Viết tiếp vụ chuyển nhượng 43ha đất ở Bình Dương: Trách nhiệm của cơ quan chủ quản?

Vụ chuyển nhượng 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú dẫn đến 3 lãnh đạo của TCty Bình Dương bị khởi tố khiến nhiều tờ báo đã phải đặt dấu hỏi.

 

Vụ chuyển nhượng 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú dẫn đến 3 lãnh đạo của TCty Bình Dương bị khởi tố khiến nhiều tờ báo đặt câu hỏi: Trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sẽ được điều tra, xử lý như thế nào?

Câu hỏi nóng tại cuộc họp báo

Chiều 5/5/2020, Ban Tuyên giáo tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương (TCty Bình Dương).

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đại tá Trần Văn Chính, thông tin: Kết quả điều tra ban đầu xác định khu đất 43ha tại phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một) được TCty Bình Dương chuyển nhượng cho Cty Tân Phú vào năm 2016 với giá trên 250 tỷ đồng không đúng qui định về thẩm định giá, gây thất thoát hơn 126 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố các bị can để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, gồm: Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT; Trần Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc; Huỳnh Thanh Hải nguyên Phó Tổng Giám đốc TCty Bình Dương. 

CQĐT đã ra quyết định thu giữ GCNQSDĐ 43ha do đây là vật chứng của vụ án, đồng thời đã tiến hành bàn giao khu đất 43ha cho UBND phường Hòa Phú để bảo quản theo quy định.

Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi: Tạm giữ khu đất và sổ đỏ thì quyền lợi của Cty Kim Oanh là bên gián tiếp mua phần vốn góp tại Cty Tân Phú qua bên thứ ba, chứ không phải mua trực tiếp từ TCty Bình Dương sẽ được tính toán như thế nào? Câu hỏi này không được trả lời.

Khu đất 43ha thuộc dự án Tân Phú

Tiếp đến là câu hỏi của đại diện Báo Thanh Niên và Báo Tuổi trẻ: Trách nhiệm của cơ quan chủ quản TCty Bình Dương là Tỉnh ủy Bình Dương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sẽ được điều tra, xử lý như thế nào? Đại tá Chính trả lời: “Trong quá trình điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và xử lý theo đúng quy định”.

Về khu đất 145ha mà báo chí đã phản ánh cũng được chuyển nhượng với phương thức như 43ha (đơn vị nhận chuyện nhượng không phải là Cty Kim Oanh), đại tá Chính cho biết: CQĐT xác định việc quản lý sử dụng của TCty Bình Dương cũng có dấu hiệu vi phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước, hiện đang mở rộng điều tra.

Trách nhiệm của Tỉnh ủy và cơ quan liên quan?

Hồ sơ vụ việc cho thấy, quá trình thành lập liên doanh Tân Phú để thực hiện dự án giữa TCty Bình Dương với Cty Âu Lạc, chuyển nhượng 43ha đất, góp và chuyển nhượng 30% vốn góp, TCty Bình Dương đều báo cáo và được Tỉnh ủy chấp thuận.

Cty Âu Lạc sau khi mua lại 30% vốn góp của TCty Bình Dương trở thành sở hữu duy nhất 100% vốn tại Cty Tân Phú đã bán toàn bộ phần vốn này cho Cty Kim Oanh với giá hơn 350 tỷ đồng để Cty này tiếp tục thực hiện dự án.

Lúc này xuất hiện dư luận “thâu tóm 43ha đất công”, dù từ năm 2014, Sở Tài chính Bình Dương đã có văn bản xác nhận tiền sử dụng đất đã nộp của TCty Bình Dương không có nguồn gốc từ ngân sách và Bộ TN&MT đã có văn bản khẳng định TCty Bình Dương được quyền chuyển nhượng 43ha đất.

Ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ ra Thông báo số 512-TB/TƯ yêu cầu TCty Bình Dương “cung cấp đầy đủ hồ sơ về nguồn vốn đền bù khu đất 43ha để Sở Tài chính xác định 43ha đất này là đất công hay không phải đất công”(!?)

Đồng thời, cũng trong Thông báo này, Tỉnh ủy Bình Dương còn có động thái khó hiểu nữa là “quyết định thu hồi chủ trương đã cho TCty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh Tân Phú cho Cty Âu Lạc”.

Khó hiểu vì việc chuyển nhượng đã hoàn tất, đối tác nhận chuyển nhượng cũng đã chuyển nhượng tiếp cho bên thứ ba là Cty Kim Oanh, hậu quả pháp lý của việc thu hồi này sẽ giải quyết sao đây?

Mặt khác, lý do của việc thu hồi chủ trương là do Tỉnh ủy phát hiện ra TCty Bình Dương đã góp vốn 30%  bằng quyền sử dụng đất 43ha chứ không phải bằng tiền mặt, trong khi đó, Tỉnh ủy biết rõ từ năm 2016 TCty Bình Dương đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng 43ha đất cho Cty Tân Phú(!?).

Bằng chứng là ngày 14/8/2018, TCty Bình Dương có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ quá trình thành lập liên doanh Tân Phú, góp và chuyển nhượng vốn góp đều tuân theo chủ trương của Tỉnh ủy.

Riêng nội dung chuyển nhượng 43ha đất, báo cáo nêu cụ thể: “Ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Công văn 1830-CV/TU đồng ý chủ trương cho TCty hợp tác với Cty Âu Lạc để thành lập liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43ha thuộc khu đất dịch vụ 567,3ha của khu liên hợp, trong đó, TCty góp 30% vốn điều lệ. Liên doanh sẽ thực hiện đầu tư kinh doanh dự án khu dân cư tại khu đất 43 ha, giá chuyển giao khu đất  được thỏa thuận tại thời điểm này là 570.000 đồng/m2 (tương ứng 30USD/m2, cao hơn so với mức giá 14-16USD/m2 khi thỏa thuận chuyển giao đất cho 2 đối tác đầu tư sân golf và khu dân cư tại 2 dự án Sân golf Phú Mỹ vầ Sân golf Tân Thành thuộc khu liên hợp). Ngày 9/9/2010, Cty liên doanh Tân Phú được thành lập có Giấy chứng nhận doanh nghiệp 3701774462, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó TCty góp 60 tỷ đồng chiếm 30%, Cty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng chiếm 70% vốn điều lệ. TCty Bình Dương và Cty Tân Phú đã làm các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án theo Hợp đồng liên doanh. Ngày 8/12/2016, TCty Bình Dương ký Hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Cty Tân Phú để thực hiện cam kết theo Hợp đồng liên doanh, theo đó giá trị Hợp đồng chưa bao gồm thuế VAT là 250,111 tỷ đồng (gồm giá trị bồi hoàn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối là 245,100 tỷ đồng - tương ứng 570.000 đồng/m2 theo Hợp đồng liên doanh)”.

Rõ ràng là báo cáo của TCty Bình Dương đã thể hiện rõ Hợp đồng chuyển nhượng 43ha đất ký năm 2016 là thực hiện cam kết theo Hợp đồng liên doanh ký năm 2010. Giá chuyển nhượng căn cứ vào thời điểm ký kết Hợp đồng liên doanh, cụ thể là 570.000 đồng/m2, là giá đất được UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2010.

Tuy nhiên, 2 năm sau, chính việc áp giá kể trên lại được CQĐT Công an Bình Dương kết luận là hành vi có dấu hiệu phạm tội gây thất thoát hơn 126 tỷ đồng, nên đã khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, hành vi có dấu hiệu phạm tội của TCty Bình Dương từng được thể hiện công khai trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy cùng các cơ quan chức năng nhưng lại được cho qua và được đánh giá là “phù hợp với qui định của pháp luật, tình hình thực tế và có lý có tình”.

Cụ thể, ngày 24/8/2018, Tỉnh ủy ban hành Thông báo “Kết luận và chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 16/8/2018”. Thành phần cuộc họp gồm: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, PGĐ Sở TN&MT, PGĐ Sở Tài chính, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và Phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Thông báo ghi rõ: “Sau khi nghe đại diện lãnh đạo TCty Bình Dương trình bày báo cáo số 80/CV/TCTY.TCKT, ngày 14/8/2018, về quá trình chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kết luận và chỉ đạo như sau: Trong quá trình xem xét các hồ sơ có liên quan, các sở chuyên môn đã chủ động làm việc trước với TCty Bình Dương; tại phiên họp, Lãnh đạo các đơn vị dự họp đều thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú là phù hợp với qui định của pháp luật, tình hình thực tế và có lý có tình”.

Hậu quả của việc coi “vi phạm pháp luật” là “phù hợp pháp luật”?

Điều đáng ngạc nhiên theo nội dung Thông báo kể trên của Tỉnh ủy Bình Dương, các cơ quan chức năng mặc dù đã thảo luận, đã “xem xét hồ sơ có liên quan”, “các sở chuyên môn đã làm việc trước với TCty” nhưng kết quả là  không phát hiện được nội dung chuyển nhượng 43ha là vi phạm pháp luật. Ngược lại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước lại thống nhất đánh giá “quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú là phù hợp với qui định của pháp luật, tình hình thực tế và có lý, có tình”.

Sự đánh giá này đã hợp thức hành vi vi phạm pháp luật và là căn cứ để Cty Tân Phú được hoàn tất thủ tục pháp lý, xác lập pháp nhân 1 thành viên là Cty Âu Lạc. Từ đó, Cty Âu Lạc có đủ cơ sở để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại Cty Tân Phú cho Cty Kim Oanh để Cty này yên tâm đầu tư thực hiện dự án.

Như vậy, sau gần 10 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, dự án Tân Phú được triển khai một cách khó hiểu rồi “đóng băng” bởi một vụ án hình sự. Cùng với ảnh hưởng xấu về môi trường đầu tư, quyền và lợi ích của nhà đầu tư Kim Oanh tại dự án này sẽ được giải quyết như thế nào đang là câu hỏi chưa được trả lời.

Trong khi đó, liên quan đến khu đất 145ha đất cũng đang được CQĐT xác định TCty Bình Dương có dấu hiệu vi phạm, cho thấy hậu quả sẽ rất nặng nề.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi mà công luận đã đặt ra về trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của Tỉnh ủy và các cơ quan nhà nước có liên quan của tỉnh Bình Dương cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận