Bộ Công an điều tra hàng loạt dự án bất động sản ở Bình Dương: Chân dung đại gia 'phân lô bán nền'
Xuất hiện mối đe dọa mới với Tập đoàn Kim Oanh
Như TNVN đã phản ánh, Dự án Hòa Lân, từng là của Cty Thiên Phú. Sau 15 năm “đắp chiếu”, sa vào nợ xấu, Thiên Phú buộc phải chủ động ký Biên bản bàn giao dự án Hòa Lân để Agribank Chợ Lớn toàn quyền bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Phải trải qua 13 phiên đấu giá mới có người mua, và Cty Kim Oanh là đơn vi trúng đấu giá với giá mua là 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, sau khi nợ xấu được giải, thay vì tạo điều kiện cho Kim Oanh triển khai dự án, thì Thiên Phú lại làm ngược lại.
Theo nội dung băng ghi âm, lý giải động cơ “trở mặt” của Thiên Phú, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Thiên Phú đã “tiết lộ” cho Giám đốc Kim Oanh biết, rằng “dự án Hòa Lân bây giờ như miếng bánh quá ngon”, nên Kim Oanh phải biết điều, phải chia cho mỗi bên một tý, nếu muốn yên ổn làm ăn. Và “người cầm cán” không phải là ông Sơn, Giám đốc Thiên Phú, mà là người giấu mặt chi tiền mua Thiên Phú. Kim Oanh muốn ông Sơn ký bãi nại, rút đơn Thiên Phú khởi kiện thì phải đi gặp “người cầm cán”, chứ ông Sơn tuy là Giám đốc nhưng không có quyền.
Thực tế, sau khi trúng đấu giá, Cty Kim Oanh đã đầu tư vào dự án hơn 1500 tỷ, bao gồm tiền mua đấu giá, tiền giải phóng mặt bằng và tiền trả lãi cho Agribank. Tuy nhiên, mọi việc lập tức ách tắc khi Cty Thiên Phú bắt đầu gây khó dễ.
Sau khi làm đơn kiện đòi hủy kết quả đấu giá tới Thanh tra Bộ Tư pháp không thành, Thiên Phú tiếp tục làm đơn khởi kiện ra Tòa Q7. Quá trình thụ lý, Thẩm phán Lê Thị Phơ đã bị nhiều tờ báo nêu nhiều dấu hiệu bất thường từ tốc độ thụ lý nhanh khó tưởng, vi phạm thẩm quyền giải quyết, đến việc ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại lớn cho Kim Oanh. Cùng với Kim Oanh, Agribank cũng có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ, TANDTC, VKSNDTC... khẳng định việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa Q7 là không đúng, “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Kim Oanh, cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.
Dù Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận và đã được Thủ tướng chấp thuận, nhưng đơn kiện đòi “hủy kết quả đấu giá” của Thiên Phú vẫn được Tòa Q7 thụ lý, xử rồi hoãn, rồi hòa giải... đến nay đã 1 năm 5 tháng.
Ngày 11/3/2020, tòa đang xét xử thì phải hoãn do có một đương sự được xác định liên quan dịch Covid-19. Sau đó, chính Giám đốc Thiên Phú tự lột mặt nạ khi bị khởi tố hình sự.
Ngày 27/3, Giám đốc Thiên Phú là Bùi Thế Sơn và hai vị Phó Giám đốc là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng bị CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ba người này đã lập khống danh sách đền bù của người dân liên quan đến Dự án Hòa Lân để lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của Kim Oanh. Sau khi cả dàn lãnh đạo bị bắt, Thiên Phú chỉ còn ông Nguyễn Văn Tuấn là người mới được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc và được ông Sơn ủy quyền đại diện Cty Thiên Phú tham gia vụ kiện.
Ngày 10/4, Thiên Phú có đơn gửi đến TAND quận 7 yêu cầu đưa hai cổ đông mới tham gia phiên tòa với tư cách là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Theo đơn, ngày 23/3, ông Bùi Thế Sơn, sở hữu phần vốn góp 89,1 tỷ (tương đương 99% vốn điều lệ) và Trương Thành Phú, sở hữu phần vốn góp 900 triệu (tương đương 1% vốn điều lệ) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Phạm Thị Hường 89,1 tỷ và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường) 900 triệu.
Ngày 27/3 và ngày 6/4, Thiên Phú đã nộp hồ sơ thay đổi người đại diện và thành viên Cty đến Sở KH&ĐT Bình Dương. Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Sở KH&ĐT Bình Dương có văn bản gửi Tòa Q7 cho biết chưa thực hiện đăng ký thay đổi cho đến khi có ý kiến mới của CQĐT Bộ Công an.
Tuy nhiên, thẩm phán Lê Thị Phơ vẫn chấp thuận để hai mẹ con bà Hường tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Sau đó, ngày 18/5/2020, với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bà Châu (con dâu bà Hường) đã có Đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa Q7 xét xử 5 nội dung, trong đó có nội dung tuyên hủy các kết quả bán đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Cầu Đò và Mỹ Phước 4 cũng từng của Cty Thiên Phú và thành viên của Tập đoàn Kim Oanh trúng đấu giá.
Nội dung bất ngờ này, nếu được Tòa Q7 thụ lý, thiệt hại mà Tập đoàn Kim Oanh tiếp tục gánh chịu do phải theo đuổi vụ kiện rõ là không thể tính thành tiền. Điều này cũng cho thấy, “tiết lộ hàm ý đe dọa” trước khi bị bắt của ông Bùi Thế Sơn cho Giám đốc Kim Oanh không phải chỉ để nói cho vui: Cty Kim Oanh muốn yên ổn làm ăn thì phải biết “chia miếng bánh Hòa Lân” cho “người cầm cán”.
Ông Bùi Thế Sơn tiếp tục khẳng định nội dung đã “tiết lộ”
Ngày 25/6/2020, Thẩm phán Lê Thị Phơ đã gặp trực tiếp ông Bùi Thế Sơn tại Trại giam T17 – Bộ Công an để xác minh việc ông Sơn yêu cầu rút đơn khởi kiện.
Biên bản lấy lời khai của ông Sơn với Thẩm phán Phơ thể hiện: Thời điểm ông ủy quyền cho ông Tuấn, Phó Giám đốc Cty Thiên Phú tham gia vụ kiện thì Cty Thiên Phú không còn hoạt động gì nữa. Việc chuyển nhượng vốn góp tại Cty Thiên Phú là do ông Sơn và bà Hường có thỏa thuận: sau khi nộp đơn khởi kiện thì ông Sơn chuyển nhượng toàn bộ Cty Thiên Phú cho bà Hường. Hai người thực hiện chuyển nhượng Cty nhưng có thỏa thuận khi nào vụ kiện tại Tòa Q7 có kết quả thì mới nộp hồ sơ đến Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương để thay đổi người đại diện theo pháp luật của Cty. Có nghĩa bà Hường âm thầm điều hành chứ chưa lộ diện.
Nội dung xác nhận với Tòa Q7 của ông Sơn là phù hợp với nội dung ông “tiết lộ” với hàm ý đe dọa Kim Oanh trước đây, đồng thời khẳng định “người cầm cán” quyết định mọi việc liên quan đến vụ khởi kiện ra Tòa Q7 chính là bà Phạm Thị Hường.
Cũng theo Biên bản lấy lời khai, Thẩm phán Phơ hỏi: “Việc rút đơn của ông là tự nguyện hay không? Đến thời điểm này, ông có giữ nguyên quan điểm rút đơn khởi kiện hay không?”. Ông Sơn đáp: “Tôi giữ nguyên yêu cầu rút đơn và đó là quyết định hoàn toàn tự nguyện”.
Về lý do rút đơn khởi kiện, ông Sơn cho biết là muốn bày tỏ thiện chí với Kim Oanh sau khi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cty này.
Tuy nhiên, diễn biến đã không như ông mong muốn khi mẹ con bà Hường đã xuất hiện, quyết định tham gia tố tụng và có Đơn yêu cầu độc lập tiếp tục đẩy vụ kiện đi xa hơn, gia tăng sức ép lên Kim Oanh.
Phản ứng của Kim Oanh
Trước những diễn biến mới, bất ngờ và phức tạp của vụ kiện do Thẩm phán Lê Thị Phơ thụ lý, Cty Kim Oanh đã có Đơn đề nghị không chấp nhận tư cách 2 mẹ con bà Hường là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không công nhận là 2 thành viên góp vốn và là người đại diện theo pháp luật của Cty Thiên Phú.
Về Đơn yêu cầu độc lập của bà Châu, Kim Oanh cho rằng Tòa Q7 không có căn cứ thụ lý. Dẫn ra các qui định của Bộ luật TTDS năm 2015, Kim Oanh khẳng định: Việc bà Châu gửi Đơn yêu cầu độc lập trong giai đoạn xét xử là không có cơ sở để thụ lý giải quyết. Các yêu cầu nêu tại Đơn yêu cầu độc lập không liên quan đến quyền và lợi ích của bà Châu mà vì lợi ích của Cty Thiên Phú, trong khi bà Châu lại không phải là người đại diện hợp pháp của Cty, nên không thể được xem xét theo qui định của pháp luật.
Về yêu cầu rút Đơn khởi kiện của ông Bùi Thế Sơn. Theo Phiếu chuyển đơn của Trại giam T17 – Văn phòng CQCSĐT Bộ Công an đính kèm công văn, ông Bùi Thế Sơn – đại diện pháp luật của Cty Thiên Phú có yêu cầu rút toàn bộ đơn khởi kiện mà Cty Thiên Phú đã nộp cho Tòa Q7 và hủy toàn bộ ủy quyền đối với ông Nguyễn Văn Tuấn.
Căn cứ Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện tại của Cty Thiên Phú thì ông Bùi Thế Sơn vẫn là đại diện pháp luật và là thành viên sở hữu 99% vốn góp tại Thiên Phú. Do đó, theo pháp luật, ông Sơn hoàn toàn có đủ thẩm quyền rút toàn bộ Đơn khởi kiện của Cty Thiên Phú tại Tòa Q7.
Từ căn cứ nêu trên và Điều 217, Bộ luật TTDS 2015, Kim Oanh đề nghị Tòa Q7 phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Gần 2 năm qua, kể từ thời điểm Tòa Q7 thụ lý và áp dụng biện pháp ngăn chặn, Kim Oanh đã bị thiệt hại nặng nề. Số tiền mà Kim Oanh đã đầu tư vào dự án Hòa Lân đến nay đã gần 1600 tỷ, thiệt hại phát sinh là vô cùng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, uy tín, hoạt động của Cty và các chi phí cơ hội mất đi do dự án chậm triển khai. Ai sẽ bồi thường cho Kim Oanh?
Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tiếp theo của vụ kiện rất đáng chú ý này./.