Rùng mình với nhiều hình thức xâm hại trẻ em trên mạng

Internet mang lại nhiều lợi ích, song cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm, trong đó có xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" vừa được trình bày trước Quốc hội trong phiên họp ngày 27/5/2020, trong giai đoạn giám sát (từ 1/1/2015 đến 30/6/2019) cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

 

Nhiều hình thức xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa: KT)

Còn theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề đáng báo động. Nghiên cứu cho thấy, có 66,1% trẻ em có cơ hội tiếp cận với thiết bị có kết nối internet. Trong đó có 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường Internet, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam) cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn nữa để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng này.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam). (Ảnh: Zing.VN)

PV: Dưới góc độ một chuyên gia về bảo vệ trẻ em, bà có đánh giá gì về những con số được đưa ra trên đây về các vụ xâm hại trẻ em trên môi trường internet?

Bà Lê Hồng Loan: Đó là những con số thực sự khiến người lớn đau lòng. Internet đã mạng lại rất nhiều hiệu quả tốt cho xã hội và giúp trẻ em có cơ hội học tập, kết nối, giải trí tốt hơn. Tuy nhiên, internet cũng tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó đáng lo ngại nhất là vấn đề xâm hại, bóc lột tình dục trẻ em trên mạng.

Những kẻ xấu thực hiện các hành vi này dưới nhiều hình thức khác nhau như gạ gẫm, tán tỉnh để lôi kéo trẻ em vào các quan hệ tình dục trực tiếp hoặc không trực tiếp; yêu cầu trẻ em phô bày các bộ phận kín trên cơ thể rồi phát livestream. Cũng có những đối tượng thu thập hình ảnh về trẻ em, cơ thể trẻ em và lưu hành với mục đích xấu nhằm xâm hại tình dục. Có trường hợp sử dụng hình ảnh trẻ em để làm những ấn phẩm khiêu dâm sau đó tung lên mạng.

Nhiều em bị bắt nạt trên mạng dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử. Có những trường hợp do người lớn gây ra và cũng có những trường hợp do chính trẻ em gây ra như “ném đá” hội đồng một bạn nào đó trên mạng.

Bên cạnh đó, các em cũng có nguy cơ tiếp xúc với những video, thông tin, hình ảnh khiêu dâm hay thông tin sai lệch. Nhiều em vô tình tiết lộ những thông tin cá nhân, bị dọa nạt, tống tiền, ép buộc quan hệ tình dục, hoặc tham gia các hoạt động phi pháp. Thậm chí, các em còn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người khi rơi vào tầm ngắm của những kẻ xấu trên mạng.

PV: Như vậy, internet là môi trường ảo, nhưng những hậu quả đau lòng lại có thật, thưa bà?

Bà Lê Hồng Loan: Đúng vậy, xâm hại trẻ em nói chung sẽ gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài. Hậu quả trước mắt như trẻ bị thương tích, mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh tình dục, hay những hậu quả nghiêm trọng khác mà mắt thường không nhìn thấy như sang trấn tâm lý kéo dài...

Xâm hại trẻ em trên môi trường internet trong đó có xâm hại tình dục cũng vậy, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, và còn cả tâm lí và khả năng học tập của trẻ.

Nếu như xâm hại ngoại tuyến, khi hành vi xâm hại kết thúc, sự việc đó coi như tạm thời khép lại nhưng với xâm hại qua môi trường internet, những hình ảnh, clip sẽ được phát tán khắp nơi và có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ.

PV: Vậy trong bối cảnh IoT (Internet vạn vật) như hiện nay, cần những biện pháp gì để trẻ em tận dụng tối đa tiện ích từ internet nhưng vẫn an toàn, thưa bà?

Bà Lê Hồng Loan: Có rất nhiều giải pháp, tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế năm 2015 các tổ chức quốc tế và các quốc gia cũng đã thảo luận và đưa ra cách ứng phó với 6 nhóm và 21 giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên không gian mạng. Trong đó có các giải pháp từ tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề điều tra và xử lí các trường hợp xâm hại trẻ em qua internet, cho đến việc tăng cường nhận thức xã hội của chính trẻ em và những người chăm sóc trẻ như cha, mẹ, thầy cô giáo.

Trong đó, tôi cho rằng biện pháp quan trọng nhất đến từ chính trẻ em. Chính các em cần được trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn. Bên cạnh đó là trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh, nhất là với những trẻ nhỏ từ 0- 6 tuổi khi các em chưa thể tự bảo vệ bản thân.

Về phía nhà trường, bên cạnh việc phổ cập giáo dục tin học, cũng nên đưa nội dung sử dụng internet an toàn vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông. Bên cạnh đó nhà trường cần có những hình thức khác thông qua nhiều kênh khác nhau để học sinh có thể tìm hiểu thông tin.

Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, các doanh nghiệp và công ty công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Tại các nước trên thế giới, các doanh nghiệp này đã xây dựng được chương trình lọc, tháo gỡ hoặc tự động xóa những website hoặc trang thông tin, hình ảnh không phù hợp với trẻ em.

PV: Xin cảm ơn bà!/.

Nguyễn Trang-Lê Vũ Kiều Linh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận