Lần đầu tiên, CSGT bồi thường hàng chục triệu đồng cho người dân vì ra quyết định xử phạt sai. Sự việc vừa xảy ra tại TPHCM đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Mặc dù không phải lần đầu tiên người vi phạm giao thông khiếu nại cơ quan chức năng vì cho rằng quyết định xử phạt không đúng, nhưng gần như các vụ việc trước đó đều không đi đến đâu, quy trình xử lý lằng nhằng, thủ tục nhiêu khê, và các khiếu nại đều bị bác.
Vậy, quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm giao thông đang được thực hiện như thế nào? Có điều gì khiến người dân chưa thực sự mặn mà, dẫn đến những cách lựa chọn khác có phần cực đoan, và thậm chí sai quy định? Nội dung cụ thể của vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích trong Chuyên mục Sự việc và góc nhìn hôm nay:
Trước đó, trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM bị tài xế Lê Đắc Mạnh khởi kiện ngày 16/5, yêu cầu TAND TP HCM hủy quyết định xử phạt và buộc bồi thường 30,7 triệu đồng. Sau hai lần làm việc tại Trung tâm Hòa giải - Đối thoại tại TAND TP HCM, đại diện của Trưởng Phòng CSGT đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông Mạnh nên nguyên đơn rút đơn kiện.
Vụ việc bắt đầu vào trưa ngày 22/1/2018, ông Lê Đắc Mạnh điều khiển xe tải thì một Tổ CSGT (Đội CSGT Hàng Xanh) ra tín hiệu dừng vì cho rằng ông Mạnh điều khiển xe có dấu hiệu chở quá tải. Đến ngày 27/1/2018, ông Mạnh nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,3 triệu đồng.
Không đồng ý với quyết định này, ông Mạnh khiếu nại quyết định xử phạt trên đến Phòng Cảnh sát Giao thông TP.HCM. Tuy nhiên, Phòng vẫn giữ nguyên quyết định xử phạt trước đó. Ông Mạnh kiên trì gửi đơn khiếu nại hai quyết định hành chính của Phòng CSGT lên Công an TP.HCM.
Sau đó, Giám đốc Công an TP.HCM ban hành quyết định trả tiền phạt cho tài xế, buộc CSGT bồi thường 18,2 triệu đồng. Chưa hài lòng về kết quả giải quyết vụ việc, tháng 5/2019, tài xế Mạnh nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị tòa án hủy các quyết định của Phòng CSGT và giám đốc Công an TP.HCM. Trong đơn, người khởi kiện yêu cầu bồi thường 30,7 triệu đồng.
Tài xế Lê Đắc Mạnh cho biết, quá trình khiếu nại của mình tốn khá nhiều thời gian, anh phải rất kiên trì mới có thể đi đến được kết quả này:
“Từ ngày ra quyết định xử phạt khoảng hơn 1 năm, em cũng gọi lên hối thúc suốt rồi họ có làm nhưng khá gian nan. Bạn bè, gia đình ai cũng bảo đừng có làm nhưng em suy nghĩ rồi em quyết định vẫn cứ làm”.
Theo luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, các trình tự thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đã được quy định rõ ràng theo quy định của Luật Khiếu nại. Theo đó, đầu tiên người dân thực hiện việc nộp đơn khiếu nại đến đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại.
Sau khi thụ lý, cơ quan Nhà nước phải giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần thứ 2 đến thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Luật sư Phạm Thành Tài nhận định rằng, hiện nay, hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực giao thông thường mất nhiều thời gian và kết quả giải quyết không rõ ràng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
“Một số địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại. Trong nhiều trường hợp, cán bộ giải quyết có tâm lý né tránh, không chịu trách nhiệm nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác nên kết quả giải quyết khiếu nại không thực sự chính xác, người dân không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại đó và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan cấp trên trực tiếp khiến cho việc khiếu nại bị kéo dài. Thứ 3 là việc giải quyết khiếu nại không được thực hiện theo đúng quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tình trạng chuyển đơn thư khiếu nại lòng vòng giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết khiếu nại bị kéo dài”.
Khi không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm của cảnh sát giao thông, người vi phạm có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại.
Tuy nhiên, việc giải quyết nhiều vụ khiếu kiện trước đó ở các địa phương như Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM đều có kết quả giống nhau ở chỗ là người dân thua kiện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân ngần ngại khi thực hiện quyền khởi kiện của mình đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, khi người dân cảm thấy hành vi xử phạt hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng và không đồng tình với quyết định xử phạt của lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thì có quyền ghi vào biên bản vi phạm hành chính về việc không đồng ý với xử phạt vi phạm.
Sau đó tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền với các căn cứ làm cơ sở để giải quyết. Người dân không nên vội vàng đưa hình ảnh, chứng cứ vội vàng lên mạng xã hội với những nhận định có thể chưa chính xác để lan truyền và gây bức xúc trong cộng đồng. Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ khẳng định:
Người tham gia giao thông và người kiểm soát giao thông nếu không làm đúng theo các quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Thay vì việc đưa lên mạng xã hội để cho rằng là mình đúng và thiếu các chứng cứ gây hiểu sai cho cơ quan chức năng thì người dân có quyền khiếu nại tới cơ quan ra quyết định xử phạt để cơ quan chức năng giải thích và trả lời cho khiếu nại đó”.
Việc đại diện Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM vừa bồi thường cho tài xế 30,7 triệu đồng vì xử phạt hành chính sai, cho thấy người vi phạm có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc khiếu nại tới đúng cơ quan chức năng có thẩm quyền.
TS Bùi Thị An, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 hoan nghênh quyết định hòa giải thành công của Tòa án Nhân dân TP.HCM và nhận định, đây là một minh chứng khẳng định quyền bình đẳng của người dân trước pháp luật và các bất đồng trong xử phạt vi phạm hành chính có thể được giải quyết thông qua khiếu nại và giải quyết khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền. TS Bùi Thị An nêu ý kiến:
“Các đồng chí công an khi nhìn nhận vấn đề nào mình sai thì mình sẵn sàng sửa, sẵn sang nhận lỗi. Sự nhận lỗi này khiến người dân tôn trọng hơn chứ không sợ mất uy tín. Việc giải quyết các lỗi sai của các cơ quan, tổ chức và sự đúng đắn của người dân sẽ được đảm bảo. Nhà nước hiện nay là Nhà nước kiến tạo nên các quyền của người dân sẽ được đảm bảo và tôn trọng đúng mức”.
Trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông, người dân và lực lượng chức năng rất dễ nảy sinh những bất đồng về quyết định xử phạt. Để bảo vệ được quyền và lợi ích của mình thì người dân nên thực hiện khiếu nại tới cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng cần làm gì để người dân thực hiện đúng quyền khiếu nại?
Quyền được khiếu nại (bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc VOV Giao thông)
Bồi thường do các quyết định hành chính sai vốn là điều hoàn toàn bình thường trong một xã hội văn minh. Bởi thế, việc một người dân được bồi thường hàng chục triệu đồng do bị xử phạt sai lỗi vi phạm luật giao thông không phải điều gì đặc biệt. Điều đáng suy nghĩ từ câu chuyện này là vì sao người dân vẫn thường chọn cách tranh luận tại chỗ với cảnh sát giao thông thay vì khiếu nại hành chính khi bị phạt lỗi vi phạm luật giao thông?
Cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến lái xe xuyên nước Mỹ, bản thân tôi từng bị cảnh sát giao thông dừng xe vì lỗi đi vào đường cấm. Khi tôi trình bày là đi theo chỉ dẫn của hệ thống dẫn đường thì viên cảnh sát không giải thích thêm, chỉ đưa tôi vé phạt đồng thời cho biết tôi có quyền khiếu nại và hướng dẫn chi tiết về quy trình khiếu nại quyết định xử phạt trong trường hợp tôi bị phạt oan.
Lỗi vi phạm luật giao thông được xác định chủ yếu bởi nhận định của cảnh sát giao thông. Nhận định đó có thể đúng, có thể sai do nhiều yếu tố khách quan tác động và người bị nhận định là vi phạm có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cả cảnh sát giao thông lẫn người dân đều rất ít quan tâm tới quyền khiếu nại của mình.
Cảnh sát giao thông vì thế không có thói quen hướng dẫn để người dân thực hiện quyền khiếu nại, còn người dân, dù có nhận thức được mình có quyền đó thì vẫn thường ngần ngại bởi không tin tưởng vào luật pháp, bởi không muốn mất thời gian theo đuổi việc khiếu nại, với tâm lý được vạ thì má đã sưng.
Việc khởi kiện các quyết định xử phạt hành chính là một hành động văn minh. Tuy nhiên quyết định hành xử văn minh này cần được thúc đẩy bởi chính các nhân viên công vụ. Đã đến lúc, lực lượng cảnh sát giao thông cần có quy định cấm nhân viên cảnh sát tranh luận, đôi co với người dân.
Khi đã quyết định dừng xe xử phạt, nhân viên cảnh sát cần ý thức rõ về sự đúng đắn trong quyết định của mình, để lập tức ra quyết định xử phạt, đồng thời đọc quyền kèm theo hướng dẫn quy trình khuyếu nại cho người bị xử phạt.
Quy trình tiếp nhận xử lý khiếu nại của người dân phải cụ thể, và đơn giản, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền khiếu nại của mình một cách dễ dàng.
Tòa án cần ban hành các hướng dẫn chi tiết các yếu tố cần thiết để hỗ trợ người dân chuẩn bị các điều kiện khởi kiện một quyết định xử phạt hành chính hiệu quả nhất. Rút gọn các bước khiếu nại của người dân.
Chỉ khi quyền khiếu nại của người dân được tôn trọng thì tình trạng lạm quyền của cảnh sát giao thông khi xử phạt vi phạm mới có thể được ngăn chặn, và người dân mới có thể tự tin bảo vệ mình trước pháp luật.
Trung Tuyến - Nguyễn Yên/VOVgiaothong.vn