Để 'cát tặc' hết lộng hành

Để đẩy lùi và chấm dứt nạn khai thác cát trái phép, các địa phương cần hành động thực chất và quyết liệt hơn, không làm theo kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi.

 

Không chỉ mới đây mà đã từ rất lâu, vùng biển Cần Giờ thuộc TP.HCM và vùng giáp ranh thành phố với các tỉnh lân cận liên tục bị “cát tặc” khuấy động, khai thác trái phép ngày đêm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi khoáng sản, hải sản và đời sống của người dân tại đây.

Một khu đất bị sạt lở nham nhở dọc sông Lòng Tàu, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ do ảnh hưởng của nạn khai thác cát trái phép Ảnh: Tuổi trẻ

Vùng sông rạch, cửa biển ở Cần Giờ được coi là mỏ cát trong xây dựng, san lấp. Cũng chính vì thế, huyện miền biển của TP.HCM và vùng giáp ranh trở thành nơi "xâu xé" của cát tặc trong nhiều năm qua.

Tính từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của TP phát hiện hơn 150 vụ việc với gần 240 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP bắt giữ, xử lý 24 vụ việc với 38 đối tượng; khởi tố 2 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, đến nay hiện trạng này vẫn còn đang tiếp diễn, khiến cho nhiều khúc sông trở nên tan hoang vì sạt lở, ngư dân lao đao vì tai nạn bất ngờ, nguồn lợi hải sản không còn...

"Bà con ở đây rất lo sợ, nếu mà sạt lở thì bà con ở đây chết tất cả, bây giờ ở đây sạt lở rất trầm trọng".

"Bây giờ đã sụp 4 - 5 bãi rồi, nếu mà sụp nữa thì làm sao người dân tôi sinh sống được đây".

"Nếu mà nhà cận mé sông thì sụp, tại vì mấy cái nhà ở trên kia thì nó đã bị sụp rồi, người ta di dời dô, thấy tội luôn, người ta khóc vì không tiền mà phải di dời nhà".

Những người dân sinh sống tại khu vực Cần Giờ và các điểm thuộc vùng giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu - Tiền Giang đã phải mất ăn mất ngủ vì những hành vi trục lợi trái phép bằng hình thức khai thác cát lậu.

Phóng viên VOVGT đã có mặt tại khu vực Cồn Ngựa, thuộc vùng biển Cần Giờ và quan sát. Những tiếng nổ bắt đầu phát ra từ động cơ của chiếc máy hút cát, thi thoảng lắm mới có những ánh sáng lóe lên từ chiếc đèn pin nhỏ. Để hút được cát, ngoài những chiếc máy bơm cỡ lớn, trên ghe còn có những người thợ lặn, họ ở dưới đáy sông cả giờ đồng hồ để điều khiển vòi hút dò tìm cát. Cát tặc luôn có người cảnh giới từ xa để túc trực và cảnh báo trước khi có lực lượng cơ quan chức năng tiếp cận.

Khi nhận được cuộc điện thoại báo động lực lượng chức năng tuần tra, cát tặc rút vòi bơm, xả cát xuống biển rồi chạy trốn về phía vùng biển 2 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Nhiều đối tượng còn lợi dụng hợp đồng mua bán, vận chuyển cát từ tỉnh, thành lân cận cho phương tiện chạy qua vùng biển Cần Giờ nhằm hút cát lậu. Nếu bị tuần tra kiểm soát họ lấy hóa đơn, chứng từ kèm hợp đồng có sẵn để đối phó.

Đại tá Phạm Hồng Dũng - Phó Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Các đối tượng lợi dụng có các hợp đồng với các doanh nghiệp về việc cung cấp nguồn khoáng sản cụ thể là cát san lấp, cát xây dựng. Các đối tượng lợi dụng giấy tờ hợp pháp đó chủ yếu để xoay vòng nhiều lần, khi chúng ta bắt phát hiện thì cung cấp giấy tờ. Trong quy định cũng có nói về cung cấp giấy tờ trong phạm vi 24 tiếng, mà đối tượng thường không mang theo giấy tờ ở trên phương tiện, khi bắt thì sẽ điện cho chủ doanh nghiệp, họ sẽ hợp thức hóa và cung cấp cho cơ quan chức năng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý".

 

Trước những diễn biến ngày càng khó lường của các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chỉ Bộ đội biên phòng là chưa đủ, cần có sự chung tay giữa các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh với vấn nạn khai thác cát trái phép.

"Một mình bộ đội biên phòng là chưa đủ, các cơ quan chức năng phải cùng chung tay vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống ngăn chặn khai thác cát trái phép. Đồng thời quản lý tốt nội bộ, không để cho cán bộ chiến sĩ tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực thì phải kiên quyết xử lý nghiêm minh".

Có thể thấy nhiều giải pháp được đề ra, tuy nhiên nó chỉ là những con chữ nằm im trên mặt giấy. Lúc này đây cần lắm những hành động quyết liệt, cụ thể từ phía các cơ quan chức năng, trong công tác đấu tranh với vấn nạn khai thác cát trái phép để bảo vệ nguồn tài nguyên khoán sản, trả lại sự yên bình cho người dân nơi đây!

Để “cát tặc” hết lộng hành

Vấn nạn khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra mới đây. Mà vốn đã tồn tại trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi tài nguyên khoán sản, đảo lộn đời sống của người dân. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan ban ngành đưa ra và thực hiện. Tuy nhiên hiệu quả vẫn là một dấu hỏi lớn.

Bộ đội Biên phòng TPHCM xử lý một sà lan bơm hút cát trái phép trên biển Cần Giờ. Ảnh: SGGP.

Tình trạng khai thác cát lậu ở TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua có lúc diễn ra rầm rộ, lúc im ắng nhưng không hề chấm dứt. Đến bất cứ khu vực có mỏ cát nào ở dọc các tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, nếu kiên trì theo dõi trong thời gian dài sẽ không ít lần bắt gặp những ghe tàu tổ chức bơm hút cát lậu, nhất là vào ban đêm. Nhiều người dân ở các cù lao, dọc các triền sông vì bức xúc, lo lắng đến sự an nguy của gia đình đã từng phải cắm lều, dựng bạt để canh “cát tặc” cả ngày lẫn đêm.

Việc khai thác cát tràn lan trái phép không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vốn có mà còn trực tiếp gây nên các hố xoáy dưới lòng sông. Các hố xoáy này sẽ thu nguồn nước, tạo ra các dòng chảy xiết khiến bờ sông bị xói lở với tốc độ cực nhanh, uy hiếp trực tiếp đến hàng triệu hộ dân đang sinh sống. Thực tế, ở khu vực phía Nam trong nhiều năm qua, các vụ sạt lở kinh hoàng, dẫn đến chết người và thiệt hại rất lớn về tài sản có nguyên nhân do nạn khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt, không kiểm soát.

Ở Tp Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam hiện nay, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng ngày càng cao, cát trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Việc khai thác cát lậu vì vậy vẫn diễn ra lúc công khai, khi lén lút;” cát tặc” không chỉ lộng hành mà còn rất hung hãn; đã có cán bộ đấu tranh với “cát tặc” hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nói như vậy để thấy đây thực sự là một mặt trận cần sự chung tay cùng hành động của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Có một thực tế là do sự không rõ ràng, nhất quán trong việc quản lý các dòng sông giữa các địa phương thời gian qua là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động.

Việc khai thác cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung vẫn tiếp tục diễn ra; các hội nghị liên tỉnh, liên vùng, liên ngành đã nhiều lần được tổ chức; lực lượng chức năng các địa phương vẫn ra quân nhưng xem hiệu quả vẫn chưa cao. Tình trạng khai thác cát lậu vẫn tồn tại nhức nhối.

Do vậy để đẩy lùi và tiến tới chấm dứt nạn khai thác cát trái phép, các địa phương cần hành động thực chất và quyết liệt hơn, không làm theo kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi. Theo đó, đối với các mỏ cát đã được cấp phép cần quản lý thật tốt, thậm chí là đấu thầu việc khai thác cát để vừa bảo đảm tính công khai minh bạch vừa tạo nguồn thu cho ngân sách lại tránh được việc khai thác cát bừa bãi, vô tội vạ làm cạn kiệt tài nguyên.

Trong công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép, cần kiên trì, kiên quyết và phối hợp hành động. Tổ chức các đợt tuần tra chung, xử lý liên ngành, liên địa phương; có phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; huy động sức dân, nhất là bà con ở các vùng bị ảnh hưởng tham gia tố giác, đấu tranh. Các “cát tặc” nếu có hành vi chống đối, hung hãn nếu đủ yếu tố cấu thành phải bị xử lý hình sự để đủ sức răn đe, không nhân nhượng. Cán bộ, công chức, tập thể và cá nhân, trong đó kể cả người có chức vụ lãnh đạo có biểu hiệu tiếp tay, bảo kê cho nạn khai thác cát trái phép phải bị vạch trần và xử lý, không có vùng cấm.

Về lâu dài cần huy động các nguồn lực để nghiên cứu, sản xuất ra các loại nguyên vật liệu mới thay thế cát trong xây dựng. Có làm được như vậy mới mong nạn khai thác cát trái phép chấm dứt, trả lại sự bình yên cho những dòng sông và người dân lưu vực./.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận