Tội phạm buôn bán người: Những mồi nhử bên kia biên giới

Vì sao hàng ngàn người tìm đủ mọi cách để vượt biên sang bên kia biên giới, không làm thủ tục xuất nhập cảnh? Câu chuyện thực tế ở Tam Đường.

 

Mới đây, dư luận hết sức bàng hoàng, đau xót sau cái chết của 39 nạn nhân trong một chiếc xe container được phát hiện tại hạt Essex, London, nước Anh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình gặp nạn, khẳng định "Đây không chỉ là nỗi đau thương vô hạn của gia đình người thiệt mạng mà còn là nỗi đau chung của cả cộng đồng".

Không chỉ là đường dây mua bán người sang các nước châu Âu, ngay các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, thực trạng mua bán người, lừa người sang bên kia biên giới để bóc lột sức lao động vẫn đang diễn ra phức tạp. Những người này đang gặp vô vàn bất lợi, bị chính quyền sở tại đẩy đuổi, bị bóc lột công sức, bị ăn quỵt tiền công, bị đối xử thậm tệ, bị biến thành những nô lệ tình dục, thậm chí phải bỏ mạng.

Vậy tại sao hàng ngàn người vẫn tìm đủ mọi cách để vượt biên sang bên kia biên giới, không làm thủ tục xuất nhập cảnh?

Câu chuyện thực tế ở bản Cốc Phát, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một minh chứng.

Cả bản chỉ 32 hộ dân, 148 khẩu nhưng gần nửa số hộ đã từng hoặc đang có người thân nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động.

Chị Má Thị Sô ở bản Cốc Phát kể, chị có con gái lớn mới 21 tuổi, hơn một năm trước, cháu nói muốn đi sang Trung Quốc làm ăn, thế rồi con gái chị đi thật. Không giấy tờ tùy thân, không làm thủ tục nhập cảnh, Vàng (con gái chị Sô) cùng với vài người trong bản rủ nhau nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc.

“Nhớ nó lắm, mong nó về lắm, nhưng nó bảo nó lấy chồng bên kia, họ không cho về, nó chưa về được đâu. Gọi điện thoại, tôi khóc suốt, nó cũng khóc bảo nhớ bố mẹ lắm, xem vài ba năm nữa về được thì nó mới về. Bây giờ nhà chồng nó không cho về vì sợ nó về bên này rồi không sang đấy với họ nữa”- chị Sô kể.

Con gái chị Sô đã sang Trung Quốc và lấy chồng bên đó. Điều đáng nói là dù rất lo lắng cho con gái, chị Sô và gia đình cũng không thể nắm rõ hiện nay con chị sống thế nào, có bị bạo hành hay không?... Nói là đi lấy chồng Trung Quốc nhưng đến cả địa chỉ của con gái, chị cũng không biết. Liên lạc duy nhất là qua Facebook.

Cùng cảnh với chị Sô, anh Hạng A Dũng ở bản Cốc Phát cũng có người em gái đi sang Trung Quốc. Anh Dũng kể, nhiều lúc muốn đi sang bên đấy tìm em, nhưng Trung Quốc rộng lớn thế, lại không có địa chỉ của em, không biết tiếng nên anh đành chịu, chỉ mong có ngày em gái trở về. Anh Dũng cũng cho biết, ở bản còn có nhiều trường hợp như gia đình anh.

Còn đây là những lời tự sự của chị Sùng Thị Dở - bản Cốc Phát, xã Bản Bo, Tam Đường, Lai Châu. Chị Dở là nạn nhân mua bán người nhưng may mắn trốn về được năm 2016: “Hồi đấy lâu lâu rồi, nó bảo mình là đi làm thuê. Đi làm thuê thì mình mới có tiền, ở đây không có việc làm thì không có đồng tiền nhưng mà nó lừa mình đi sang đấy bán mình cho người ta. Lúc đến cửa khẩu, mình biết nó lừa bán mình thì mình đòi về, hai thằng kia nó không chịu thì mình bảo, kể cả tao sang bên kia tao nhớ số điện thoại chúng mày rồi, tạo gọi về được thì chúng mày cũng chết, thế là nó sợ, sau đấy mình kêu to lên, nó không dám bắt mình nữa mình mới trốn về. Còn mấy đứa kia nó lại đi. Giờ 3 năm rồi không về được”.

Chị Dở cho biết, sau này khi về nhà, chị không gặp lại những người đã từng lôi kéo chị đi nữa. Nhưng chúng vẫn nhiều lần gọi điện, nhắn tin nói với chị rằng, những người đi sang Trung Quốc cùng chị hôm đó đều có việc làm, mỗi ngày tiền công đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, chị Dở cương quyết không nghe theo. Hiện chị và chồng con canh tác nương rẫy, trồng chè, thu nhập ổn định. Chị bảo, quan trọng là chị có cuộc sống yên bình bên những người thân, cha mẹ, làng xóm.

“Mình về đã nói với bà con bây giờ mình không đi nữa, người ta lừa đi thì đừng có nghe theo người ta nữa, người ta lừa mình đem mình đi bán thôi”- chị Dở chia sẻ.

Theo chính quyền xã Bản Bo, thực chất những trường hợp đi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch hầu hết là nạn nhân của mua bán người. Phía sau những lời tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo kia thực chất là hoạt động mua bán người hoặc lừa đảo, với mục đích bóc lột sức lao động.

Anh Giàng A Páo, công an viên bản Cốc Phát cho biết: Bản Cốc Phát có 32 hộ, 148 khẩu cũng đều là người Mông. Là công an viên, anh cố gắng nắm chắc tình hình buôn bán người ở bản: “Mình phải nắm chắc tình hình buôn bán người ở bản, thường xuyên nghe người ta tuyên truyền, sau đấy mình phải đi hỏi rõ, kiểm tra xem, nếu có việc xảy ra, mình phải báo ngay cấp trên để cùng nhau bắt bọn chúng. Mình không bám sát bà con thì có khi người ta còn lừa nhiều hơn nữa”.

Tại các bản làng ở huyện Tam Đường, Lai Châu, tình hình biến động trong dân, người đi, kẻ về, đích đến và về đều liên quan đến phía bên kia biên giới. Ở đó người dân đã trải qua những gì, làm gì, chịu đựng ra sao?

Theo Trung tá Phùng Quang Tuyến, Đội phó Đội xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện, tình trạng bỏ nhà đi lao động làm thuê đang diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng thường dụ dỗ bà con, cho rằng sang bên kia biên giới việc nhẹ, lương cao. Trong những lúc nông nhàn, nhiều bà con ở các xã Hồ Thầu, Giang Ma, Bản Bo đã bỏ nhà, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

“Có những trường hợp sang bên đó bị lợi dụng. Ví dụ trường hợp anh Tẩn A Tài ở bản Dưa Ngồi, phải trốn 3 lần mới về được Việt Nam, sau đó chúng tôi đã tiếp cận lấy lời khai, được anh cho biết là đoàn của anh đi có 35 người. Khi đến cửa khẩu Lào Cai, chúng giao cho 4 người Trung Quốc đón, đi xe 2 ngày 2 đêm mới đến nơi các anh làm thuê. Sau khi đến nơi, người Trung Quốc lại đưa các anh ấy đi ra đảo, cách li với đất liền, đi mất 4 tiếng đồng hồ. Ra đến nơi thì tự phải căng bạt, phát cỏ để dựng nhà bạt lên để ở. Sáng ra, chúng bắt dậy từ 5 giờ, làm đến 12 giờ mới nghỉ. Chiều làm từ 13 giờ. Theo lời khai của anh Tài, lên trên đấy là họ tước hết, không có đồng hồ, không có điện thoại, các anh chỉ khai là làm đến trời tối không nhìn thấy nữa thì mới cho về. Ước chừng khoảng 19h mới nghỉ. Ngày nào cũng tiếp diễn như vậy”- Trung tá Tuyến kể.

Trung tá Phùng Quang Tuyến, Đội phó Đội xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an huyện Tam Đường đang tuyên truyền về tội phạm buôn bán người.

Để đấu tranh với nạn mua bán người và lừa người sang Trung Quốc để bóc lột công sức bà con, Công an huyện Tam Đường đã vào cuộc quyết liệt. Biện pháp được chú trọng nhất là công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho bà con dân bản. Công an huyện đã dựng những tiểu phẩm để diễn trong những hội nghị, cuộc thi dân vận khéo, ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện nhằm tuyên truyền, cảnh tỉnh cho bà con.

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng xấu thường sử dụng, đó là chúng lợi dụng chính những người dân trong bản để lôi kéo đồng bào. Họ sẵn sàng trả lương thật cao, 30-40 triệu đồng/tháng cho 1 người trong bản, để người đó trở về, khoe với bà con mức thu nhập. Bà con thấy người thật, việc thật, cho rằng họ đi làm có thời gian ngắn đã cầm cả nắm tiền về mua xe Exciter, xây sửa nhà cửa. Tuy nhiên, thực tế người được trả lương cao chỉ có 1, 2 người, trong khi chúng sẵn sàng ăn chặn tiền công của hàng chục người khác.

Theo Trung tá Phùng Quang Tuyến, đơn vị đã từng ghi nhận tin trình báo: có những đoàn 30 người ở địa phương đi lao động 6 tháng trời bên Trung Quốc, bị ăn chặn tiền công, khi về không được nhận đồng nào. Thủ đoạn của bọn chúng là đến thời kỳ trả lương, chúng liền báo công an Trung Quốc. Bà con không làm thủ tục xuất nhập cảnh, vì vậy khi công an Trung Quốc đến, bà con buộc phải chạy trốn, vượt biên bỏ về.

"Có những buổi tuyên truyền, bà con giơ tay phát biểu: qua cán bộ tuyên tuyền như thế đến nay chúng tôi mới biết, chúng tôi xin hứa sẽ không tự ý đi nữa. Muốn đi thì phải làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định. Đấy là một cái rất hiệu quả mà thời gian vừa qua lực lượng công an huyện chúng tôi đã làm", Trung tá Phùng Quang Tuyến cho biết thêm./.

Hoàng Thái/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận