Dự án Khu dân cư Hòa Lân – Bình Dương: Ai đang làm méo mó Nghị quyết 42 của Quốc hội

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép việc mua bán tài sản thế chấp được tiến hành theo thủ tục đặc biệt

 

Nghị quyết 42 ngày 15/8/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép, việc mua bán tài sản thế chấp được tiến hành theo thủ tục đặc biệt. Nhưng nếu doanh nghiệp cứ mua xong tài sản đấu giá lại có tố cáo, khởi kiện kéo dài thì sẽ không còn doanh nghiệp nào dám mua tài sản đảm bảo của ngân hàng. Những “lùm xùm” xung quanh việc mua bán Dự án khu dân cư Hòa Lân (tại Bình Dương) là ví dụ điển hình.

Mua được nợ bỗng trở thành “mắc nợ”

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, thương vụ ngàn tỉ mua tài sản bảo đảm là Dự án khu dân cư Hòa Lân để xử lý nợ xấu tại Agribank Chợ Lớn, được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội do đây là “khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017”.

Theo thủ tục thông thường, Agribank Chợ Lớn có thể khởi kiện Công ty Thiên Phú ra tòa để đòi khoản vay gần 1.118 tỉ đồng nếu hai bên không tự thỏa thuận được các phương án thanh toán. Nhưng Nghị quyết 42/2017 cho phép “chủ nợ” được quyền thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án Hòa Lân hoặc “chủ nợ” được quyền thỏa thuận với “con nợ” để bán tài sản đảm bảo cho việc thanh toán nợ.

Tháng 5/2019, Công ty Kim Oanh đã hoàn thành việc thanh toán giá trị tài sản đấu giá cộng tiền lãi phát sinh do trả chậm, chi trả các khoản thuế thay cho Công ty Thiên Phú… có nghĩa là việc xử lý nợ xấu của Agribank Chợ Lớn đã hoàn thành.

“Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đã hỗ trợ tích cực cho xử lý nợ xấu. Theo lũy kế đến 30/6/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 263,51 nghìn tỷ đồng” - theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh.

Một cán bộ Agribank Chợ Lớn cho biết, trong bất cứ quan hệ kinh doanh thương mại nào, thì việc thanh toán cũng là quan trọng nhất. “Chúng tôi làm đúng theo Kết luận của thanh tra bộ Tư pháp là khẩn trương thu hồi số tiền mà Công ty Kim Oanh thanh toán mua tài sản đấu giá và tính toán lại lãi suất chậm trả, không để việc thanh toán kéo dài, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của Ngân hàng cũng như quyền lợi của nhà nước” – một cán bộ Agribank Chợ Lớn chia sẻ.

Còn theo bà Đặng Thị Kim Oanh, TGĐ Công ty Kim Oanh, nếu không có những rắc rối pháp lý ngoài ý muốn, thì Dự án Hòa Lân sẽ được triển khai theo quy hoạch và đúng mục đích sử dụng đất, không chỉ tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp và ngân sách, và sẽ không bị thiệt hại nghiêm trọng như thời gian qua.

Khả năng một dự án “treo” được giải phóng, tránh lãng phí tài nguyên đất đai; diện mạo đô thị ở thị xã Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đẹp hơn. “Lẽ ra Công ty Thiên Phú phải tạo điều kiện cho chúng tôi theo đúng cam kết. Nhưng đằng này lại khởi kiện, tạo rắc rối cho doanh nghiệp chúng tôi”- bà Oanh ngao ngán.

Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản đối với Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản là Dự án khu dân cư Hòa Lân, đã khẳng định không có sai phạm đáng kể ảnh hưởng đến việc tổ chức đấu giá. Tưởng chừng sự việc kết thúc tại đây, nhưng Công ty Thiên Phú lại tiến hành khởi kiện vụ án dân sự tại TAND Q.7 TP HCM.

Gây khó từ trong ra, tạo áp lực từ ngoài vào

Như đã nêu trong bài viết trước, kể từ khi trúng đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất của Dự án Hòa Lân (tháng 5/2017), Công ty Kim Oanh đã liên tục gặp phải hàng loạt khó khăn, trở ngại do chủ đầu tư cũ là Công ty Thiên Phú để lại.

Trong đó, nhiều hộ dân kinh doanh lấn chiếm đất của Dự án Hòa Lân lâu ngày không chịu di dời và 20 hộ yêu cầu trả đất Dự án hoặc trả tiền theo suất tái định cư mà trước đây Công ty Thiên Phú đã cam kết trả cho họ. Một số hộ vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù từ Công ty Kim Oanh.

Trong khi đó, “Biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ giữa Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú” ngày 17/4/2017 cam kết: Khi bán đấu giá Dự án Hòa Lân thành công, Thiên Phú có nghĩa vụ và trách nhiệm giao tài sản trên thực tế cho Công ty Kim Oanh theo quy định pháp luật và hỗ trợ Kim Oanh thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu và làm những thủ tục được tiếp tục thực hiện cho việc đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

Và sau đó, ngày 14/8/2017, Công ty Thiên Phú lại có Công văn số 018/CV/2017 gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị xem xét chấp thuận cho Công ty Kim Oanh được thừa kế quyền lợi, nghĩa vụ; đồng thời kế thừa toàn bộ hồ sơ pháp lý trước nay do Công ty Thiên Phú đã hoàn thiện và tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của Dự án Hòa Lân.

Tuy nhiên, theo bà Oanh thì Công ty Thiên Phú đã không thực hiện các cam kết đó. Bên cạnh việc khởi kiện vụ án ra tòa, ngày 14/2/2019, Công ty này còn có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương và các Sở, ngành đề nghị ngăn chặn Dự án Hòa Lân với lý do việc tổ chức bán đấu giá của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn có sai phạm, trong khi đã có Kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp từ tháng 12/2018.

Hàng loạt rắc rối khác kéo dài suốt cả năm 2018 dẫn đến việc UBND tỉnh Bình Dương và các Sở, ngành chưa xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư cho Công ty Kim Oanh. Trong đó phải kể đến việc sở TN&MT Bình Dương tiến hành đo đạc xác định ranh giới đất của Dự án; Cục thuế tỉnh tính toán mức thuế mà Công ty Thiên Phú chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước.

Cùng lúc đoàn thanh tra của Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra về việc bán đấu giá tài sản của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Agribank Chợ Lớn… Dự án Hòa Lân tiếp tục bị “ách tắc”. Nợ xấu chồng nợ xấu, lãng phí chồng lãng phí.

Bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, cùng với số tiền đã thanh toán cho Ngân hàng, Công ty đã phải chi trả thêm nhiều khoản chi phí khác như: Tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, các chi phí tài chính, thuế, hành chính khác liên quan đến việc đầu tư và phát triển Dự án Hòa Lân với tổng số tiền lên đến gần 1600 tỷ đồng.

Dự án Hòa Lân vẫn là một bãi đất trống.

Liệu có “nhóm lợi ích” dọn đường cho “Cá mập”?

Một chuyên gia pháp lý phân tích, khi đất “vàng” ở Bình Dương “thức giấc”, cũng là lúc xuất hiện “nhóm lợi ích”. “Việc gây khó khăn bằng những mắt xích pháp lý đối với Công ty Kim Oanh đã được lên kế hoạch bài bản, các kịch bản được suy tính kỹ lưỡng”.

Theo vị chuyên gia này, không khó để nhận ra, bằng một loạt đơn tố cáo, nhóm lợi ích dù không đạt được mục đích “bới lông tìm vết” để cơ quan chức năng hủy kết quả đấu giá, nhưng đã khiến Công ty Kim Oanh bị đình trệ hơn một năm để làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Hòa Lân và bước đầu làm giảm uy tín của doanh nghiệp này.

Từ đầu năm 2019, Công ty Thiên Phú lại khởi kiện Agribank Chợ Lớn và Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tới TAND quận 7. Vụ kiện dân sự có thể kéo dài nhiều năm không hẹn ngày kết thúc. Vì vậy, cho dù với bất cứ tư cách gì trong vụ kiện, thì Công ty Kim Oanh cũng phải đình trệ Dự án Hòa Lân, nhất là khi Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bất hợp lý.

Bà Đặng Thị Kim Oanh cho rằng, với số tiền trên 1.600 tỉ đồng đã bỏ ra trong Dự án Hòa Lân, nhưng đến nay đã gần 2 năm rưỡi vẫn chưa được chuyển đổi chủ đầu tư khiến Công ty thiệt hại đến nay lên tới 150 tỉ đồng. Nếu vụ việc tiếp tục kéo dài, Công ty sẽ lâm vào nguy cơ phá sản và Agribank Chợ Lớn cũng không xử lý dứt điểm khoản nợ xấu của Công ty Thiên Phú.

Một tình tiết đáng lưu ý trong vụ án này, đó là trước khi nộp đơn khởi kiện Công ty Đấu giá ra tòa thì ngày 18/12/2018, Công ty Thiên Phú đã có thư mời Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh “tìm hiểu” về dự án Hòa Lân. Cùng với đó là công văn đảm bảo cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn đối với Công ty Địa ốc Hưng Thịnh về việc cấp vốn tín dụng 3.000 tỷ để nhận chuyển nhượng dự án Hòa Lân.

“Các nhóm lợi ích đang chờ thời điểm Công ty Kim Oanh kiệt quệ vì đã huy động số tiền quá lớn vào Dự án Hòa Lân nhưng đình trệ. Lúc đó “cá mập” (tức những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính và có quan hệ rộng) sẽ xuất hiện. Họ sẽ bỏ tiền mua lại Dự án Hòa Lân từ chính Công ty Kim Oanh với giá thấp. Cách làm này trong giới kinh doanh thường gọi là thuyết âm mưu để thâu tóm đất vàng nếu họ muốn”.

Như vậy, trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp chần chừ, thậm chí rút lui vì sợ xảy ra kiện tụng như dự án Hòa Lân - vị chuyên gia phân tích.

“Trong khi Công ty Kim Oanh đang khẩn trương đưa dự án vào hoạt động thì một số thành phần trong xã hội không có lý do chính đáng, không có cơ sở hợp pháp nhưng đã tiến hành tạo ra một vụ khiếu kiện nhằm gây khó khăn, phá hoại việc thực thi chính sách xử lý nợ xấu của Đảng và Nhà nước đối với nền kinh tế” – (trích Đơn kêu cứu khẩn cấp” của TGĐ Công ty Kim Oanh gửi lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ).

Việc UBND tỉnh Bình Dương không làm thủ tục chuyển chủ đầu tư Dự án Hòa Lân từ Công ty Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh với lý do “chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền” là không sai. Song, bất cứ ai cũng biết rằng, thiệt hại mà doanh nghiệp này đang phải gánh chịu hàng ngày, còn Dự án tiếp tục vẫn là bãi đất. Trong khi đó, Nghị quyết 42 của Quốc hội quy định rõ: “Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này”./.

Nhóm PV/VOV-TP HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận