Xử lý nghiêm những người thông tin sai lệch về dịch Covid-19

Người đưa thông tin giả, tin sai, đặc biệt là người nổi tiếng, sẽ làm cho những tin này lan truyền nhanh, có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự...

 

Trong khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra đang có những diễn biến hết sức phức tạp, các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Trong đó là rất nhiều thông tin sai lệch trên facebook, cùng với không ít người vô tư chia sẻ những thông tin không được kiểm chứng đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Nghệ sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh Corona lên tài khoản facebook cá nhân. (Ảnh chụp màn hình facebook cá nhân).

3 nghệ sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt 10 triệu đồng mỗi trường hợp do đã đưa lên facebook những thông tin không đúng về dịch bệnh corona khiến dư luận hoang mang; 14 tài khoản facebook cá nhân khác tại TP.HCM cũng đã bị xử lý.

Những thông tin không đúng về bệnh dịch, nhất là từ các nghệ sỹ nổi tiếng không những gây ảnh hưởng xấu đến dư luận mà còn làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Chủ tài khoản facebook Lưu Bình, ngụ phường 9, quận Phú Nhuận chia sẻ: "Là người nổi tiếng, càng phải cẩn trọng trong lời nói. Khi đưa thông tin nào phải xem xét có chính xác hay không. Thông tin tiêu cực cũng không nên đăng lên nhiều, vì không giúp ích được gì, mà có khi làm dư luận hoang mang".

Dịch bệnh corona có tính chất toàn cầu, nhưng nhiều người chưa hiểu hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này nên có thái độ thờ ơ, thậm chí mang chuyện dịch bệnh ra đùa cợt, lợi dụng tình trạng dịch bệnh để câu like, thu hút người theo dõi trang cá nhân để trục lợi... Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, mỗi cá nhân cần phải ý thức rằng, đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Đặc biệt, từ tháng 4/2020, khi Nghị định 15 có hiệu lực pháp luật thay thế Nghị định 74 thì hành vi chia sẻ bài viết, thông tin sai sự thật bị xử phạt 30 triệu đồng theo điều 101. Còn đối với hành vi đưa tin trái phép trên mạng internet, mạng viễn thông làm náo loạn dân cư hoặc gây ảnh hưởng dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức cá nhân bị đình trệ hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội có thể bị xử lý hình sự tại điều 258 và hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Trang Facebook cá nhân tên là Nguyễn Mai N, trú xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đưa thông tin bịa đặt phun thuốc ngừa dịch corona trên toàn quốc.

Mạng xã hội có tính chất cộng đồng, mỗi cá nhân đưa thông tin giả, tin sai, đặc biệt là những người nổi tiếng đưa tin thì thường thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bình luận, lượt chia sẻ, sẽ làm cho những tin này lan truyền nhanh, có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, nếu thông tin gây hoang mang, kích động... sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, khiến nhiều người sợ hãi mà có những phản ứng tiêu cực, đe dọa an toàn xã hội. Xử lý nghiêm những hành vi này và những người nổi tiếng phải ý thức cao về sức ảnh hưởng của mình, là điều mà ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM nhấn mạnh.

"Chúng tôi đã xử lý nghiêm theo quy định pháp luật vì mỗi ý kiến, tiếng nói, bình luận của những người nổi tiếng này tác động vô cùng to lớn. Những người có sức ảnh hưởng xã hội, những có uy tín trên không gian mạng phải có trách nhiệm với cộng đồng và phải có ý thức cao trong việc sử dụng mạng xã hội", Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM nêu rõ thêm.

Để giảm thiểu tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, người dùng mạng xã hội cần được trang bị kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt tin thật, tin giả, không vội vàng tin ngay vào thông tin trên mạng xã hội. Mỗi người cần bình tĩnh, kiểm chứng, xác minh lại thông tin từ các nguồn chính thống là các phát ngôn trên báo chí, thông tin trên website của cơ quan, tổ chức. Đơn cử, trong bối cảnh dịch bệnh corona đang diễn biến phức tạp, việc người dân có ý thức cao khi chia sẻ những thông tin về dịch bệnh cũng góp phần cho việc phòng chống dịch bệnh./.

Theo Mai Cát/VOV-TPHCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận