Thời gian qua Báo TNVN đã đăng loạt bài điều tra “Sự thật về mảnh đất của ông Thà”. Trong khi tìm hiểu, xác minh thông tin, phóng viên được người dân ở đây phản ánh về thực trạng bao chiếm và mua bán đất công diễn ra khá phổ biến ở xã Bình Kiều (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nguyên nhân do buông lỏng quản lý đất đai và cán bộ xã bao che sai phạm.
Những sai phạm “kêu trời không thấu”
Người dân ở Bình Kiều đã nói với chúng tôi về những oan khuất, về quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm mà nhiều năm qua “kêu trời không thấu”. Chính quyền che giấu sai phạm. Cán bộ xã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những người làm đơn khiếu nại, tố cáo bị “dằn mặt”. Sau đây là những vụ việc điển hình:
Câu chuyện thứ nhất: ông Nguyễn Tiến Thích - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Kiều bán (có giấy viết tay từ năm 1993) cho ông Nguyễn Khắc Thà 1 sào = 360m2 đất (trong đó có 176m2 là đất công). Gần 20 năm sau, ông Thà mới biết cán bộ xã bán cho ông có cả đất kênh mương thủy lợi. Ông Thà khởi kiện, ngày 21-6-2019 Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm thừa nhận ông Thích bán cả đất công cho ông Thà trong số 360 m2 đất. Hành vi của ông Nguyễn Tiến Thích lừa dối người khác thực hiện giao bán đất công đã quá rõ, nhưng Tòa án lại bỏ qua, không yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự theo trình tự tố tụng - chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Lãnh đạo xã biết rõ mà không xử lý ông Thích, không thu hồi lại tài sản của Nhà nước.
Câu chuyện thứ hai: Ông Nguyễn Hữu Giới được xã Bình Kiều cho thầu 5.144m2 ao, nhưng đảng viên Nguyễn Tiến Thắng (con trai ông Nguyễn Tiến Thích - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã) cướp 3,5 sào ao của ông Giới, đến mức độ 2 gia đình đánh nhau. Ông Giới kêu cứu nhiều năm nay không ai giải quyết.
Câu chuyện thứ ba: Bà Nguyễn Thị Chiều ở Đội 6, thôn An Cảnh mua 2 thửa đất của anh Nguyễn Như Hoành và bà Đặng Thị Lan tại Đội 9, thôn Ninh Vũ. UBND xã Bình Kiều xác nhận và sang tên cho bà Nguyễn Thị Chiều ngày 15/4/2006. Trong diện tích đất này có 115m2 ao xã đã bán cho anh Hoành và bà Lan. Thế nhưng, ông Nguyễn Tiến Phích (em trai ông Thích - Chủ tịch Hội CCB xã) đã san lấp toàn bộ diện tích 115m2 ao này và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Câu chuyện thứ tư: Ông Phạm Văn Nhần ở Đội 5 (là gia đình chính sách đang thờ cúng Liệt sỹ) đã được xã cho thầu 324m2 ao từ năm 1997, nhưng đến năm 2015, ông trưởng thôn lại cho ông Phạm Văn Mạnh (người cùng Đội 5) thuê thầu ao này thời hạn từ 2015 đến 2030 mà không có ý kiến gì với hộ ông Nhần. Ông Nhần nhiều năm gửi đơn nhưng chính quyền im lặng không giải quyết. Xã cho người này thầu thì người khác “cướp” đất, ao được giao thầu, là tình trạng khá phổ biến ở Bình Kiều. Xã làm ngơ, mặc khiếu kiện kéo dài?
Câu chuyện thứ năm: Ông Phan Văn Đôi ở Đội 5 nộp tiền mua đất của xã từ năm 2002. Tiền đã nộp đủ cho ông Hoàng Văn Hanh - cán bộ địa chính xã để mua 01 xuất đất diện tích 100m2. Suốt từ năm 2002 đến nay, UB xã không làm thủ tục cấp Giấy CNQSD đất cho gia đình ông Đôi. Lãnh đạo xã nói rằng, “trong sổ sách không có việc xã bán đất cho hộ ông Phan Văn Đôi”. Ông Đôi đang làm đơn tố cáo Hoàng Văn Hanh.
Câu chuyện thứ sáu: Ông Nguyễn Hữu Loan - phó Chủ tịch xã Bình Kiều chiếm dụng hơn 2.000m2 đất công trong nhiều năm. Dân tố cáo, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã ra kết luận yêu cầu thu hồi trả lại cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế gia đình ông Loan vẫn sử dụng diện tích đất bị thu hồi này. Lý do là sau khi thu hồi đất, xã giao cho Hội phụ nữ quản lý. Hội phụ nữ lại cho bà Hoàng Thị Khuyên (vợ ông Loan) thuê trồng cây.
Câu chuyện thứ bảy: Ông Hoàng Thanh Tốn - 73 tuổi là thương binh 2/4 ở thôn Ninh Vũ có thửa đất thổ cư 745m2 được thừa kế (trong đó có 72m2 đất ao và có ngõ đi ra đường thôn). Nguồn gốc thửa đất có 5 gian nhà thờ cổ từ trước năm 1954. Năm 1992, gia đình ông xây tường bao từ ngõ về đến đầu hồi nhà, ao được lấp để trồng cây lâu năm (nhãn, bưởi). Nhưng, bất ngờ, ngày 01/8/2014, ông Tốn nhận được giấy mời của xã, yêu cầu ông phải có mặt ở nhà, đúng 8 giờ 15 phút ngày 05/8/2014 để nhận, bàn giao mốc giới đất đai giữa gia đình với đất sân kho của HTX cũ. Đúng 8h45 phút ngày 05/8/2014, Chủ tịch xã Bình Kiều dẫn khoảng 200 người mang theo búa, cuốc, xẻng, dao xây... đến nơi ép ông Tốn ký vào một biên bản đã được viết sẵn để nhận mốc giới. Thấy có nội dung “…diện tích đất nhà ông Tốn đang quản lý và sử dụng (bao gồm cả bức tường bao xây năm 1992) là đất của tập thể”, ông Tốn nhất quyết không ký. Ngay lập tức, Chủ tịch xã Bình Kiều nhảy lên đạp đổ tường và ra lệnh đập phá, san phẳng toàn bộ tường bao nhà ông Tốn. Đập phá xong, lãnh đạo xã tự xác định mốc giới, chỉ đạo xây tường mới lấn sâu vào diện tích đất của gia đình ông Tốn, chiếm khoảng 250m2, xây bịt ngõ đi của gia đình ông Tốn. Nhiều năm, vợ chồng ông Tốn tuổi cao sức yếu cùng các cháu nhỏ vẫn phải bắc thang trèo tường để ra vào nhà.
Kết luận xong để đó
Vụ việc ông Thích bán đất công cho ông Thà chúng tôi đã phản ánh trong những bài trước. Chính quyền đẩy người dân ra Tòa, rồi Tòa không xem xét đầy đủ chứng cứ nên trách nhiệm được “đá lại” cho chính quyền.
Riêng vụ việc chính quyền xã chiếm đất hương hỏa của thương binh Hoàng Thanh Tốn, được biết là diện tích đất này đã được bán trái phép cho doanh nghiệp tư nhân. Ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch huyện Khoái Châu đã kết luận thừa nhận hành vi sai trái của Chủ tịch xã Bình Kiều. Nhưng kết luận xong để đó, không ai bị xử lý.
Hàng loạt sai phạm như kể trên là rất nghiêm trọng. Cán bộ xã còn coi thường pháp luật, hành xử theo kiểu xã hội, bất chấp dư luận, nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự. Qua điều tra được biết, nhiều cán bộ xã Bình Kiều bằng cấp không rõ ràng, học hành chấp vá, kê khai gian lận… Chủ tịch xã đang đương nhiệm xuất thân đạp xích lô, lái xe bò, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được tiến cử, mặc dù lãnh đạo huyện Khoái Châu biết rõ như vậy. Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà huyện Khoái Châu để hàng loạt cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn làm cán bộ xã ở Bình Kiều?
Bình Kiều muốn “bình yên” cần phải thay hàng loạt cán bộ.
Chúng tôi đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo huyện Khoái Châu và sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.