Cơ quan quản lý làm gì khi các cơ sở thẩm mỹ viện Quốc tế Venus hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo chuyên môn nhưng vẫn ngang nhiên cung cấp các dịch vụ cũng như rầm rộ quảng cáo? Có hay không việc nhận hối lộ để tiếp tay cũng như buông lỏng quản lý? Là câu hỏi mà thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đặt ra.
Thưa Luật sư, với vụ việc của thẩm mỹ viện Quốc tế Venus như báo chí đã nêu thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thẩm mỹ viện Quốc tế Venus (Venus) được cấp giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề chăm sóc da mặt. Tuy nhiên lại thực hiện những dịch vụ khác mà những dịch vụ đó buộc phải có giấy phép của Sở y tế thì mới có thể thực hiện. Theo như quy trình, sau khi có đăng ký kinh doanh thì Venus phải tiếp tục nộp hồ sơ lên Sở y tế để được thẩm định đủ điều kiện thì mới được cấp phép tuy nhiên cơ sở thẩm mỹ này lại không hề tuân thủ. Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu và của chính Venus thì theo tôi, vụ việc này trách nhiệm còn thuộc về cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan quản lý cấp phường, quận và Sở y tế. Các cơ quan quản lý này làm gì khi Venus không có giấy phép, không đảm bảo chuyên môn cũng như điều kiện kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên cung cấp các dịch vụ cũng như rầm rộ quảng cáo gây thiệt hại về sức khỏe cho những người sử dụng dịch vụ?.
Sở không cấp phép mà Quận cấp phép, vậy có để xảy ra tình trạng bỏ lọt quản lý hay không? Việc buông lỏng quản lý của chính quyền có phải là sự tiếp tay hay không, thưa Luật sư?
Để khẳng định việc có hay không việc buông lỏng quản lý cũng như có hay không việc tiếp tay của cơ quan quản lý thì phải thông qua hoạt động điều tra bằng các phương pháp nghiệp vụ và phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền và cụ thể ở đây là cơ quan điều tra và Sở y tế. Những vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải làm rõ là Venus hoạt động không phép trong một thời gian dài mặc dù đã có sự phân cấp kiểm tra, giám sát cho quận, huyện, phường tại sao cơ sở thẩm mỹ này lại vẫn ngang nhiên cung cấp dịch vụ không phép? Vấn đề đặt ra ở đây, có hay không việc nhận hối lộ để tiếp tay cũng như buông lỏng quản lý?
Số tiền nạn nhân nộp để sử dụng dịch vụ có được bồi hoàn không?
Theo Điều 513 Bộ Luật dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ có thể thực hiện bằng hợp đồng miệng hoặc bằng văn bản và với việc những khách hàng đã thanh toán tiền cho Venus để đổi lại những dịch vụ tương ứng với những hứa hẹn từ phía Venus như vậy quan hệ giữa những nạn nhân và thẩm mỹ viện đã được xác lập dựa trên hợp đồng dịch vụ.
Theo Khoản 1 Điều 517 và theo Điều 516 Bộ Luật dân sự 2015 quy định thì việc Venus không thực hiện công việc đúng chất lượng và không đạt được kết quả như hai bên đã thỏa thuận và gây thiệt hại về sức khỏe cho phía các nạn nhân. Theo đó phía Venus đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ. Vì vậy những nạn nhân trước tiên có thể yêu cầu phía thẩm mỹ viện hoàn lại tiền và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu phía Venus không thực hiện thì các nạn nhân có thể tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hoàn lại số tiền và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mức xử phạt khi cơ sở thẩm mỹ viện quảng cáo không phép như thế nào, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.
“Tế bào gốc vi sinh” của Venus không có xuất xứ, chưa được cấp phép; Venus thực hiện các dịch vụ xâm lấn không phép; Các chất mà Venus đã tiêm cho “thượng đế” của mình không rõ là gì; Bác sĩ của Venus không có giấy phép hành nghề thì Venus sẽ đối mặt với những hình phạt gì, mức án như thế nào?
Thứ nhất đối với hành vi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó hành vi “sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp người bệnh tự nguyện tham gia thử nghiệm thuốc trên lâm sàng theo quy định của pháp luật” thì sẽ bị “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” và hình thức xử phạt bổ sung là “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng”.
Thứ hai đối với việc Venus thực hiện cung cấp các dịch vụ không được cấp phép thì Theo Điểm a Khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó đối với hành vi “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động” thì sẽ bị “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000”. Ngoài ra còn phải đối mặt với hình phạt bổ sung là “Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng”.
Thứ ba, đối với việc bác sĩ của Venus hành nghề khi không có chứng chỉ hoặc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu thì theo quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo đó đối với hành vi “Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề” hoặc “Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu” thì sẽ bị “ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng”.
Cũng tại Khoản 7 Điều 28 của Nghị định này cũng quy định ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm còn phải đối mặt với Hình thức xử phạt bổ sung là: “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”.
Trường hợp vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác nêu trên mà dẫn đến hậu quả tỷ lệ thương tích cao hoặc gây ra hậu quả chết người thì những người trực tiếp tham gia phẫu thuật cũng như thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh không được cấp phép còn phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 theo đó tùy vào thương tích cũng như hậu quả, thiệt hại thực tế của hành vi gây ra thì người phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù thấp nhất là 01 - 15 năm.
Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Xin cảm ơn luật sư!