Từ 1/1/2020, luật Phòng, chống tác tại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, quy định cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.
Những quy định này hầu hết những người tham gia giao thông đều mong muốn từ lâu và nhiệt tình ủng hộ. Luật có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để xử phạt nghiêm khắc những người có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, kể là điều khiển xe đạp.
Bởi, không ai muốn phải chứng kiến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi tính mạng của nhiều người như trong thời gian vừa qua mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ rượu bia. Đa số những vụ tai nạn như thế này đều để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng bởi nhiều gia đình mất đi trụ cột kinh tế, con mồ côi cha mẹ và cha mẹ già mất đi chỗ nương cậy tuổi già…
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết thì chỉ riêng TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn….
Vì thế, nhiều người cũng không khỏi lo lắng, có luật rồi nhưng hiệu quả thực hiện sẽ như thế nào?
Phải khẳng định, chúng ta có một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định của pháp luật ở nhiều nơi, đôi lúc còn chưa nghiêm, khiến cho nhiều người có tâm lý nhờn luật. Điển hình trong việc thực hiện quy định về xử phạt vi phạm giao thông nhiều lúc chưa đồng bộ, chưa nghiêm, còn mang tính phong trào, hình thức. Có những thời điểm, CSGT thực hiện chiến dịch ra quân đảm bảo an toàn giao thông thì việc xử phạt các vi phạm giao thông được thực hiện nghiêm túc, nhưng hết chiến dịch, nhiều người tham gia giao thông lại vi phạm như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… vì đôi khi không bị xử phạt.
Cùng với đó, một bộ phận những người thực thi pháp luật chưa làm đúng chức trách, nhiệm vụ, vẫn còn nể nang, né tránh khi xử lý vi phạm, thậm chí có những trường hợp bảo kê, nhận tiền để bỏ qua vi phạm, trong đó có vụ nhóm CSGT ở TP Cần Thơ nhận 4,1 tỉ đồng bảo kê xe quá tải vừa bị khởi tố; hay hồi tháng 8/2019, hàng loạt cán bộ Thanh tra giao thông ở Hà Nội nhận tiền bảo kê “xe vua”…
Thứ nữa, cùng với việc thiếu thông tin về những quy định của pháp luật trong một bộ phận người dân thì ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn quá kém. Họ ngang nhiên vi phạm pháp luật, đến khi bị xử lý thì lại lấy “quan hệ”, hay “tiền tệ” ra mặc cả để được bỏ qua.
Vì thế, để Luật thực sự có hiệu quả, không còn cách nào khác là phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống và người dân. Trước hết, phải tuyên truyền mạnh mẽ các quy định của luật đến với tất cả mọi người. Trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có thể coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, ý thức của người lao động, để việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông trở thành thói quen trong mỗi người.
CSGT cần mở những đợt chuyên đề về kiểm soát người lái xe sử dụng rượu bia trên địa bàn thành phố. Việc này phải làm mạnh, liên tục và kiên quyết nói không với các biểu hiện “xin xỏ” của người vi phạm. Phải mạnh tay với các trường hợp vi phạm, xử lý đúng quy định của luật pháp, không có bất kỳ “vùng cấm” nào. Từ đó, người tham gia giao thông mới bỏ dần tư tưởng “nhờn” luật và họ có ý thức khi đã uống rượu thì không lái xe mà tìm đến các phương tiện công cộng hoặc đi taxi, xe ôm.
Cùng với đó, phải có các biện pháp tuyên truyền, thậm chí tiến tới có thể nghiên cứu biện pháp xử phạt những chủ nhà hàng có thực khách vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Có như thế, chủ nhà hàng, quán ăn với có ý thức, trách nhiệm đối với thực khách của mình. Họ phải coi đây là trách nhiệm của mình, khi thấy khách uống bia rượu thì nhắc nhở, khuyến cáo khách không lái xe. Thậm chí, nhà hàng có thể có đội ngũ nhân viên lái xe về nhà giúp khách như thường thấy ở nhiều nước.
Theo nghiên cứu mới công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010.
Vì thế, để từ bỏ một thói quen không hề dễ dàng, nhưng một khi chúng ta đã quyết tâm thực hiện với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống và người dân, thì chắc chắn mọi việc sẽ đi vào quy củ./.
Theo VOV.VN