toán tiền mua tài sản trúng đấu giá cho Cty Kim Oanh để tạo điều kiện cho Cty này triển khai dự án.

Đến nay, Cty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là hơn 97 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Cty Thiên Phú vẫn tiếp tục gây khó khăn cho Cty Kim Oanh. Ngày 14/2/2019, Cty Thiên Phú vẫn làm đơn đề nghị ngăn chặn đối với Dự án KDC Hòa Lân gửi UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành với lý do việc tổ chức bán đấu giá của Cty Nam Sài Gòn có sai phạm, trong khi từ tháng 12/2018 Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận rõ ràng, sau đó lại tái khẳng định nội dung kết luận trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Với Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tư pháp  - cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đấu giá tài sản - những tưởng Cty Thiên Phú sẽ dừng lại việc khiếu nại, và Dự án KDC Hòa Lân sẽ tiếp tục được triển khai sau chặng đường khúc mắc gần 19 năm trời.

Nhưng không, Cty Thiên Phú lại tạo ra được “nút thắt” mới bằng việc làm đơn khởi kiện ra TAND quận 7 TP.HCM.

Cụ thể: Ngày 14/2/2019, tức là sau đúng 2 năm kể từ khi phiên đấu giá kết thúc, Cty Thiên Phú làm đơn khởi kiện ra TAND quận 7 TP.HCM. Đến ngày 13/3/2019, Cty Thiên Phú lại nộp đơn khởi kiện bổ sung. Ngày 27/2/2019, TAND  quận 7 TP.HCM đã thụ lý vụ án và ngày 15/3/2019 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ - BPKCTT cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc Dự án Hòa Lân.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án làm Cty Kim Oanh không thể tiếp tục triển khai dự án hơn 7 tháng nay.

Khiếu nại khẩn cấp của Cty Kim Oanh

Trước khó khăn mới xuất hiện, ngày 12/9/2019, Cty Kim Oanh đã có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Chánh án TAND TP.HCM. Nội dung đơn nêu nhiều vấn đề, trong đó có nội dung Tòa án xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chưa đúng.

Theo đó, Cty Thiên Phú yêu cầu khởi kiện như sau: Thứ nhất, tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01 - 10/2017/HDMBTSDG ngày 1/7/2017 được công chứng là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật; Thứ hai, hủy kết quả bán đấu giá tài sản là Dự án KDC Hòa Lân.

Tuy nhiên, theo Cty Kim Oanh, tại Thông báo thụ lý số: 20/2019/TB-TLVA ngày 27/2/2019, thẩm phán lại xác định đối tượng và quan hệ pháp luật tranh chấp là “Hợp đồng bán đấu giá” ngày 17/6/2015 là không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi vì, chỉ có 01 Hợp đồng bán đấu giá tài sản là Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ ĐGNSG ngày 17/6/2015 giữa Cty Nam Sài Gòn (trụ sở quận 7) và Ngân hàng Agribank Việt Nam (Trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội), Chi nhánh Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM). Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện, Cty Thiên Phú hoàn toàn không đề cập yêu cầu đối với Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ĐGNSG ngày 17/6/2015.

Công ty Kim Oanh có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh.

Cũng theo Cty Kim Oanh, nếu thẩm phán xác định đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ghi trong đơn là “Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01 - 10/2017/HDMBTSDG ngày 1/7/2017” thì tranh chấp sẽ liên quan đến tài sản là QSDĐ tại Dự án Hòa Lân thuộc tỉnh Bình Dương. Tại điểm c, khoản 1, điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, khu đất được bán đấu giá không ở quận 7 mà ở tỉnh Bình Dương, nên vụ án sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 7. Kế tiếp, theo đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn ngày 10/3/2019, một lần nữa nguyên đơn xác định lại yêu cầu khởi kiện ban đầu là tuyên hủy “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” và yêu cầu bổ sung khởi kiện là: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Tuy nhiên, theo Thông báo thụ lý (bổ sung), thẩm phán TAND quận 7 lại một lần nữa xác định đối tượng quan hệ pháp luật tranh chấp là “Hợp đồng bán đấu giá” ngày 17/6/2015 là không đúng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Một nội dung chú ý khác đang gây khó khăn cho việc triển khai Dự án của Cty Kim Oanh liên quan đến Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QD- BPKCTT là “Cấm  chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Điều 121 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Cty Kim Oanh cho rằng, theo các thông báo thụ lý của TAND quận 7, quan hệ tranh chấp là tranh chấp “Hợp đồng bán đấu giá” và “Hợp đồng tín dụng”, hoàn toàn không phải tranh chấp quyền về tài sản hoặc QSDĐ. Tuy nhiên, thẩm phán lại xác định “tài sản đang tranh chấp” là QSDĐ theo 85 Giấy chứng nhận QSDĐ mà thẩm phán chưa tiến hành xác minh.

Cũng theo quy định của Điều 121, Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa chỉ được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm dịch chuyển quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” khi có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Nhưng trong vụ việc này, Cty Thiên Phú là người đang đứng tên trên 85 Giấy chứng nhận QSDĐ và đang đăng ký giao dịch đảm bảo tại Agribank, nhưng TAND quận 7 lại cấm Cty Kim Oanh chuyển dịch quyền về tài sản là QSDĐ theo 85 giấy chứng nhận QSDĐ này (?)

Cty Kim Oanh mua tài sản đấu giá là các QSDĐ từ ngân hàng theo cơ chế đặc biệt: “Xử lý nợ xấu” theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội; Chỉ thị số 32/CT - TTG ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính Phủ; Chỉ thị 06/CT - NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu. Việc mua bán hoàn toàn hợp pháp.

Mặt khác, Cty Kim Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản đấu giá gần 1.500 tỷ đồng, điều đó khẳng định nghĩa vụ dân sự của Cty Kim Oanh đã chấm dứt theo quy định tại khoản 1, Điều 372, Bộ luật dân sự và đã nhận toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ bản chính, thông báo giải chấp và đơn yêu cầu xóa thế chấp từ Agribank Chợ Lớn.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, Cty Kim Oanh đề nghị Chánh án TAND TP.HCM chỉ đạo TAND quận 7, xem xét lại toàn diện và triệt để vụ án về yêu cầu khởi kiện, đối tượng tranh chấp, quan hệ pháp luật tranh chấp, tư cách đương sự, thẩm quyền của TAND quận 7, nhập tách vụ án trong vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vụ việc, trong văn bản gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Agribank Việt Nam  đề nghị: TAND tối cao có ý kiến với TAND quận 7, TP.HCM đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự với dự án khu dân cư Hòa Lân tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương; Viện KSND tối cao, Viện KSND quận 7, TP.HCM kháng nghị đình chỉ vụ án, hủy bỏ Quyết định số 01/2019 QĐ-BPKKTT ngày 15/3/2019 của TAND quận 7, TP.HCM về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với dự án khu dân cư Hòa Lân tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương.

Đồng thời, Agribank cũng có văn bản số 2568/NHNo-PC, ngày 28/3/2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Việc Cty Thiên Phú kiện Agribank và TAND quận 7, TP.HCM ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ - BPKCTT cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức là không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; Chi thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT - NHNN của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của Tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.

Với những diễn biến trên, “nút thắt” mới liên quan đến quá trình triển khai Dự án KDC Hòa Lân đã kéo tới gần 19 năm mà vẫn chưa có hồi kết, với khiếu nại khẩn cấp của Cty Kim Oanh - doanh nghiệp trúng đấu giá hợp pháp - càng thu hút sự quan tâm của dư luận về một môi trường pháp lý đầu tư rõ ràng minh bạch.

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc đáng chú ý này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận