Vì sao phải ghi tên người định kết hôn vào Giấy xác nhận độc thân?

Yêu cầu ghi rõ thông tin của người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận độc thân nhằm đề cao tính nghiêm túc, trách nhiệm của các bên đối với hôn nhân.

 

Ngày 16/7, Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 15/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015.

Trong đó, tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020 quy định: “Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp 1 bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn”.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, chỉ trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (thường gọi giấy xác nhận độc thân) để sử dụng vào mục đích kết hôn thì mới ghi thông tin người dự định cưới.

Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp). (ảnh: Vietnam+)

Còn trường hợp yêu cầu cấp Giấy này để sử dụng vào mục đích khác như mua nhà, làm thủ tục kế thừa...thì không phải ghi những thông tin trên. Người yêu cầu cấp Giấy trên phải đủ điều kiện đăng ký kết hôn và “đối tác” cũng phải đủ điều kiện kết hôn.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, đây không phải quy định mới, vấn đề này đã được quy định và thực hiện ổn định hơn 10 năm nay mà không phát sinh khó khăn, vướng mắc gì. Quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp chỉ là kế thừa quy định hợp lý của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP.

“Việc pháp luật yêu cầu ghi rõ thông tin của người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm đề cao tính nghiêm túc, trách nhiệm của các bên đối với hôn nhân. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, mục đích xây dựng hôn nhân tiến đến một gia đình bền vững, no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn đạt được mục tiêu đó thì ngay từ việc dự định kết hôn phải nghiêm túc” – ông Nguyễn Công Khanh nói và nhấn mạnh đây cũng cơ sở để kiểm tra, xác minh trong trường hợp người dân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà không nộp lại được Giấy này đã được cấp trước đó.

Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đã yêu cầu một số địa phương kiểm tra, nhất là trong việc kết hôn với người nước ngoài, qua đó phát hiện một số trường hợp đã kết hôn, có con với người Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... mà vẫn về nước để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Chính vì vậy, việc ghi tên của người dự định kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là đối với phụ nữ trong việc kết hôn với người nước ngoài.

Trả lời câu hỏi “Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ghi thông tin của một phụ nữ dự định kết hôn nhưng người đó không biết thì liệu có ảnh hưởng đến đời tư của họ không”, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, việc này vi phạm pháp luật hình sự, liên quan tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm bí mật đời tư và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người phụ nữ này có quyền khởi kiện đối tượng đã xâm phạm bí mật đời tư của mình ra tòa.

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là giấy tờ xác nhận về thông tin nhân thân của cá nhân, nên cá nhân có trách nhiệm giữ gìn bí mật thông tin của mình và của những người liên quan. Đồng thời cơ quan đăng ký hộ tịch và công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm bảo vệ thông tin của cá nhân mà mình biết trong quá trình đăng ký hộ tịch, nếu làm lộ bí mật, người dân có quyền khởi kiện cán bộ công chức tư pháp-hộ tịch./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận