Vụ việc tranh chấp nhà ở, đất ở tại địa chỉ 70D Trần Xuân Soạn, Hà Nội đã được các cấp tòa tại Hà Nội xét xử, buộc các hộ dân phải trả nhà, đất cho Công ty Cổ phần Kim khí Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khúc mắc trong bản án khiến người dân bất phục.
Nhà ở 40 năm bỗng chốc thành tài sản cổ phần hóa?
Không đi đến được thống nhất, không giải quyết được tranh chấp, năm 2009, Công ty Cổ phần Kim khí Hà Nội đã nộp đơn khởi kiện đòi nhà mà 4 hộ gia đình: Vũ Thị Thanh, Nguyễn Thị Nhạn, Nguyễn Thị Lựu, Lý Văn Phất đã sinh sống ổn định 40 năm tại địa chỉ 70D Trần Xuân Soạn. Vụ việc tranh chấp nhà đất tại 70D Trần Xuân Soạn được Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý và đưa ra xét xử, kéo dài từ năm 2010 - 2018. Nội dung các bản án, tòa phán quyết buộc các hộ dân phải trả nhà cho Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội.
Lật lại hồ sơ, trên tờ khai sử dụng đất năm 1996 do ông Nguyễn Văn Mạ, Giám đốc ký tên, đóng dấu ghi rõ “đất tại địa chỉ 70D Trần Xuân Soạn đã được Xí nghiệp chia cho CBCNV tự làm nhà ở từ những năm 1976. Tờ khai có xác nhận của chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản. Nhà 70D Trần Xuân Soạn là do các hộ dân làm nên thuộc sở hữu riêng của các hộ dân, nhà đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép cải tạo, sửa chữa. Việc cải tạo, sửa chữa nhà tại 70D Trần Xuân Soạn đều được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép.
Theo bà Vũ Thị Thanh, thực tế từ năm 1967-1970, Xí nghiệp lần lượt phân nhà cho 4 hộ dân tại địa chỉ nói trên. Việc này đã được ông Nguyễn Văn Sanh, thời điểm đó làm Giám đốc Xí nghiệp Mạ kền và là thành viên Hội đồng phân phối nhà của Xí nghiệp và ông Nguyễn Hữu Chính, nguyên là giám đốc kế nhiệm, xác nhận bằng văn bản.
Về việc Xí nghiệp phân nhà, luật sư Hoàng Văn Quánh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Thông tư số 529-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/12/1958 và Thông tư số 84-TT/NV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 24/12/1958 hướng dẫn thi hành Thông tư 529-TTg. Theo đó có ghi: “Dựa theo tình hình thực tế, theo tinh thần cầu kiệm, xây dựng nước nhà, đồng thời đảm bảo tương đối điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, nhân viên để công tác tốt”.
Tiếp đó, tại Quyết định số 150-CP ngày 10/6/1977 của Hội đồng Chính phủ nhằm “thống nhất quản lý và phân phối diện tích hợp lý theo tiêu chuẩn diện tích làm việc và diện tích ở, cải thiện một bước điều hiện ở của công nhân, viên chức, cán bộ trong biên chế nhà nước”. Quy định về tiêu chuẩn nhà ở chi tiết cho cán bộ, công nhân, viên chức.
“Việc phân phối nhà ở cho ông Lý Văn Phất từ năm 1969 là căn cứ vào chính sách, chế độ, tiêu chuẩn của nhà nước, là thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, luật sư Hoàng Văn Quánh khẳng định.
Ngày 21/5/2002, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 3620/QĐ-UB về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước Xí nghiệp Kim Hà Nội thành Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội. Tại quyết định này, UBND TP. Hà Nội đã không đưa nhà 70D Trần Xuân Soạn là giá trị tài sản doanh nghiệp Nhà nước để tiến hành thẩm định giá khi cổ phần hóa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, gần 5 tháng sau khi cổ phần hóa, ngày 10/10/2002, UBND TP. Hà Nội lại ra Quyết định số 6936/QĐ-UB điều chỉnh Quyết định số 3620/QĐ-UB, theo đó bổ sung thêm giá trị nhà 70D Trần Xuân Soạn có diện tích 113m2 vào tài sản cổ phần hóa với giá trị chỉ hơn 18 triệu đồng?. Mặc dù nhà đã phân cho CBCNV từ năm 1967.
Theo tiến sĩ luật học Vũ Ngọc Đường, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Thăng Long, thuộc Hội Luật gia Việt Nam: “Việc đưa nhà 70D Trần Xuân Soạn vào thẩm định giá trị tài sản để tiến hành cổ phần hóa cần phải được xem xét lại. Bởi nguồn gốc nhà 70D Trần Xuân Soạn có từ quá trình cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, là tài sản của Nhà nước chứ không phải là tài sản của doanh nghiệp. Đối chiếu với khoản 3, Điều 9, Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19/2/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần thì riêng đối với nhà ở của cán bộ, công nhân viên, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, thì chuyển giao cho cơ quan nhà đất của địa phương để quản lý hoặc bán cho người đang sử dụng theo quy định hiện hành. Tức 4 hộ dân sinh sống ổn định hơn 40 năm tại số nhà 70D Trần Xuân Soạn thỏa mãn điều kiện để được mua nhà”.
Nguyên đơn không có tư cách pháp lý để kiện đòi nhà
“Xí nghiệp Mạ kền nay là Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội không có tư cách pháp lý để kiện đòi nhà các hộ dân tại 70D Trần Xuân Soạn”, đó là nhận định của luật sư Vũ Ngọc Đường. Theo đó, luật sư cho rằng, nhà 70D Trần Xuân Soạn đã phân phối làm nhà ở ổn định cho CBCNV nên không được tính vào giá trị cổ phần hóa, bởi vậy công ty không có quyền đòi “nhà cho thuê” hay đòi nhà “cho ở nhờ”. Tòa án các cấp có thẩm quyền tại Hà Nội khi xét xử đã phủ nhận việc nhà 70D Trần Xuân Soạn là thuộc diện Nhà nước đã quản lý trong thời kỳ cải tạo nhà đất, đã phân phối làm nhà ở ổn định cho CBCNV từ những năm 1960 và không được đưa vào cổ phần hóa theo khoản 3, điều 9, Nghị định CP 64/2002/NĐ - CP của Chính phủ. Như vậy là chưa đúng.
“Việc Tòa án căn cứ vào các Quyết định của UBND TP. Hà Nội đưa nhà 70D Trần Xuân Soạn vào cổ phần hóa và chấp nhận cho công ty đòi lại nhà ở, mà họ đã phân phối cho CBCNV của mình ở ổn định từ năm 1960 đến nay là đã phủ nhận đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ về cải tạo nhà đất, về phân phối nhà ở cho CBCNV và đặc biệt trái với NĐ 64/2002 của Chính phủ về cổ phần hóa”- Luật sư Vũ Ngọc Đường.
|
Còn luật sư Hoàng Văn Quánh thì cho rằng, theo khoản 3, điều 9, Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Riêng đối với nhà ở của cán bộ, công nhân viên, kể cả nhà được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải giao cho cơ quan quản lý nhà đất của địa phương để quản lý hoặc bán cho người đang sử dụng theo quy định. Tại điểm e, khoản 2, điều 15 của Nghị định này quy định “giá trị thực tế của doanh nghiệp khi cổ phần hóa không bao gồm tài sản thuộc công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của doanh nghiệp và nhà ở của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp”.
Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ như vậy nhưng không hiểu vì sao, đất và nhà tại 70D Trần Xuân Soạn lại được Xí nghiệp đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa vẫn được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Người dân không đồng tình với phán quyết của tòa án
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Thanh và nhiều hộ dân bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình với phán quyết của tòa án. “Tại Bản án sơ thẩm số 10/2010/DS-ST ngày 18/10/2010 Tòa dù đã tuyên, hợp đồng thuê nhà ký giữa Xí nghiệp Kim Hà Nội và ông Phùng Mộng Giao (chồng bà Thanh) là vô hiệu do thời điểm đó xí nghiệp không có chức năng cho thuê nhà. Tuy nhiên, Tòa vẫn tuyên buộc hộ bà Thanh phải trả lại nhà và đất đang sử dụng tại 70D Trần Xuân Soạn cho Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội!. Bản án phúc thẩm đã đánh tráo từ việc cho thuê nhà thành cho mượn nhà và giữ nguyên bản án như vậy là không đúng, không có văn bản nào nói Xí nghiệp cho chúng tôi mượn nhà, chỉ có văn bản phân phối nhà cho chúng tôi”, bà Vũ Thị Thanh bức xúc.
Theo bà Thanh và đại diện các gia đình tại 70D Trần Xuân Soạn, việc Tòa căn cứ vào việc ông Lê Văn Thọ đưa lô đất này vào giá trị góp vốn khi tham gia công tư hợp doanh và việc Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội thanh toán cổ tức cho ông Lê Văn Thọ để xác định lô đất thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần cơ kim khí Hà Nội là không thỏa đáng.
“Việc thành phố Hà Nội ký quyết định đồng ý định giá và đưa lô đất 70D Trần Xuân Soạn vào danh mục tài sản khi tiến hành cổ phần hóa của Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội là không đúng với các quy định của pháp luật. Việc tòa xử yêu cầu 4 gia đình đang sinh sống đã gần 50 năm qua tại địa chỉ 70D Trần Xuân Soạn phải trả lại nhà cho Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội là không thỏa đáng”, bà Vũ Thị Thanh nhận định./.
Thành Công