Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã kết thúc phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Giết người và Chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, có 29 bị cáo bị xét xử về tội Giết người và Chống người thi hành công vụ.
Bên cạnh những mức án nghiêm khắc được tuyên, phiên tòa cũng cho thấy sự khoan hồng của pháp luật đối với các bị cáo thực sự ăn năn hối cải, nhận thức được tội lỗi. Vụ án được đưa ra xét xử thể hiện sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật trong việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo trong xã hội, trừng trị thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. Vụ án này cũng để lại nhiều bài học trong công tác phòng chống tội phạm, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Qua hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa cho thấy, dù biết rõ cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất Quốc phòng, nhưng từ năm 2013, Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành) và một số đối tượng thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. Các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện phức tạp; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai lệch về nguồn gốc đất đồng Sênh gây ra nhiều vụ gây rối trật tự công cộng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý điều hành của chính quyền. Nhóm này góp tiền mua lựu đạn, mua xăng làm bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng. Họ còn tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời tuyên bố nếu cơ quan chức năng đến Đồng Tâm thì sẽ sát hại từ 300 - 500 người.
Rạng sáng 9/1/2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch thì các đối tượng đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, tuýp sắt gắn dao bầu tấn công. Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các đối tượng dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật nhưng các đối tượng càng chống đối quyết liệt, hậu quả khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Nhận định về nguyên nhân sâu xa của vụ án này luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đó chính là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn yếu kém. Ông Cường cho biết: “Trên cơ sở một xã hội thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp chế xã hội chủ nghĩa thì phải lấy pháp luật làm chuẩn mực của hành vi. Những tranh chấp, khiếu kiện phải được giải quyết bằng các thủ tục pháp luật và phải tôn trọng phán quyết của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong vụ án này khi sự việc đã rõ ràng rồi thì một số đối tượng địa phương dù biết rõ là mình không có cơ sở pháp lý nhưng vẫn lôi kéo, kích động khi đó là sai phạm của nhóm đối tượng. Khi đã làm rõ rồi nhưng một số đối tượng đã cố tình không hiểu, cố tình đưa ra thông tin sai trái, sai lệch để làm cho người dân tin theo hoặc là có những hành động dụ dỗ, ép buộc người dân để thực hiện hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ và đỉnh điểm là chống người thi hành công vụ rồi giết người. Đó là một bài học rất đau lòng”.
Từ vụ án này mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội để tránh bị nhiễu loạn thông tin, sa vào vòng xoáy của những thông tin xấu độc rồi biến mình thành kẻ phạm tội. Bởi thực tế, trong vụ án này nhóm đối tượng đã nhiều lần đăng tải các clip trên facebook tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất ở đồng Sênh nhằm lôi kéo, kích động nhân dân địa phương, thu hút sự quan tâm của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, gây áp lực với cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tác động tiêu cực đến sự gắn bó giữa chính quyền và nhân dân với âm mưu gây bất ổn, xáo trộn trong đời sống xã hội.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học cho rằng: “Nhiều người dân tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và bị dẫn dụ bởi những thông tin sai sự thật đó dẫn đến những hành vi: một là tham gia thực hiện những hành vi nguy hiểm, chống đối lại cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thứ hai là quyên góp về tài chính, gửi về những tài khoản của các đối tượng trong Tổ đồng thuận. Tôi cho là kỹ năng sử dụng mạng xã hội của bộ phận người dân còn yếu kém, thiếu sự nhận thức đầy đủ pháp luật. Thậm chí người ta có thể hiểu nhưng coi thường pháp luật đấy. Do đó cần xử lý để làm gương với những đối tượng có tham gia việc vận động, tài trợ, hô hào, ủng hộ nhóm tội phạm này. Thông qua việc xử lý đó chúng ta nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội”.
Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng - người phát ngôn Bộ Công an cho rằng một trong những vấn đề rút ra từ vụ án này, đó là hậu quả của sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vụ án để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá./.
Đình Hiếu/VOV1