Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông.
Sau 2 năm triển khai thí điểm dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Botnar (Thụy Sỹ) tài trợ tại 2 trường Tiểu học Phan Đăng Lưu ở tỉnh lộ 670, xã Biển Hồ và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng, quốc lộ 19, phường Thắng Lợi, thành phố Plei-cu, tỉnh Gia Lai, mức độ an toàn của 2 trường được nâng lên mức 5 sao.
Ông Phan Hữu Hiếu- Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai đánh giá về kết quả của dự án này: "Một trường học trên đường vành đai thành phố là giảm tốc độ từ 50 xuống 30km/ giờ, một trường trên đường quốc lộ 19 qua trung tâm thành phố, (đường Lê Duẩn) giảm tốc độ từ 60 xuống 40 km/h. Tức là 2 trường này, giảm tốc độ 20 km/h. Những đường này chủ yếu là đường qua trung tâm đô thị, đi qua đường đó thì bản thân của họ không nhanh rồi. Cho nên giảm 20 km/h thì phần lớn thì họ chấp nhận được".
Ông Hiếu cho biết thêm, điều quan trọng nhất của dự án này đã giúp người tham gia giao thông và các phụ huynh nhận thức được việc bảo vệ các em học sinh bằng việc giảm tốc độ mỗi khi đi qua khu vực trường học. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ phụ huynh có thể xác định chính xác giới hạn tốc độ tại khu vực các trường học đã tăng từ 15,9% (đầu kỳ) lên 65,8% (cuối kỳ).
Tổng kết dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, đại diện Ủy ban an toàn quốc gia đề xuất giảm tốc độ tại các cổng trường học nằm trên quốc lộ. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu, đề xuất luật hóa tốc độ 30km/h qua cổng trường học.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật- Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông dẫn chứng, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu giảm tốc độ 5% thì số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm tới 30%. Điều này cho thấy, tốc độ phương tiện giảm, mức độ an toàn tăng lên và số lượng các vụ va chạm cũng giảm đi. Việc luật hóa quy định tốc độ là cần thiết: "Nên có quy định cứng không chỉ ở các khu vực trường học mà cả có những khu vực đông dân cư tuy nhiên phải nghiên cứu tùy thuộc vào điều kiện đường sá, địa hình của khu vực đó, ngoài việc chúng ta đang có cảnh báo về biển báo, có gờ giảm tốc thì việc hạn chế tốc độ cần có những nghiên cứu thỏa đáng về mặt lí luận và thực tiễn".
Các chuyên gia cho rằng, một số đô thị trên thế giới thực hiện thành công giải pháp hạn chế tốc độ 30km/h tại các khu vực trường học để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ cũng như các em học sinh. Tuy nhiên, phần lớn các trường học nằm trong đô thị, nằm cạnh các đường nhánh, đường kết nối.
Còn tại Việt Nam, điều kiện hạ tầng có một số khác biệt và do sự phát triển không theo quy hoạch nên có một số lượng không nhỏ các trường học nằm sát đường quốc lộ, đe dọa đến sự an toàn của các em học sinh khi tham gia giao thông.
Theo Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn- Giảng viên bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, quốc lộ, tỉnh lộ có chức năng kết nối giao thông phục vụ cho những chuyến đi đường dài và với vận tốc lớn. Đề xuất cắm biển hạn chế tốc độ 30km/h có thể nâng mức đảm bảo an toàn cho những trường học nằm ven quốc lộ, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển xã hội: "Nếu triển khai các giải pháp này có thể gây xung đột cho những lợi ích khác ví dụ kết nối đường dài bị ảnh hưởng, tốc độ bị suy giảm và thời gian bị tăng lên nghĩa là chi phí chung của xã hội sẽ tăng lên".
Đại diện Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu để hạn chế tốc độ phương tiện tại các khu vực trường học là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh cũng như người tham gia giao thông.\
Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi khu vực, với mức độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khác nhau, các cơ quan quản lý giao thông sẽ nghiên cứu và quy định tốc độ, cũng như phương án tổ chức giao thông phù hợp
Ông Vũ Ngọc Lăng- Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Tổng cục đường bộ cho biết, có thể sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để đảm bảo an toàn ở khu vực cổng trường học.
"Không nhất thiết cắm biển 30km/h mà có thể dùng các giải pháp khác. Có thể cắm biển cảnh báo hoặc hạn chế tốc độ ở mức độ cao hơn, ví dụ 50km/h, hoặc cắm đèn tín hiệu, một số chỗ có thể làm cầu vượt nhẹ cho các cháu đi qua".
Trên thực tế, để giai đoạn 1 dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn" đạt được kết quả nêu trên, ngoài việc bổ sung biển báo giảm tốc độ xuống 20km/h tại các khung giờ cao điểm, dự án còn tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng như bố trí cụm vạch sang đường nâng cao, đèn cảnh báo chớp vàng, bổ sung cụm chữ Đi chậm/ Hướng dẫn phụ huynh đỗ xe và cải tạo hơn 1000 mét vuông vỉa hè.
Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua tờ rơi, bảng tuyên truyền, mạng xã hội, lực lượng CSGT tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những đợt ra quân xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Hạn chế tốc độ qua khu vực cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và các em học sinh là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông, ít nhiều sẽ gây tác động đến lưu thông trên tuyến.
Theo VOVGIAOTHONG.VN