Bài 4- Dự án hết hạn sao vẫn tồn tại trái pháp luật?

Nếu như không có tay trong của chính quyền 'hư cấu và đạo diễn' thì làm sao xã có văn bản trình lên để cấp, duyệt Dự án VAC cho hộ ông Mô (!?).

 

Không chỉ qua mặt các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất (Hà Nội) về việc khai báo diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mô tiến hành xây dựng trái phép công trình nhà ở kiên cố trên phần đất dự án VAC. Điều khó hiểu là dự án VAC với nhiều sai phạm và đã hết thời hạn từ tháng 10/2013, nhưng vẫn chưa bị UBND huyện Thạch Thất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cán bộ xã dẫn Phóng viên đến dư án VAC của hộ gia đình ông Mô bà Minh

Khai báo gian dối?

Ngày 15/1/2007, bà Nguyễn Thị Minh (vợ ông Mô) làm đơn “Xin chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng” của 3 thửa đất nông nghiệp (trồng lúa) tại xứ đồng Cửa hàng, chuyển sang mô hình VAC (trang trại vườn cây ao cá).

Làm đơn được 14 ngày thì đến ngày 29/1/2007, bà Minh “vẽ” Dự án - xây dựng vườn cây, đào ao thả cá, chăn nuôi gà gửi chính quyền địa phương. Gia đình ông Mô khẳng định và cho rằng: “Khu đất xin chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thuộc khu Rộc cửa hàng, xã Kim Quan với diện tích 960m2, gồm 3 thửa (360+288+312) là đất ruộng trũng giáp với khu dân cư khó khăn cho việc cấy lúa là quỹ đất 1 gia đình đang sử dụng”.

Thực tế ba thửa ruộng này, gia đình ông Mô mua và chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Chiu 360m2; ông Lê Văn Hà 288m2; bà Đỗ Thị Tích 312m2 và mua thêm của ông Đỗ Văn Tích 480m2 đất trồng lúa (riêng thửa ruộng này thời hạn sử dụng đến hết ngày 15/10/2013). Như vậy, tổng diện tích đất ruộng chuyển sang VAC là: 1.440m2, chứ không phải là 960m2 như ông Mô bà Minh khai báo. Thêm một sự gian dối nữa là toàn bộ việc mua, bán ruộng này đều diễn ra vào tháng 9 và 10 năm 2007. Nhưng khi “vẽ” dự án 1/2007 để xin chuyển đổi, bà Nguyễn Thị Minh lại khẳng định là quỹ đất của gia đình bà đang sử dụng. Tại thời điểm kê khai, gia đình ông Mô cũng chưa có 3 thửa ruộng này (!?).

Lập dự án VAC rồi hợp thức hóa đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở kiên cố trái pháp luật

Ngày 10/8/2007, UBND xã Kim Quan đã vội vàng lập một Biên bản không số “Xét duyệt dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp” cho “Hộ ông Nguyễn Thị Minh (vội đến mức hộ bà thì viết thành hộ ông - PV), diện tích xin chuyển đổi 960m2. Quy hoạch: 500m2 thả cá, 400m2 trồng cây ăn quả, 60m2 chuồng trại. Hội nghị hoàn toàn nhất trí với dự án của gia đình ông Mô… Thời gian chuyển đổi là 5 năm. Trong quá trình thực hiện yêu cầu chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước, không làm ảnh hưởng tới các diện tích liền kề. Nếu vi phạm phải bồi thường 100%”. Văn bản này có đầy đủ chữ ký và 3 con dấu: Đảng ủy, HĐND, UBND xã Kim Quan. Tại thời điểm này chính quyền xã quá hiểu và quá biết hộ bà Minh ông Mô không có 960m2 đất nông nghiệp (nêu trên) mà vẫn “nhắm mắt” quyết định để làm căn cứ trình lên các cấp. Quả thực, nếu như không có bàn tay trong của chính quyền xã “hư cấu và đạo diễn” thì làm sao xã có văn bản ngày 10/8/2007 (!?).

Với góc nhìn này thì ai cũng đoán được về quy mô mà ông Mô đã toan tính biến đất trồng lúa thành nhà vườn cho riêng gia đình ông tại xã Kim Quan, Thạch Thất (Hà Nội)

Tức tốc ngày 15/8/2007, UBND xã Kim Quan làm ngay Tờ trình gửi: UBND huyện Thạch Thất, Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT với nội dung: “…Căn cứ hội nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã Kim Quan họp ngày 10/8/2007 xét duyệt đơn, dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp. Nay UBND xã Kim Quan lập tờ trình xin chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang chăn nuôi thả cá, trồng cây ăn quả cho hộ bà Nguyễn Thị Minh trú quán thôn 84, xã Kim Quan, tổng diện tích xin chuyển đổi 960m2 vì cấy lúa hàng năm kém hiệu quả…”.

Ngày 5/12/2007, Phòng NN&PTNT huyện Thạch Thất có tờ trình số 114 gửi UBND huyện Thạch Thất. Một điều rất khó hiểu, Phòng NN&PTNT lại tiến hành thẩm định dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại khu vực Đồng Bầu xã Kim Quan của bà Nguyễn Thị Minh, thế nhưng lại trình UBND huyện xem xét phê duyệt dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại khu Cửa hàng xã Kim Quan? Diện tích đất nông nghiệp thực hiện dự án 960m2 (là Quỹ đất I); Thời hạn thực hiện dự án đến ngày 15/10/2013.

Ngày 31/12/2007, UBND huyện Thạch Thất Quyết định phê duyệt dự án VAC cho hộ bà Nguyễn Thị Minh: Tổng diện tích đất nông nghiệp xin chuyển đổi 960m2; Địa điểm thực hiện dự án tại khu vực Cửa hàng, xã Kim Quan, Thạch Thất, Hà Tây; Vị trí ranh giới diện tích loại đất căn cứ vào bản đồ địa chính được xác lập năm 1986; Thời gian thực hiện dự án đến 15/10/2013.

Ô Mô với nét mặt buồn giàu bên cạnh Công trình sai phạm XD trên đất dự án VAC

Dự án nhiều sai phạm

Ngày 27/4/2006, UBND huyện Thạch Thất ra Quyết định số: 553/2006/QĐ-UBND quy định rất rõ: “…Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng tới sản xuất diện tích của các hộ liền kề; Các mô hình chuyển đổi chỉ được làm nhà cấp 4 để bảo vệ tài sản với diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 20m2. Nghiêm cấm việc lợi dụng chuyển đổi mô hình sản xuất để xây dựng các công trình kiên cố, xây dựng nhà ở… Trong thời gian thực hiện dự án nếu chủ dự án thực hiện không đúng quy định phải hủy quyết định phê duyệt hoặc hết thời hạn thực hiện thì chủ dự án phải tự tháo dỡ công trình đã xây dựng. UBND xã và Phòng NN&PTNT có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra chủ dự án thực hiện đúng theo quyết định đã được duyệt. Trường hợp chủ dự án thực hiện sai các nội dung của dự án chuyển đổi, UBND xã, thị trấn kịp thời ngăn chặn và yêu cầu chủ dự án điều chỉnh theo đúng dự án. Nếu không chấp hành, UBND xã lập biên bản xử phạt hành chính và kịp thời cưỡng chế các vi phạm, đồng thời hoàn thiện thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Từ nhiều văn bản như: hướng dẫn, hợp đồng, quyết định phê duyệt dự án cho hộ bà Nguyễn Thị Minh tại thôn 84, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất thì thấy rằng có hàng loạt sai phạm, cụ thể là: Diện tích được phê duyệt là 960m2, trên thực tế là gần 1500m2; Khi trình dự án hộ bà Minh ông Mô cam kết xây dựng chuồng trại chăn nuôi bằng khung tre gỗ lợp lá cọ, nhà bảo vệ thì tận dụng nhà ở có sẵn của gia đình.

Công trình XD nhà bảo vệ phục vụ sản xuất, nhưng thực tế là nhà ở kiên cố

Theo quy định công trình xây dựng phục vụ hỗ trợ sản xuất chỉ được xây dựng bằng vật liệu dễ tháo dỡ… Thế nhưng, hộ gia đình bà Minh ông Mô lại xây dựng nhà kiên cố 2,5 tầng (bằng bê tông, cốt thép) để làm nhà ở. Quy định đối với quy mô dự án từ 1.000m2 đến dưới 10.000m2 chỉ được phép xây dựng công trình hỗ trợ sản xuất không quá 20m2. Nhưng dự án của hộ ông Mô bà Minh chỉ có 960m2 lại xây dựng tới gần 50m2. Thời hạn của dự án đến ngày 15/10/2013, đến nay hơn 7 năm vẫn ngang nhiên tồn tại chưa thu hồi. Tại dự án này không biết có sự thông đồng của chính quyền UBND xã Kim Quan và phòng NN&PTNT huyện Thạch Thất hay vì sự buông lỏng quản lý mà dự án VAC hết hạn năm 2013, nhưng đến năm 2017 ông Mô lại xây dựng được nhà ở kiên cố 2,5 tầng trên đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án VAC(!?).

Như vậy phải khẳng định rằng, dự án VAC của hộ gia đình ông Mô bà Nguyễn Thị Minh thực hiện không đúng mục đích, không chấp hành đúng chủ trương, chính sách của nhà nước, quy định của địa phương… nên không thể chấp nhận thuộc diện được xem xét để tiếp tục gia hạn cho dự án. Qua đây có thể thấy, hộ gia đình ông Mô đã lợi dụng chính sách của nhà nước, mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép nhằm thực hiện ý đồ lập dự án VAC để chính quyền hợp thức hóa cho gia đình, xây dựng công trình nhà ở kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp.

Nhìn từ trên xuống mới thấy rõ cánh đồng lúa đã bị hộ gia đình ông Mô hợp thức hóa đất nông nghiệp từ dư án VAC để XD nhà ở trái phép

Pháp luật đã quy định, chủ dự án sử dụng đất không đúng mục đích, làm thay đổi hiện trạng của dự án đã được phê duyệt, lợi dụng chủ trương, chính sách của nhà nước, các quy định của địa phương thì các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật; Chủ dự án phải tự tháo dỡ công trình đã xây dựng, san lấp ao và trả lại hiện trạng mặt bằng đất nông nghiệp theo nguyên trạng ban đầu (không được bồi thường hỗ trợ).

Quy định của pháp luật là rõ ràng, nhưng thật khó hiểu tại sao chính quyền huyện Thạch Thất lại để một dự án với nhiều sai phạm tồn tại trái pháp luật hơn 7 năm nay, thách thức dư luận, thách thức pháp luật.

Báo Tiếng nói Việt Nam tiếp tục làm việc với chính quyền các cấp để làm rõ trách nhiệm - vai trò quản lý Nhà nước đối với dự án VAC này./..

Quốc Hưng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận