Sản xuất khẩu trang giả: Xử lý nghiêm để không tái diễn

Hành vi làm giả khẩu trang y tế có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 185/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở có hành vi làm giả khẩu trang y tế. Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 để sản xuất khẩu trang y tế giả trục lợi là một hành vi đáng bị lên án. Bởi, ngoài việc xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc sản xuất khẩu trang y tế giả, không đáp ứng các tiêu chuẩn y tế sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đối với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Nhà nước trở lên khó khăn hơn.

Công ty TNHH Việt Hàn thay lớp kháng khuẩn bằng giấy vệ sinh. (Ảnh chụp từ clip)

Cần kiểm soát tốt hơn việc sản xuất

Cụ thể, ngày 13/2, Đội QLTT số 1 phối hợp với Tổng Cục QLTT, Công an TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn. Tại đây, cơ quan quản lý thị trường phát hiện, số khẩu trang được gắn mác là khẩu trang y tế có lớp kháng khuẩn… nhưng thực chất lõi lại được làm từ giấy vệ sinh. Được biết, cơ sở này đã sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh từ ngày mùng 2, 3 Tết Nguyên đán Canh Tý và đã bán một số lượng lớn ra thị trường.

Gần đây, ngày 25/2 cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế của ông B.V.Đ, khối Dốc Cao, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ trên 30.000 chiếc khẩu trang giả mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp và không có lớp kháng khuẩn. Được biết, trước đó cơ sở của ông Đ là lò mổ gia súc....

Báo cáo đến ngày 25/2 của lực lượng Quản lý thị trường cả nước tính từ ngày ra quân 31/1 đến nay, lực lượng đã xử lý 5.152 vụ, tạm giữ 26.400 chiếc khẩu trang các loại, nâng tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên trên 1.5 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, dư luận vô cùng bức xúc, nhiều người dân cho rằng, hành vi lừa đảo, sản xuất khẩu trang y tế giả cần được ngăn chặn tận gốc và kẻ chủ mưu phải bị nghiêm trị trước pháp luật.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị công nghệ Phú Thành cho rằng, thời gian gần đây muốn mua khẩu trang rất khó vì nhu cầu của người dân tăng. Nhưng qua phương tiện truyền thông, thấy người ta nói vừa bắt mấy cơ sở sản xuất khẩu trang giả, lại dùng giấy vệ sinh thay lớp kháng khuẩn thì vô cùng búc xúc. Theo anh Thùy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thế này mà chẳng may mua phải khẩu trang giả thì hậu quả khôn lường, nhất là với trẻ nhỏ. Anh Thùy mong Cơ quan quản lý thị trường cần siết chặt quản lý để người dân đỡ thiệt thòi.

Cơ sở sản xuất khẩu trang y tế của ông B.V.Đ tại Nghệ An.

Còn chị Nguyễn Thị Thu, một người dân ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, sản xuất khẩu trang giả là hành động không có đạo đức kinh doanh. Trong khi dịch đang hoành hành thế này thì việc tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn là cần phải nghiêm ngặt. Nhưng bỏ qua điều đó, những nhà sản xuất đã trục lợi trên chính sức khoẻ và tính mạng của con người. Chị Thu mong rằng, họ cần phải chịu hình phạt thích đáng

Sản xuất khẩu trang giả có thể bị xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội.

Luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sự JVN, đoàn luật sư Hà Nộị cho rằng, mặc dù phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn với số lượng thu giữ lớn nhưng hầu hết các vụ việc mới chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa có vụ việc nào bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015, sửa đổi 2017.

Luật sư Hiển cho biết, gần đây, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội có văn bản đề nghị xử lý hình sự công ty TNHH Việt Hàn (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) về hành vi sản xuất khẩu trang giả. Qua đây cho thấy sự kiên quyết trong việc đấu tranh chống lại hoạt động sản xuất khẩu trang giả. Theo luật sư Hiển, mặc dù, việc các cơ quan chức năng có quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của đối tượng vi phạm và kết quả xác minh của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc làm này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng sản xuất hàng giả nói chung và sản xuất khẩu trang giả nói riêng hãy chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật.

Người dân cần tỉnh táo lựa chọn

Hiện nay nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế vẫn tiếp tục tăng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi mua hàng trên online, cần kiểm tra kỹ thông tin các tài khoản, lựa chọn địa chỉ uy tín, có công khai thông tin danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch. Bên cạnh đó, hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán.

Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan này khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân cũng nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận