Thái Nguyên: Môi trường bị 'bức tử' vì năng lực thẩm định?

  • 18/03/2020 05:10:10
  • Ánh Phương- Thanh Lan
  • Pháp luật
  • 0

Thiếu tiêu chí quan trọng là tiếng ồn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho rằng 'thiếu sẽ bổ sung, không vấn đề gì cả'...

 

Viết tiếp bài: “Thái Nguyên: Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc bị “tố” gây ô nhiễm môi trường”:

Môi trường bị “bức tử” vì năng lực thẩm định?

Mặc dù có đến 10-11 thành viên là các chuyên gia về môi trường thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng lại thiếu tiêu chí quan trọng là tiếng ồn. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho rằng “thiếu sẽ bổ sung, không vấn đề gì cả”, còn đơn vị tư vấn lặng im...

 “Thiếu và sẽ bổ sung, không vấn đề gì cả”

Như thông tin Báo TNVN đã đưa, nhiều người dân sinh sống tại tổ 2, phường Phú Xá, TP.Thái Nguyên gửi đơn thư phản ánh việc Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc xả khói bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc nằm trong khu dân cư tổ 2, phường Phú Xá, Thành phố, Thái Nguyên nhưng trong Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1504 ngày 27/06/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên không hề đề cập đến hạng mục đánh giá ô nhiễm tiếng ồn. Ngạc nhiên hơn, tại Báo cáo kết quả quan trắc môi trường đợt 2/2019 của Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc, tại hạng mục cần quan trắc cũng không hề có mục quan trắc ô nhiễm tiếng ồn. Trong khi đó, đối với các xưởng, nhà máy sản xuất gỗ thì tiêu chí tiếng ồn là tiêu chí rất quan trọng. Để tìm hiểu lý do tại sao tiêu chí đánh giá ô nhiễm tiếng ồn lại không được đưa vào trong Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1504 ngày 27/06/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thái Nguyên.

Tại buổi làm việc có ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Thế Giang Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên. Trả lời câu hỏi của phóng viên, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc nhưng không có tiếng ồn, mà tiếng ồn của xưởng gỗ là 1 trong những tiêu chí hàng đầu phải có, lý do vì sao lại không có?. Ông Nguyễn Thế Giang khẳng định: “Trước hết tôi cảm ơn các bạn đã phát hiện ra điều này, cái này tôi sẽ cho cơ quan chuyên môn kiểm tra lại. Nếu như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phần quan trắc giám sát này trong báo cáo đánh giá tác động môi trường có cái chương để giám sát các thông số báo cáo đánh giá môi trường mà thiếu cái này tôi sẽ yêu cầu bổ sung vào, cái này hoàn toàn có thể bổ sung được, không vấn đề gì cả. Chắc là nếu thiếu trong quá trình biên tập hay biên soạn gì đấy thôi, còn nguyên tắc những nội dung này trong những dự án về sản xuất công nghiệp thì đều phải có tiếng ồn, nhất là các loại hình như cơ khí, chà nhám... Thời điểm nay tôi chưa phụ trách nhưng để tôi kiểm tra lại cái nội dung này, nếu thiếu thì tôi yêu cầu bổ sung ngay”.

Điều kỳ lạ là trong quá trình thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án xây dựng nhà máy sản xuất ván gỗ dán Việt Bắc, theo lời ông Giang, trong báo cáo tác động môi trường có hẳn một chương về quan trắc giám sát những cái gì xây dựng bảo vệ môi trường phải làm. Báo cáo này do hội đồng thẩm định của tỉnh giao cho Sở TNMT tổ chức họp thẩm định. Các thành viên tổ thẩm định gồm 10-11 thành viên là các chuyên gia về môi trường. Sau khi thẩm định, yêu cầu chỉnh sửa xong thì Sở TNMT sẽ trình lên UBND tỉnh phê duyệt nội dung báo cáo tác động môi trường này. Hay nói cách khác phải qua nhiều khâu, nhiều người thẩm định thì Dự án mới được phê duyệt.

Quy trình rất chặt chẽ với nhiều khâu kiểm soát của Sở TNMT và hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia về môi trường, nhưng không hiểu sao lại để “lọt” tiêu chí quan trọng này? Việc để “lọt” tiêu chí quan trọng như vậy của cơ quan chuyên môn đứng đầu tỉnh về môi trường khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực quản lý của cơ quan này cũng như năng lực chuyên môn của các thành viên thẩm định. Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu như không có sự phát hiện kịp thời của phóng viên liệu việc thiếu tiêu chí quan trọng này sẽ kéo dài đến bao giờ và ai là người chịu trách nhiệm?

Tiếp tay “bức tử” môi trường?

Với câu hỏi, theo Báo cáo kết quả quan trắc môi trường đợt 2/2019 của Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc, các tiêu chí khí thải, tiềng ồn, mùi... đều đạt trong khi đó người dân lại khiếu nại về tiếng ồn, mùi... của công ty này, vậy kết quả quan trắc do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Thái Nguyên (Trung tâm), thực hiện đúng hay sai?  

Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở TNMT khẳng định, về kết quả này Sở TNMT không chịu trách nhiệm về kết quả này, đây là kết quả tự doanh nghiệp quan trắc để báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trung tâm được Bộ TNMT cấp phép cho hoạt động quan trắc thì có quyền ký hợp đồng với bất kỳ doanh nghiệp nào cần quan trắc hoặc là có liên quan đến quan trắc môi trường và báo cáo quan trắc sử dụng cho mục đích gì là tùy thuộc chủ đầu tư. Trong trường hợp này, Công ty ván ép Việt Bắc ký hợp đồng với Trung tâm để Công ty lấy kết quả đó báo cáo Sở TNMT, Sở TNMT sẽ xem xết kết quả này nhưng không đánh giá mức độ chính xác của nó. “Ông bỏ tiền ra ông quan trắc, những cái kia các ông làm với nhau ở đâu tôi không giám sát thì làm sao tôi biết các ông có làm hay không? Hiện nay có khoảng hơn 200 đơn vị thực hiện việc quan trắc, đây cũng là vấn đề chúng tôi rất đau đầu khi kết quả quan trắc báo lên làm đẹp của các đơn vị. Và kết quả kiểm tra, xử lý, xử phạt không bao giờ dựa vào cái này”, ông Giang nói.  

Trụ sở làm việc của Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên

Tại Báo cáo kết quả quan trắc môi trường đợt 2/2019 (Báo cáo), do ông Nguyễn Minh Tùng, Giám đốc Trung tâm ký thì lượng nước sản xuất mà Công ty cổ phần ván ép Việt Bắc sử dụng 150m3/ngày, tương đương 45000m3 nước/năm, còn nước thải sinh hoạt của công ty này chỉ có 30m3/ngày. Tuy nhiên tại Báo cáo, Trung tâm chỉ lấy mẫu kiểm tra nước thải sinh hoạt mà không lấy mẫu kiểm tra nước sản xuất, chỉ tiêu tiếng ồn cũng không được Trung tâm này đưa vào quan trắc. Trong khi đó, Trung tâm là đơn vị được cấp phép để quan trắc môi trường lại bỏ qua rất nhiều chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường quan trọng như tiếng ồn, nước thải... Để có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Minh Tùng, Giám đốc Trung tâm. Song trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông này cho biết, “chúng tôi chỉ làm việc với báo chí khi có sự chỉ đạo của Sở(?)”.

Tại buổi làm việc của phóng viên với lãnh đạo sở thì ông Giang cho biết, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Thái Nguyên là đơn vị hoạch toán thu chi độc lập. “Tỉnh không trả tiền lương mà đơn vị tự chủ, tự kiếm hợp đồng về, tự nuôi quân”. Vậy, kết quả thiếu các thông số quan trọng trong Báo cáo quan trắc do ông Nguyễn Minh Tùng giám đốc Trung tâm ký là do năng lực Trung tâm yếu hay là do mục đích làm đẹp hồ sơ như ông Giang đã đề cập ở trên? Dù là năng lực hay làm đẹp Báo cáo cho doanh nghiệp cũng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng kiểm tra năng lực, động cơ hoạt động của doanh nghiệp này. Bởi vô tình hay cố ý thì việc làm này đã tiếp tay góp phần “bức tử” môi trường. Liệu có nên để những Trung tâm như thế này tồn tại hay không?. Đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm vào cuộc xác minh!.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận