'Nhiều vụ buôn lậu lớn nhưng không khởi tố'

Có địa phương bắt hàng nghìn vụ nhưng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nào, gây bức xúc trong dư luận.

 

Số vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được phát hiện ở các địa phương rất nhiều. Có địa phương bắt hàng nghìn vụ nhưng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nào, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng “cát cứ” địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng trong công tác phòng chống buôn lậu.

Đây là vấn đề được nêu ra tại “Hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) tổ chức sáng 17/7 tại thành phố Đà Nẵng.

 

Hội thảo tập trung thảo luận vào 3 nhóm vấn đề, đó là: Những vướng mắc liên quan đến văn bản qui phạm pháp luật đối với nhóm hàng lậu, nhóm hàng cấm; Nhóm vấn đề liên quan đến văn bản qui phạm pháp luật đối với nhóm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng và Nhóm quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi chống buôn lậu và các quy định khác của pháp luật...

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an nêu vấn đề đáng quan tâm, hiện nay, số vụ buôn lậu phát hiện ở các địa phương rất nhiều. Có địa phương bắt hàng nghìn vụ nhưng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nào. Nhiều vụ buôn lậu không thể khởi tố bị can gây bức xúc trong dư luận.

Theo Đại tá Vũ Như Hà, nạn buôn lậu diễn ra cả quá trình, hành vi kéo dài, đi qua nhiều địa bàn, không chỉ hàng hóa qua biên giới mà thanh toán, giao dịch qua biên giới... Vì vậy, cần có sự phối hợp liên ngành và các địa phương.

"Trách nhiệm của chúng ta ở đây là đã đánh là đánh cả đường dây và có chủ động từ trước. Bắt hàng là khám xét khẩn cấp luôn, chứ còn chúng ta hiện nay đi bắt hàng rồi truy nguội lại, rồi chủ yếu xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa còn người thì ở đâu?”, Đại tá Vũ Như Hà đặt vấn đề.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, trong khi qui chế phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị chức năng địa phương trong công tác phòng chống còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng trong công tác phòng chống buôn lậu. Sự chồng chéo về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, không phân rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh VP Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, 6 năm qua, công tác phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu các cấp, các lực lượng và địa phương vẫn còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp.

“Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, cả khu vực biên giới và nội địa. Biên giới vừa dài, đặc điểm rất phức tạp, phía Bắc đồi núi, phía Nam sông ngòi, cho nên lực lượng cũng có hạn chế. Điều kiện phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đấu tranh chống buôn lậu trên biển. Mối quan hệ phối hợp của chúng ta có nơi có lúc chưa đồng bộ. Trước yêu cầu giai đoạn mới phải quyết liệt hiệu quả hơn", ông Thế đề nghị./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận