Xung quanh vụ kiện liên quan dự án Hòa Lân (Bình Dương): Đạo lý và Pháp lý của vụ án
“Miếng bánh Hòa Lân”
Như Báo TNVN đã phản ánh, khởi đầu, dự án Hòa Lân do Cty Thiên Phú là chủ đầu tư. Thiên Phú thế chấp dự án tại Agribank. Gần 15 năm dự án “đắp chiếu”, khoản vay 1.117 tỷ đồng hóa nợ xấu, Thiên Phú tự nguyện để ngân hàng phát mãi.
Qua 12 lần đấu giá bất thành, do không có người mua, đến lần thứ 13, Agribank và các bên tổ chức đấu giá mới “thở phào” khi xử lý được “món nợ” này. Cty Kim Oanh trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Rồi “của nợ” Hòa Lân bất ngờ thành “cục vàng” lấp lánh, vì sau đấu giá, Thuận An từ thị xã được nâng cấp lên TP thuộc tỉnh, cơn sốt đất “tăng nhiệt”, lại thêm con đường thênh thang 6 làn xe chạy qua khiến dự án có vị trí đẹp bậc nhất Bình Dương, chỉ cách TP HCM chừng 20km.
Kim Oanh tưởng trúng lớn, nào ngờ lại phải “ôm hận” từ đây.
Đang làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án thì Kim Oanh chững lại vì phát sinh đơn tố cáo. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, cùng cả ngàn bài báo đưa vụ việc vào “vòng xoáy”. Hai lần VPCP phải có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về kết quả thanh tra vụ bán đấu giá Hòa Lân. Bộ Tư pháp có báo cáo Thủ tướng, khẳng định hàng loạt nội dung tố cáo của công dân về quá trình đấu giá là không có cơ sở xem xét; không hủy kết quả đấu giá. Sau thanh tra, kết quả đấu giá vẫn được công nhận.
Ngày 14/5/2019, VPCP có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm toàn diện với các nội dung Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr theo quy định pháp luật; trả lời các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của Cty Thiên Phú”.
Kết quả là thế nhưng Thiên Phú vẫn quyết “xóa bàn cờ đánh lại”, làm đơn khởi kiện đơn vị đấu giá là Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ra tới… Tòa Q7 ở TP HCM, với lý do, Cty này có trụ sở tại Quận 7, đòi hủy kết quả đấu giá.
Kim Oanh không phải là bị đơn trong vụ án, nhưng lại là bên “lãnh đủ” vì là người trúng đấu giá dự án. Tòa Q7 ra quyết định phong tỏa dự án Hòa Lân, khiến Kim Oanh không thể triển khai dự án, bỏ ra hơn 1600 tỷ đồng chỉ để 2 năm trời chứng kiến những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ khu đất hoang. Theo Kim Oanh, thiệt hại Kim Oanh phải gánh chịu lên tới trên 200 tỷ đồng.
Ai là người thực sự đứng đằng sau vụ án “cù nhầy” này?
Ngoài những thông tin mà TNVN đã phản ánh về “tiết lộ” hàm ý đe dọa Kim Oanh của ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Thiên Phú khi chưa bị bắt. Sau này những “hé lộ” đó đã được ông Sơn khai nhận với cơ quan chức năng.
Ngày 23/3/2020, trước khi ông Sơn bị bắt 4 ngày, ông Sơn, sở hữu phần vốn góp 89,1 tỷ đồng (99% vốn điều lệ của Thiên Phú) và ông Phú, sở hữu phần vốn góp 900 triệu đồng (1% vốn điều lệ) bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ cho bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường).
Bà Hường, bà Châu là những người đứng tên 4 Cty BĐS tại Bình Dương đang bị C03 Bộ Công an điều tra vì phân lô bán nền trái phép hàng trăm ngàn m2 đất và có dấu hiệu thâu tóm trái pháp luật hơn nửa triệu m2 đất khác.
Theo lời ông Sơn, thực chất việc chuyển nhượng vốn góp cho bà Hường, bà Châu có dấu hiệu của một giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (quy định tại Điều 124 BLDS): “Thiên Phú giai đoạn đó không còn hoạt động nữa… Tôi và bà Hường thỏa thuận sau khi nộp đơn khởi kiện thì tôi chuyển nhượng toàn bộ Thiên Phú cho bà Hường. Thực hiện chuyển nhượng Cty nhưng thỏa thuận khi nào vụ án tại Tòa Q7 có kết quả (khi Tòa xử xong vụ kiện), thì mới nộp hồ sơ đến Sở KH&ĐT Bình Dương để thay đổi người đại diện theo pháp luật”.
Tại lời khai khác của ông Sơn, cũng cho thấy giao dịch có dấu hiệu vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (theo Điều 128 BLDS): “khi ký thì tôi biết là tôi ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của tôi cho bà Hường, còn chi tiết nội dung hợp đồng thì tôi không đọc”.
Diễn biến nêu trên là rất đáng chú ý khi Kim Oanh cung cấp một số chứng cứ và kêu cứu vì bị một số đối tượng phá rối để làm tiền.
Đại diện Kim Oanh cho biết, sau khi mua đấu giá trúng, bị khiếu nại, bị khởi kiện, đã nhiều lần tìm đến GĐ Thiên Phú để tìm cách giải quyết. Thế nhưng Giám đốc Kim Oanh cho hay, yêu cầu của đối tượng đặt ra quá khả năng của bà. Bà từng được bắn tin “muốn yên chuyện thì chi ra 300 tỷ”, rồi sau đó con số đội lên… 500 tỷ đồng.
Theo băng ghi âm Kim Oanh cung cấp, nói về dự án Hòa Lân bị quấy phá, trả lời câu hỏi “anh cầm bao nhiêu của họ rồi”, ông Sơn nói: “Anh khủng hoảng nợ nên phải lấy tiền tụi nó trả cho nợ người ta. Do đó anh phải chuyển pháp nhân và ủy quyền cho nó hoàn toàn quyết định hết để lấy tiền trả nợ. Bây giờ mấu chốt ở đây không phải anh mà là bà Hường… Mọi việc ai quậy em như thế nào anh biết hết, gây khó khăn cho em như thế nào anh biết… Người cầm cán trong cuộc chơi này họ muốn rằng miếng bánh Hòa Lân phải chia cho mọi người…”. “Bên đó đưa cho anh bao nhiêu?”. Ông Sơn: “Anh lấy hai mấy tỷ trả nợ”
Kiểm tra hồ sơ, phát hiện ông Sơn lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của mình khi chuyển giao dự án Hòa Lân bằng cách kê khống các hộ dân được đền bù, Kim Oanh buộc phải làm đơn tố cáo. Trước chứng cứ rõ ràng, C03 Bộ Công an đã bắt Giám đốc Sơn cùng 2 lãnh đạo Cty Thiên Phú.
Bà Oanh ứa nước mắt: “Nguyên tắc trong kinh doanh là tất cả cùng thắng, cùng hưởng lợi. Sau sự việc chúng tôi đâm đơn tố cáo, có người nói chúng tôi ác. Nhưng thực sự họ ép chúng tôi quá. Chúng tôi càng nhẫn nhịn, họ càng lấn tới. Ở tình thế bị dồn vào đường cùng, hết bị thanh kiểm tra, bị kiện ra tòa, bị đe dọa “đuổi ra khỏi đất Bình Dương”, rồi chưa biết họ giở thủ đoạn gì nữa, chúng tôi cũng buộc phải tự vệ, thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình”
Chiêu trò mới: Tạm đình chỉ vụ án?
Sau khi ông Bùi Thế Sơn, với tư cách người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú có Đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, thẩm phán Lê Thị Phơ đã trực tiếp vào Trại giam để gặp ông Sơn.
Tại Biên bản lấy lời khai ngày 25/6, Thẩm phán Phơ hỏi: “Việc rút đơn của ông là tự nguyện hay không? Đến thời điểm này, ông có giữ nguyên quan điểm rút đơn khởi kiện hay không?”. Ông Sơn đáp: “Tôi giữ nguyên yêu cầu rút đơn và đó là quyết định hoàn toàn tự nguyện”.
Trước đó, CQĐT Bộ Công an có văn bản gửi Sở KH&ĐT Bình Dương yêu cầu chưa đăng ký công nhận bà Hường và bà Châu là thành viên của Thiên Phú.
Trước việc rút toàn bộ Đơn khởi kiện của ông Sơn, theo luật, Tòa phải đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, bà Hường, bà Châu lại nghĩ ra “chiêu trò mới” để kéo dài vụ án.
Hai bà này ủy quyền đại diện cho bà Hà Thị Hồng Quyên ký nộp Đơn yêu cầu “tạm đình chỉ giải quyết vụ án”.
Theo nội dung Đơn yêu cầu, bà Hường và bà Châu đang khởi kiện tại TAND tỉnh Bình Dương, nội dung tranh chấp với ông Sơn, ông Phú về “người chưa phải là thành viên Cty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên Cty”. Bà Quyên cho rằng, việc giải quyết tranh chấp nội bộ này sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên đề nghị Tòa Q7 tạm đình chỉ vụ án, bao giờ có phán quyết của Tòa tỉnh Bình Dương sẽ giải quyết tiếp.
Điều đáng nói là bằng lá Đơn yêu cầu kể trên, cả 3 bà: Quyên, Hường, Châu đang tự phủ định tư cách mà họ đang đòi Tòa chấp nhận.
Với bà Hường, bà Châu, rõ ràng là đã tự thừa nhận họ chưa phải là thành viên góp vốn của Thiên Phú, không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do đó, theo pháp luật, bà Hường, bà Châu không có bất cứ quyền hạn và lý do hợp pháp nào để yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án giữa nguyên đơn là Cty Thiên Phú với bị đơn là Cty Nam Sài Gòn và Agribank.
Với bà Quyên, ngày 8/1/2019, ông Sơn ký giấy ủy quyền cho bà là đại diện theo ủy quyền của Thiên Phú tham gia tố tụng trong vụ án. Đến ngày 31/3/2020, bà Hường, bà Châu lại ký các Giấy ủy quyền cho bà Quyên là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Hường và bà Châu, tham gia tố tụng trong vụ án. Như vậy, bà Quyên tham gia vụ án với tư cách đại diện theo ủy quyền cho cả nguyên đơn và cả bà Hường, bà Châu. Ông Sơn, ông Phú đang là chủ sở hữu và đại diện Cty Thiên Phú. Bà Hường, bà Châu đang kiện ông Sơn, ông Phú, kiện Cty Thiên Phú vi phạm nghĩa vụ đối với 2 bà. Quyền và lợi ích của 2 bên là đối lập. Do đó, bà Quyên không thể cùng một lúc đại diện ủy quyền cho cả 2 bên có “quyền và lợi ích đối lập” trong vụ án vì trái với qui định tại Điều 87 Bộ luật TTDS 2015. Tư cách đại diện trái luật của bà Quyên phải bị bác bỏ. Do đó, Đơn yêu cầu tạm đình chỉ vụ án do bà Quyên ký không có giá trị pháp lý.
Cách đây 20 năm, phản ánh tình trạng tùy tiện trong xử án dân sự, Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương đã phải nhận xét: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được”. Hai mươi năm sau, dù hệ thống pháp luật đã đầy đủ, nhận thức pháp luật đã được nâng cao, nhưng vấn nạn ấy vẫn xảy ra.
Hy vọng, Tòa Q7 sẽ không để vụ án này trở thành một ví dụ cho thực tế đau xót ấy./.