Vụ kiện dự án Hòa Lân (Bình Dương): Được, mất từ một phiên tòa!

Sau 2 lần tạm ngưng khiến bị đơn cho rằng Tòa vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, sáng 20/8, TAND quận 7, TP HCM (Tòa Q7) tiếp tục đưa vụ kiện đòi hủy kết quả đấu giá dự án Hòa Lân ra xét xử. HĐXX bất ngờ tuyên: tạm ngưng phiên xử để thu thập thêm chứng cứ (!?)...

 

Vụ kiện dự án Hòa Lân (Bình Dương): Thêm một 'chiêu trò mới' của Thiên Phú

Tiếng vỗ tay đơn độc của nguyên đơn

Trước đó, tại phiên xử ngày 13/8, trả lời đề nghị của thẩm phán, các bên cho biết đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày, khồng còn gì để tranh luận nữa. Theo qui định, sẽ đến phần phát biểu của VKS và sau đó sẽ nghị án. Tuy nhiên, chủ tọa bất ngờ tuyên: tạm dừng phiên tòa 7 ngày.

Ngày 20/8, tiếp tục phiên xử, chủ tọa bất ngờ công bố văn bản của VKS Q7 ký ngày 19/8, yêu cầu thu thập chứng cứ xác minh 2 nội dung:

Thứ nhất, áp dụng Điều 5 Luật Đấu giá 2016; căn cứ Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định một số điều của Luật Kinh doanh BĐS về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án do UBND các cấp quyết định đầu tư và thẩm định, cho ý kiến về hồ sơ chuyển nhượng. Từ đó, trước khi chuyển nhượng bằng hình thức đấu giá, phải được các sở chuyên ngành tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh ký quyết định cho phép chuyển nhượng. Theo VKS, dự án Hòa Lân có cả diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Việc bán đấu giá chưa làm rõ ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương.

Thứ hai, Tòa Q7 chưa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 11/2011/TT-NHNN. Nguyên đơn tranh chấp việc tính lãi và thời điểm tính lãi; yêu cầu giám định, nhưng Tòa chưa trưng cầu giám định.

Căn cứ văn bản trên, HĐXX quyết định ngưng phiên tòa không quá 1 tháng để thu thập thêm chứng cứ, trong đó có việc tính lãi như ý kiến của VKS.

Phản đối quyết định của HĐXX, bị đơn Nam Sài Gòn nêu: Căn cứ Điều 5, Điều 24 Quyết định 458/QĐ-VKSTC ngày 4/10/2019, sau khi đã tiến hành xét xử, VKS tại phiên tòa không có quyền đưa ra yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ; việc này phải đưa ra trước khi phiên xét xử diễn ra. Đưa ra yêu cầu sau khi các bên đã tranh luận là vi phạm tố tụng về giao nộp chứng cứ quy định tại Điều 96, 97 BLTTDS và vi phạm chức năng quyền hạn của KSV tại phiên xử.

Yêu cầu của VKS là không đúng với nội dung khởi kiện của nguyên đơn về việc tuyên bố Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là vô hiệu.

Chủ tọa Lê Thị Phơ nói “không giải thích thêm. Việc HĐXX quyết định tạm dừng để thu thập chứng cứ cụ thể là gì sẽ ghi trong quyết định gửi đến các đương sự”.

Đại diện Kim Oanh phản đối việc tạm ngưng phiên xử. Đại diện Agribank yêu cầu HĐXX nêu lại lý do tạm ngưng để ghi chép nhằm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Trả lời, Chủ tọa Lê Thị Phơ nói “không giải thích thêm. Việc HĐXX quyết định tạm dừng để thu thập chứng cứ cụ thể là gì sẽ ghi trong quyết định gửi đến các đương sự”.

Khi nghe HĐXX tuyên tạm dừng phiên xử, dù là bên khởi kiện, cho rằng bị thiệt hại, đại diện nguyên đơn bất ngờ… vỗ tay!

Đằng sau tiếng vỗ tay của nguyên đơn?

Dự án Hòa Lân do không triển khai được, sa vào nợ xấu, nên Thiên Phú phải tự nguyện giao cho Agribank bán đấu giá. Phải trải qua 12 phiên đấu giá mới có 3 doanh nghiệp mua và Kim Oanh trúng đấu giá.

Sau đấu giá, dự án Hòa Lân từ “cục nợ xấu” trở thành “cục vàng lóng lánh” do thị xã Thuận An trở thành thành phố. Từ đây, một âm mưu quấy phá, buộc Kim Oanh phải “chia lại miếng bánh Hòa Lân” được chính Giám đốc Thiên Phú Bùi Thế Sơn nói ra thành lời.

Sau khi khiếu nại đòi hủy kết quả đấu giá tới Thannh tra Bộ Tư pháp không thành, Thiên Phú khởi kiện ra Tòa Q7.

Cuộc chơi “1 ăn 200” bắt đầu. Thiên Phú chỉ cần bỏ ra 1 tỷ đặt cọc, đổi lại, Tòa Q7 có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa dự án Hòa Lân. Sau gần 2 năm bị phong tỏa, chỉ tính riêng số vốn 1600 tỷ bị “chôn” vào dự án, Kim Oanh đã thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

Với tỉ lệ “1 ăn 200”, vụ kiện càng kéo dài, Kim Oanh càng thảm.

Giám đốc Sơn bị bắt cùng 2 phó giám đốc Thiên Phú do lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ của Kim Oanh trong quá trình chuyển giao dự án Hòa Lân. Tư cách đạo đức xấu xa của đại diện nguyên đơn lộ rõ. Tuy vậy, với 99% vốn điều lệ, trực tiếp ký đơn khởi kiện, Giám đốc Sơn mới chính là người đại diện đúng nghĩa nhất của Thiên Phú trong vụ kiện này.

Những đại diện nguyên đơn sau này đều không có quyền lợi liên quan đến Thiên Phú như ông Sơn. Ông Tuấn thì bị ông Sơn có văn bản hủy toàn bộ nội dung ủy quyền; bà Quyên không có vốn góp tại Thiên Phú. Ông Phú, người có 1% vốn tại Thiên Phú, lại đang bị ông Trọng có đơn tố cáo dùng giang hồ ép ông phải chuyển nhượng vốn.

Còn bà Hường và bà Châu đã bỏ tiền mua phần vốn của ông Sơn và ông Phú thì cho đến hiện nay vẫn chưa được công nhận là cổ đông mới của Thiên Phú, do có văn bản yêu cầu của C03 Bộ Công an.

Dù ông Sơn đã có Đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đến Tòa Q7, nhưng vụ kiện vẫn không đình chỉ mà vẫn diễn ra trong sự hoài nghi của dư luận về tư cách “những đại diện” nguyên đơn. Những “đại diện” này liên tục đưa ra nhiều yêu cầu, kể cả vô lý, nhằm kéo dài vụ kiện. Tiếng vỗ tay của nguyên đơn đã bộc lộ mong muốn đó.

Xử cho nguyên đơn thắng kiện sẽ ra sao?

Là người theo dõi vụ việc ngay từ đầu, Đại biểu Quốc hội - Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định, từ chỗ mua đấu giá và đã thanh toán đủ, qua đó góp phần thu hồi nợ xấu cho Agribank, thu hồi 1.350 tỷ vốn nhà nước, hiện nay Kim Oanh bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng bởi biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa Q7. Nếu cứ tái diễn những diễn biến “bất thường” tại các phiên tòa như vừa qua thì Kim Oanh còn bị “chôn chân” lâu hơn nữa, thiệt hại hàng trăm tỷ, đất bỏ hoang, chờ đợi một cách lãng phí.

Nợ của Thiên Phú là nợ xấu, phải được xử lý theo pháp luật ngân hàng, tín dụng, theo đó phải ưu tiên thu hồi nợ nếu có cơ hội. Nếu hủy kết quả đấu giá của phiên thứ 12 để đấu giá lại sau 11 phiên đấu giá không thành thì khác nào ngân hàng “thả mồi, bắt bóng”, rủi ro mất tài sản nhà nước rất lớn.

Hồ sơ đã phản ánh rõ, ngân hàng có toàn quyền định đoạt đối với QSDĐ có thu tiền SDĐ, có quyền tổ chức đấu giá mà không cần ý kiến của người vay khi họ vi phạm hợp đồng và không trả được nợ. Điều này chẳng những đúng luật mà còn là thông lệ của hoạt động tín dụng ở Việt Nam và quốc tế.

Toàn bộ vụ đấu giá đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp thanh tra theo khiếu nại của nguyên đơn. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về toàn bộ hoạt động của các trung tâm đấu giá toàn quốc. Sau thanh tra, Bộ đã báo cáo và Chính phủ trả lời việc này thuộc toàn quyền giải quyết của Bộ Tư pháp.

Từ nhận định trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Bộ Tư pháp đã thanh tra và kết luận rõ ràng, không hề yêu cầu sửa chữa hay hủy bỏ kết quả đấu giá. Nếu Tòa Q7 hủy kết quả đấu giá thì có nghĩa là bác bỏ kết luận của Bộ Tư pháp. Làm như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều mặt, chẳng những về vật chất mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư và tình hình kinh tế - xã hội, mất niềm tin của các nhà đầu tư vào pháp luật đấu giá tài sản của Việt Nam.”

Một hệ lụy nữa, nếu Tòa hủy kết quả đấu giá thì nguyên đơn cũng không thể nhận lại 50ha đất để tiếp tục làm chủ đầu tư dự án. Bởi, Thiên Phú đã nhận đất từ 2007 mà không có khả năng tài chính để thực hiện, đang nợ Agribank 1.717 tỷ chỉ riêng khoản vay cho Dự án Hòa Lân, chưa kể hàng ngàn tỷ của các hợp đồng vay khác. Thiên Phú cũng đã vi phạm Luật Đất đai và Luật Đầu tư vì trễ hạn sử dụng đất quá dài và cần phải bị thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác.

Việc bà Hường, bà Châu nhận chuyển nhượng vốn từ ông Sơn, ông Phú và đang làm thủ tục để trở thành cổ đông của Thiên Phú cũng chưa có gì chứng minh sẽ giúp Thiên Phú cải thiện năng lực tài chính. Cần lưu ý rằng, họ đang bị C03 Bộ Công an điều tra vì phân lô bán nền trái phép hàng trăm ngàn m2 đất tại Bình Dương. Trước đó, vụ lách luật tách hơn ngàn thửa đất của họ đã làm hàng loạt cán bộ tỉnh Bình Dương bị kỷ luật.

Cuối cùng, là câu hỏi, chúng ta sẽ được gì nếu vụ kiện kéo dài, bởi sẽ tạo nên một tiền lệ xấu về đạo lý và pháp lý khi doanh nghiệp trúng đấu giá ngay tình giúp Nhà nước giải quyết nợ xấu bị kiệt sức bởi cuộc chơi“1 ăn 200”quá bất công?

“Văn bản trên chứng tỏ VKS Q7 đã hiểu sai pháp luật. Vụ đấu giá tài sản này được thực hiện theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP và việc ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo Luật Đấu giá 2016. VKS viện dẫn Luật Đấu giá 2016 để nói về quá trình đấu giá là không đúng, vì thời điểm đấu giá thành dự án Hòa Lân, Luật Đấu giá 2016 chưa có hiệu lực pháp luật (Luật Đấu giá 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017).

Dự án Hòa Lân được mua bán theo hình thức đấu giá nên chỉ tuân thủ quy định về đấu giá, không thể áp dụng Luật Kinh doanh BĐS. Vì Luật Kinh doanh BĐS quy định về trường hợp chuyển nhượng dự án, một phần dự án không theo phương thức đấu giá. VKS Q7 và HĐXX đã cố tình vi phạm tố tụng, cố tình kéo dài vụ án, nhằm mục đích thiếu minh bạch nào đó”- Đại diện bị đơn Nam Sài Gòn.

Báo TNVN tiếp tục đăng tải diễn biến phiên tòa.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận