UBND TP. Hà Nội lại phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bến xe này với thời hạn hoạt động là 50 năm. Hơn nữa, việc xây bến xe trên đường vành đai 3, cách bến xe Nước Ngầm chỉ hơn 1km không chỉ ngược với quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 mà còn gây nhiều lo ngại về ùn tắc giao thông.
Làm trước, xin sau và nhiều tranh cãi…
Triển khai Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngày 30/12/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7283/QĐ- UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần xe khách Thanh Trì. Quy mô của dự án, đầu tư đồng bộ bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe với diện tích 30.000 m2 với công suất khách tuyến cố định 800-1000 lượt/xe/ngày, giai đoạn đầu khai thác 400 lượt xe/ngàyđ; Công suất xe tải khoảng 200 xe. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Ngay sau khi có Quyết định số 7283 của UBND Thành phố Hà Nội, người ta đã thấy máy móc thiết bị, nhân lực được huy động để lấp hồ, san gạt mặt bằng, ép cọc, chuẩn bị thi công bến xe, bất chấp phản ứng của cư dân sinh sống xung quanh khu vực của dự án. Theo người dân, ba mặt của bến xe Yên Sở sát với khu dân cư đông đúc, khoảng cách chỉ đúng một bức tường như: Khu tái định cư X2A; Khu chung cư cao tầng HaTeCo và khu dân cư các làng Yên Sở, Sở Thượng. Mặt còn lại sát với khu trung tâm Thương mại Leparc Gamuda và Công viên Yên Sở. Như vậy, việc chấp thuận chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở có đảm bảo về cảnh quan, đảm bảo môi trường?
Đồng thời, Quyết định 7283, đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện chưa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, chưa công khai, minh bạch, gây lãng phí. Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trước đó, Hà Nội từng loại bỏ 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô, cách bến xe Yên Sở khoảng 2km vì thấy bất cập trong quy hoạch bến xe.
Theo Quy hoạch bến xe tới năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4. Nay, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bến xe khách liên tỉnh gần đường vành đai 3, thời gian hoạt động 50 năm trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen ùn tắc giao thông rõ ràng là không hợp lý, gây lãng phí, phá vỡ quy hoạch...
Ngày 28/5/2018, Ban cán sự đảng UBND Thanh phố Hà Nội mới có báo cáo số 219-BC/BCS gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc Báo cáo đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại phần nội dung quy hoạch các bến xe liên tỉnh, bên cạnh việc đề xuất quy hoạch mới 7 bến xe liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm, ngoài ra Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội còn đề xuất xây dựng bến xe Yên Sở tại vị trí giáp vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,2 ha trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch xây mới.
Ngày 31/7/2018, Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 1492/TB/TU, kết luận của Ban thường vụ Thành ủy về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau: Đồng ý chủ trương đối với đồ án Quy hoạch bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố. Đồng thời giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan: Tiếp thu đầy đủ các ý kiến đống góp của Hội nghị, hoàn thiện hồ sơ xin đóng góp của các Bộ, nghành liên quan và trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, thông qua theo đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành Phố.
Nhiều “sạn” khi ban hành quyết định
Theo tiến trình, ai cũng hiểu rằng sau khi Thành ủy Hà Nội đồng ý về mặt chủ trương với đồ án Quy hoạch bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050; trình HĐND, lấy ý kiến bộ, ngành liên quan thì việc triển khai xây dựng bến xe mới bắt đầu. Thế nhưng, ngay khi Quyết định số 7283/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 được ban hành thì trên thực địa người dân đã thấy nhiều phương tiện máy móc, thiết bị, nhân lực được triển khai rầm rộ thi công bến xe. Vậy đâu mới là chủ trương thực sự để xây dựng bến xe Yên Sở?
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong quy hoạch ghi rõ, quy hoạch bến xe Yên Sở là bến xe trung hạn, thế nhưng UBND TP Hà Nội lại phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở với thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng quyết định của UBND Thành phố Hà Nội đang “vượt quyền”, phá vỡ quy hoạch bến xe Yên Sở trong Quyết định 519 của Thủ tướng Chính Phủ?
Mới đây, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về việc xây dựng bến xe Yên Sở. Theo đó Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vị trí xây dựng bến xe Yên Sở cách ngã ba Pháp Vân gần 2km, nằm cạnh đường gom của đường vành đai ba, cạnh công viên Yên Sở, khu vực có nhiều dân cư, nhiều cơ sở giáo dục.
Khi bến xe hoàn thành đi vào khai thác sẽ có gần 1000 chuyến xe khách tuyến cố định hoạt động, kèm theo nhiều loại phương tiện khác như: Taxi, xe ôm, xe tải…, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Việc đặt vị trí bến xe khách có đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường?
Mặt khác, nếu thực hiện đúng Quyết định 519 của Thủ tướng Chính phủ, việc di chuyển các bến xe phía Nam ra vành đai 4 phải thực hiện thì việc đầu tư bến xe khách Yên Sở liệu có lãng phí?
Tại quyết định số 7283, về quy mô dự án đầu tư xây dựng đồng bộ bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe với diện tích 30.000 m2, với công suất xe khách tuyến cố định 800 – 1000 lượt/ngàyđ; công suất xe tải 200 xe. Tuy nhiên, quy chuẩn quốc gia về bến xe khách hiện nay phải tuân thủ Thông tư 49/2012/TT-BGTVT, ngày 7/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GT-VT; còn với Bến xe ô tô hàng (Bãi đỗ xe) được thực hiện theo Thông tư 63/2014/TT- BGTVT, ngày 7/11/2014. Như vậy, việc xây dựng bến xe khách Yên Sở đồng thời là bến xe tải có phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bến xe, bãi đỗ xe?
Còn theo báo cáo của Sở KH-ĐT, khu đất dự án bến xe Yên Sở trước đây quy hoạch là bến xe tải Thanh trì và được thông báo mời thầu mở rộng bến xe tải Thanh Trì từ năm 2014. Thế nhưng, khi chuyển sang làm bến xe khách thì không thông báo lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ định cho doanh nghiệp - Công ty cổ phần bến xe Thanh Trì mới thành lập trước đó được năm tháng mười tám ngày (theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0107504144 do phòng đăng ký kinh doanh – Sở KH&DT Hà Nội cấp lần đầu ngày 12/7/2016).
Box:
Ngày 31/8/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn số 8230/VPCP–CN, gửi UBND TP Hà Nội, về việc đầu tư xây dựng Bến xe khách Yên Sở. Theo đó, xét báo cáo của UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh đình Dũng có ý kiến như sau: UBND Thành phố Hà Nội triển khai đầu tư Bến xe khách Yên Sở theo thẩm quyền, đúng quy hoạch đã được phê duyệt và quy định của pháp luật, đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường và bảo đảm công khai, minh bạch, không gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.