Bài 1: Chuyện thật như đùa trong công tác quản lý đất đai
Chiếm đất thầu khoán xây công trình
Ngày 05/09/2003, ông Đào Văn Nhuận, đại diện cho 4 xã viên khác là ông Nguyễn Tiến Vạn, Dương Văn Dũng, Nguyễn Xuân Văn và bà Đào Thị Loan Thắm đã ký kết hợp đồng kinh tế với Hợp tác xã Hòa Loan (HTX) để nhận thầu khoán diện tích 420,1m2 đất ao ngõ Sâu, thuộc đội 2, thôn Hòa Loan với thời hạn hợp đồng là 10 năm và phương thức thanh toán hợp đồng là thu một lần với số tiền 14.703.000 đồng.
Hợp đồng đã ký, tiền đã giao, nhưng cho đến nay đã 17 năm, các xã viên vẫn chưa nhận được đất đã thầu do HTX không triển khai được việc bàn giao đất đã ký cho xã viên, bởi liên quan đến ông Dương Văn Hùng, thôn Hòa Loan đã lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng các công trình trên diện tích đất đã ký cho xã viên thuê.
Theo ghi nhận của phóng viên, mảnh đất ao ngõ Sâu có vị trí giáp với quốc lộ 2 và nằm ngay phía trước thửa đất của nhà ông Hùng. Năm 2003, ông Hùng mới chỉ lấn chiếm một phần đất để làm sân nhà, không bị cơ quan chức năng xử lý. Đến năm 2017, ông Hùng tiếp tục chiếm dụng diện tích đất trên để làm 02 căn ki-ốt. Nhờ lấn chiếm đất, nhà ông Hùng nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường, có vị trí “đắc địa” thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán.
“Ông Hùng bất chấp dư luận, thách thức pháp luật ngang nhiên chiếm đất, xây dựng công trình, bởi có “thế lực” chống lưng. Người dân ở đây ai cũng biết, ông Hùng có người nhà là bà Dương Thị Hoàn, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Lũng Hòa. Vi phạm của ông Hùng, xã viên kiến nghị, chính quyền thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành cưỡng chế mỗi cái mái tôn, xong rút về. Chính kiểu xử lý nửa vời đó, ông Hùng tiếp tục hoàn thiện công trình thách thức pháp luật và dư luận. Nhà nước mất đất, xã viên kiệt quệ về kinh tế bởi thời điểm đó số tiền là gần 15 triệu đồng là không nhỏ, thiệt hại này ai sẽ chịu trách nhiệm?”, người dân bức xúc phản ánh.
Phá đường để đòi lại đất hiến gần 20 năm
Liên quan đến ông Dương Văn Hùng, người dân phản ánh ông này còn có nhiều hành động trái pháp luật trong việc cho nhiều người đòi lại phần đất ruộng mà ông đã hiến cho HTX để làm đường nội đồng.
Theo tìm hiểu, năm 2001, để thực hiện dự án nghĩa trang, đã có 04 hộ dân trong đó có nhà ông Hùng hiến đất để làm đường vào dự án. Nhưng dự án không thực hiện được bởi gần khu dân cư nên UBND xã giao cho HTX Hòa Loan quản lý con đường. Đến năm 2005, HTX ký hợp đồng giao khoán sản xuất với ông Nguyễn Tiến Vạn, nội dung hợp đồng có nêu giao cho ông Vạn quản lý tuyến đường này không được cho ai lấn chiếm đường.
Cho rằng, đất nhà mình hiến cách đây gần 20 năm để làm đường vào dự án xây nghĩa trang thôn, nhưng dự án không thực hiện nên ông Hùng đã huy động nhân lực, máy xúc phá đường đòi lại đất dẫn đến tranh chấp. Về vấn đề này, UBND xã Lũng Hòa đã mời ông Hùng nhiều lần lên giải quyết nhưng cho đến nay chưa giải quyết xong ông Hùng lại tiếp tục cho máy xúc múc đất, nhân lực đến phá đường gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của các xã viên, nhất là chỉ còn hơn tháng nữa là vào vụ thu hoạch lúa.
“Người dân hiến đất xây dựng các công trình an sinh xã hội của địa phương ở đâu cũng có, đó là một việc làm đẹp cần được nêu gương. Nhưng việc hiến đất rồi đòi lại đất, bằng cách phá hủy các công trình hiện có thì đáng lên án…”, ông Dương Văn Dũng cho hay.
Chính quyền “lúng túng” trong xử lý
Ghi nhận thực tế cho thấy những phản ảnh, những bức xúc, những hoài nghi về ai “chống lưng” cho sai phạm của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
-Ông Nguyễn Hồng Lai, Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa thừa nhận, việc ông Hùng lấp đất, xây ki-ốt là trái với quy định của pháp luật. Sau khi nhận được đơn thư kiến nghị của xã viên, UBND xã Lũng Hòa đã tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm, nhưng mới cưỡng chế được phần mái tôn. Ông Lai cũng thừa nhận, vì nể bà Hoàn (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa) nên UBND xã đã để cho gia đình ông Hùng tự giác tháo dỡ tiếp. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian, gia đình nhà ông Hùng lại tiếp tục xây dựng.
Ông Lai cũng cho biết, về nguồn gốc đất bị lấn chiếm, trước đây, khu đất này thuộc quản lý của HTX nhưng hiện nay thuộc hành lang an toàn giao thông do Cục Quản lý đường bộ I quản lý, nên trách nhiệm xử lý công trình vi phạm thuộc về cục Quản lý đường bộ I, UBND xã chỉ có vai trò phối hợp.
“Việc đòi lại đất, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ông Hùng phải giữ nguyên hiện trạng, nhưng ông Hùng tự ý cho máy xúc cày nát đường là không đúng. Chúng tôi đang lúng túng chưa biết xử lý như thế nào, bởi khi dân hiến đất, cơ quan chức năng không làm thủ tục cắt đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân nên sự việc xảy ra có nhiều cái khó trong xử lý sau này” - ông Lai trần tình.
Câu hỏi vụ việc xảy ra trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời phóng viên, ông Lai thẳng thắn cho rằng: “Ông Hùng phá đường thì HTX phải chịu trách nhiệm làm lại đường, bởi HTX cho dân thuê con đường, thu tiền dịch vụ thì phải đứng ra chịu trách nhiệm”.
Bác bỏ lời khẳng định của ông Lai, ông Dương Văn Tươi, Giám đốc HTX bức xúc: “Đất đai thuộc quản lý của Nhà nước, ở đây là trách nhiệm của UBND xã Lũng Hòa còn chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết”.
Dễ hiểu, tại sao mâu thuẫn phát sinh giữa người dân trong việc tranh chấp đất đai kéo dài vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bởi, đến thời điểm này, UBND xã Lũng Hòa và HTX đang “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau, thì làm sao bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho xã viên trong vụ việc tranh chấp này./.
Báo TNVN tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc.