Để nhận được lời xin lỗi và cải chính công khai từ các cơ quan pháp luật, cô giáo Lê Thị Huyền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã trải qua quãng thời gian gần 29 năm kiên trì đội đơn kêu oan khắp nơi với lời tự động viên: “Tôi vẫn còn... niềm tin”.
Chuyện người trong cuộc
“Tôi vẫn còn... niềm tin” là lời kết của lá đơn kêu cứu khẩn cấp được bà Lê Thị Huyền viết ngay tại tòa soạn Báo Tiếng nói Việt Nam, cũng là tiêu đề bài điều tra của nhà báo Đoàn Quang (bút danh Quang Minh) viết gửi đến cơ quan pháp luật tỉnh Nam Định bởi “để khỏi mang tiếng là kẻ vô tình” 15 năm trước (2004). Bài báo nêu rõ: “Theo điều 240, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ tội “Không chấp hành án”: Người phạm tội này phải là cố ý không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Đó là dấu hiệu pháp lý đặc trưng, không thể thiếu của tội này. Chiếu vào vụ án của cô giáo Huyền thì thấy: Các cơ quan pháp luật chưa hề ra một quyết định “cưỡng chế cần thiết” nào đối với cô giáo Huyền. Chính vì vậy, cô giáo Lê Thị Huyền không thể bị coi là phạm tội “không chấp hành án””.
Bà Lê Thị Huyền chia sẻ: “Bài báo “Tôi vẫn còn... niềm tin” và 2 bài tiếp theo của nhà báo Đoàn Quang đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam là tài liệu, là căn cứ pháp lý tôi mang theo trong suốt năm tháng dài đi kêu oan. Tôi đã photocopy bài báo thành hàng trăm bản để gửi kèm hồ sơ kêu oan đến đầy đủ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương”.
Trong ký ức của mình, bà Lê Thị Huyền không thể nào quên được ngày 5/7/1991 khi bà đang dạy học thì Công an huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đến đọc quyết định khởi tố bị can về tội “Không chấp hành án” theo điều 240, Bộ luật Hình sự năm 1985. Bản án mà cô giáo Lê Thị Huyền được cho là “không chấp hành” là bản án dân sự phúc thẩm ngày 17/12/1988 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Hà Nam Ninh đã tuyên buộc bà Lê Thị Huyền phải trả cho bà Huê số vàng 8,85 chỉ (vàng 10 tuổi). Ngày 13/12/1991, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Xuân Thủy phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với cô giáo Lê Thị Huyền.
Rồi phiên tòa sơ thẩm hình sự của TAND huyện Xuân Thủy được mở ra và tuyên phạt Lê Thị Huyền 6 tháng tù giam về tội “Không chấp hành án”. Cho rằng mình không phạm tội, cô giáo Huyền làm đơn kháng án. Ngày 22/2/1993, TAND tỉnh Nam Hà đã mở phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm hình sự ngày 22/01/1992 của TAND huyện Xuân Thủy đối với bà Lê Thị Huyền để điều tra xét xử lại từ giai đoạn đầu, với hội đồng xét xử khác. Đồng thời ra quyết định trả tự do đối với bà từ ngày 06/05/1992.
Nhưng sau đó không hề có một phiên tòa nào khác nữa. Bởi, ngày 15/06/1997 Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã có công văn đề nghị VKSND huyện Xuân Thủy ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự; ngày 22/07/1997, VKSND huyện Giao Thủy ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Lê Thị Huyền về tội “Không chấp hành án” với lý do được “Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”(?!). Kèm theo 2 văn bản pháp lý lạnh lùng, bà Huyền được giải thích, bà chỉ được miễn truy cứu thôi, chứ bà không oan.
“Tôi là giáo viên, khi bị bắt không có ý kiến gì với phòng giáo dục; khi trả về dạy học cũng không có ý kiến gì; lại còn bảo là tôi không oan”, bà Lê Thị Huyền uất ức. Không còn cách nào khác, bà lao vào hành trình kêu oan dài dằng dặc. Bà viết đơn và gõ cửa các cơ quan tố tụng, kể cả VKSND Tối cao, TAND Tối cao và nhiều cơ quan Trung ương khác để kêu oan.
Và công lý cuối cùng đã giúp cô giáo Lê Thị Huyền, sinh năm 1952, nở nụ cười khi chỉ còn 2 năm nữa là bà tròn tuổi 70. Ngày 15/01/2020, Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can sai trái nêu trên của VKSND huyện Xuân Thủy. Ngày 22/01/2020, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Lê Thị Huyền với lý do “Hành vi thực hiện của bà Huyền không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Quyết định trên cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan tố tụng cách đây gần 29 năm đã bắt tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử và kết án cô giáo Lê Thị Huyền 6 tháng tù về tội “Không chấp hành án” là oan sai.
Trên báo Nam Định, “Văn bản xin lỗi và cải chính công khai” đối với bà Lê Thị Huyền của VKSND huyện Giao Thủy đã được đăng tải theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị oan.
Mong muốn không còn chuyện tương tự
Ngày 25/3/2020, tại Nhà Văn hóa xã Giao Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã diễn ra buổi xin lỗi công khai đối với bị oan Lê Thị Huyền. Cùng với đại diện lãnh đạo xã và các ban, ngành đoàn thể xã Giao Thanh, gia đình người bị oan, là đại diện lãnh đạo Công an, TAND, VKSND huyện Giao Thủy.
Thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng đã gây oan, ông Bùi Văn Tú, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy nói lời xin lỗi và cải chính công khai với bà Lê Thị Huyền. Ông Tú nói: “Ngày 22/1/2020, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án số 01 và quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01 đối với bị can Lê Thị Huyền với lý do: “Hành vi thực hiện của bà Huyền không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Xét thấy việc các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh trước đây đã thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật. Thay mặt cho các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh trước đây, nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, chúng tôi xin lỗi đối với bà, gia đình và người thân của bà. Mong muốn bà chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm minh đối với những người thi hành pháp luật đã gây ra thiệt hại đối với bà cũng như thực hiện việc bồi thường thiệt hại theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với bà Lê Thị Huyền”.
Phát biểu tại buổi xin lỗi, bà Lê Thị Huyền diện bộ quần áo mới, trang điểm kỹ càng, miệng luôn nở nụ cười nhưng trong đôi mắt lại đong đầy giọt lệ chỉ chực trào ra. Một tay cầm mic, tay kia thõng xuống run run theo mạch phát biểu chất chứa đầy nỗi niềm, giọng bà lạc đi.
Bà Huyền nhắc lại quá trình bị hàm oan và kêu oan đầy mệt mỏi của mình. Bà nhớ những lần không một xu dính túi nhưng vẫn kiên gan, nhịn đói, nhịn khát để đi kêu oan. Bà nhớ như in những người bà đã từng gặp, từng nhận đơn đã trả lời bà như thế nào, đặc biệt là những người có trách nhiệm đã quan tâm đến nỗi oan của bà ra sao. Bà cảm ơn luật sư đã đồng hành cùng với bà. Bà 3 lần xúc động nói lời cảm ơn đối với Báo Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cuối cùng bà Lê Thị Huyền chấp nhận lời xin lỗi của cơ quan tố tụng do ông Bùi Văn Tú, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vừa thực hiện, đồng thời bà cũng không quên thể hiện điều mong muốn mà chỉ những người mang thân phận bị oan như bà mới cảm nhận sâu sắc được: “Từ nay trở đi, tôi mong các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng pháp luật để không còn ai phải chịu oan như tôi”.
Chia sẻ với chúng tôi sau buổi xin lỗi công khai, ông Bùi Văn Tú, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định kể rất nhiều câu chuyện nghiệp vụ liên quan đến phòng chống oan sai trong ngành kiểm sát của ông. Trong tâm trạng vui buồn đan xen của một người vừa xin lỗi người bị oan, của một cán bộ kiểm sát còn gần 1 năm nữa thì nghỉ chế độ, ông xin được từ chối trả lời phỏng vấn của chúng tôi và hẹn dịp khác. Rồi ông nói như tâm sự: “Gắn bó cả cuộc đời mình với ngành kiểm sát, đây là lần đầu tiên tôi phải làm việc này. Trong đấu tranh và phòng chống tội phạm tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ: “Bắt cũng được, không bắt cũng được thì đừng nên bắt”. Đấy cũng là nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, nó có ý nghĩa không nhỏ trong hoạt động tố tụng và phòng chống oan sai”.
Thốt ra câu nói đó, phải chăng, Viện trưởng VKSND huyện Giao Thủy đang liên hệ tới sai lầm của những người tiền nhiệm trong vụ án phải mất gần 29 năm mới được giải oan của cô giáo Lê Thị Huyền?./.