Mua nợ xấu và rủi ro pháp lý khó tin: Kỳ 1- Điều luật bị hiểu sai và hệ lụy
“Cạm bẫy” kéo dài vụ án
Ông Phạm Huỳnh Công cho biết, tại “Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)” số 157/BC-UBTVQH ngày 20/6/2017, Điều 8 “Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm tại Tòa án” được UBTVQH giải trình: “Việc không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, do đó, Nghị quyết đã bổ sung cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở giao dịch bảo đảm này đã được đăng ký theo qui định của pháp luật. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, Nghị quyết này giao TAND Tối cao hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn”.
Tuy nhiên, đến nay, dù đã triển khai hơn nửa chặng đường nhưng trình tự rút gọn theo NQ42 vẫn chưa được tòa án nào áp dụng. Trong khi đó, thực tế kéo dài vụ án liên quan đến nợ xấu nơi công đường nhằm triệt hạ đối thủ là một âm mưu có thật. Xin dẫn ra đây một vụ án.
Từ năm 2003, Cty Thiên Phú vay Agribank 305 tỷ đồng và 18.643,3 lượng vàng; tổng dư nợ sau quy đổi là 1.117.689.720.000 đồng. Để bảo đảm khoản vay, Thiên Phú đã dùng dự án Hòa Lân làm tài sản thế chấp. 15 năm sau, do không trả được nợ, Thiên Phú phải giao dự án cho Agribank bán đấu giá. Phải trải qua 12 phiên đấu giá mới có 3 doanh nghiệp mua và Kim Oanh trúng đấu giá.
Sau đấu giá, dự án Hòa Lân từ “cục nợ xấu” trở thành “cục vàng” bởi vị trí đắc địa khi thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố. Từ đây, Thiên Phú trở mặt kiện ngân hàng.
Sau khiếu nại đòi hủy kết quả đấu giá tới Thanh tra Bộ Tư pháp không thành, Thiên Phú quay sang khởi kiện ra tận... TAND quận 7 Tp HCM (Tòa Q7).
Thiên Phú chỉ cần bỏ ra 1 tỷ “ký quỹ”, đổi lại, ngày 27/2/2019, Tòa Q7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa dự án Hòa Lân. Sau gần 1 năm 8 tháng bị phong tỏa, cùng với các cơ hội đầu tư bị mất đi, chỉ tính riêng số vốn 1600 tỷ bị “chôn” vào dự án, Kim Oanh đã thiệt hại trên 200 tỷ đồng.
Cuộc chơi “1 ăn 200” với thiệt hại ngày càng gia tăng theo hành trình vụ án bị kéo dài khiến Kim Oanh phải làm đơn kêu cứu về nguy cơ bị phá sản.
Cùng với Kim Oanh, Agribank có Văn bản số 2568/NHNo-PC báo cáo Thủ tướng và nhấn mạnh: “Việc Tòa Q7 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức là không đúng tinh thần của NQ42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của Agribank”.
Ngày 15/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tại Văn bản 4538/UBND-KT, nêu rõ: “Sau khi bán đấu giá, Kim Oanh nộp hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Xây dựng thẩm định. Nhưng khi đang trong quá trình giải quyết thì Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra quá trình đấu giá. Tiếp theo, ngày 14/02/2019, Thiên Phú có đơn ngăn chặn; ngày 15/3/2019, Tòa Q7 có quyết định “phong tỏa” dự án Hòa Lân.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo Tòa Q7 đẩy nhanh việc xét xử làm cơ sở để UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn Kim Oanh thực hiện thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo đúng quy định.”.
Sự thật nằm trong ... trại giam!
Theo băng ghi âm mà Kim Oanh cung cấp, chính Giám đốc Thiên Phú Bùi Thế Sơn cho biết: Thời điểm Tòa Q7 thụ lý vụ kiện, Cty Thiên Phú đã được người khác mua. Ông Sơn đã nhận “hai mươi mấy tỷ đồng”, đổi lại, ông phải bổ nhiệm ông T (tạm giấu tên) làm Phó Giám đốc và làm giấy ủy quyền cho người này. “Ông T là ủy quyền toàn quyền, còn bà H (người đưa hai mấy tỷ cho ông Sơn – PV) là người chỉ khi nào công việc xong mới giao Cty luôn”. Ông Sơn nói với bà Kim Oanh: “Mọi việc ai quậy em như thế nào anh biết hết, gây khó khăn cho em như thế nào anh biết, có chút đỉnh tiền lên là quậy em như thế nào anh biết hết. Anh nói nè, trong lúc khó khăn thì bao nhiêu chuyện nó dồn đến, nhưng người cầm cán trong cuộc chơi này họ mong muốn rằng miếng bánh này chia đều cho mọi người hài hòa... Miếng đất Hòa Lân bây giờ anh nói với em là thắng rất lớn chứ không nhỏ. Nhưng vấn đề bây giờ là em xử sự như thế nào...”. Vẫn ông Sơn:“Anh nói với em là phải thương lượng cho bên kia rút thì mọi chuyện sẽ ổn, anh khỏi phải trả lại tiền cho họ và họ phải trả hồ sơ lại cho anh thì anh mới hủy cái ủy quyền đó được, đúng hôn em? Lúc đó ký bãi nại gì là anh ký được, mấu chốt ở đây không phải là anh hay anh T, mà là bà H”.
Sau đó, ông Sơn bị bắt tạm giam vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vài ngày sau, xuất hiện hồ sơ Cty Thiên Phú nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi phần vốn góp (mốc thời gian trong hợp đồng ghi ngày tháng trước ngày ông Sơn bị bắt tạm giam).
Hồ sơ thể hiện, ông Sơn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Thiên Phú cho bà Phạm Thị Hường (54 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, do có văn bản ngăn chặn của Bộ Công an nên việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chưa được thực hiện.
Bất ngờ, từ trong trại giam, ông Sơn có đơn xin rút đơn khởi kiện, yêu cầu đình chỉ vụ án. Thẩm phán Lê Thị Phơ đã vào trại giam và ông Sơn vẫn khẳng định: “Tôi giữ nguyên yêu cầu rút đơn và đó là quyết định hoàn toàn tự nguyện”.
Nhưng Tòa Q7 vẫn tiếp tục đưa vụ án ra xét xử với những diễn biến xử rồi lại hoãn, lại ngưng mà Luật sư – Đại biểu Quốc hội Trương Trong Nghĩa cho là “bất thường”.
Mới đây, CQĐT Bộ Công an có Văn bản 3469/CSKT-P10 gửi Tòa Q7. Theo đó, căn cứ kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự TP.HCM thì "tại hồ sơ đăng ký kinh doanh của Cty Thiên Phú do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho cơ quan cảnh sát điều tra, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên "Bùi Thế Sơn" đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết".
Đồng thời, lời khai của ông Bùi Thế Sơn cũng khẳng định chữ ký trên các tài liệu chuyển nhượng vốn không phải của ông. Thiên Phú có vốn điều lệ 90 tỉ đồng, trong đó ông Sơn nắm giữ 99% vốn và là người đại diện pháp luật của Thiên Phú.
Ngày 15/9/2020, từ trại giam, ông Sơn có Đơn gửi Tòa Q7 bốn nội dung.
Thứ nhất, với toàn bộ hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Thiên Phú “chữ ký Bùi Thế Sơn tôi xác định là không phải chữ ký của tôi. Do vậy, tôi viết đơn này đề nghị Tòa Q7 không chấp nhận cho người khác tham gia vụ kiện”.
“Thứ hai, tôi đã từng đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền trước đây với bà Hà Thị Hồng Quyên là luật sư và ông Nguyễn Văn Tuấn (PGĐ Cty). Đến nay tôi tiếp tục đề nghị Tòa Q7 thực hiện việc hủy ủy quyền trên theo nguyện vọng của tôi”.
“Thứ ba, với 1% phần vốn góp của ông Trương Thành Phú tại Thiên Phú là do tôi nhờ Phú đứng tên giúp, không có góp vốn, không tham gia điều hành, không có bất kỳ quyền gì với Thiên Phú. Tôi cũng không ủy quyền cho Phú quyết định gì vì Phú chỉ là lái xe của tôi. Vì vậy không rõ vì sao thẩm phán thông báo cho tôi là ông Phú có ủy quyền cho những người trên tham gia vụ kiện ở Tòa Q7”.
“Theo tôi, Phú có thể bị đe dọa hoặc bị mua chuộc. Đề nghị CQĐT và Tòa Q7 điều tra làm rõ sự việc trên và bác bỏ các nội dung ông Phú ủy quyền hoặc yêu cầu tại Tòa Q7”.
“Thứ tư, việc ông Phú ký nhận tiền của người khác để chuyển nhượng phần vốn góp trên danh nghĩa tại Thiên Phú, ký vào các tài liệu giả mạo chữ ký của tôi, nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đề nghị Tòa Q7 có văn bản kiến nghị CQĐT vào cuộc để làm rõ và bảo vệ quyền lợi ích cho tôi và pháp nhân Thiên Phú”.
Về việc mua vốn góp khó hiểu tại Thiên Phú, trong Đơn đề nghị gửi VKSND Q7 ngày 7/9/2020, Kim Oanh khẳng định: “Bản chất vấn đề này như sau: Thực tế đến ngày 25/5/2017, tổng cộng nợ gốc và lãi Thiên Phú còn phải trả cho Agribank là 3.145.768.290.960 đồng, sau khi bán đấu giá toàn bộ tài sản của Cty Thiên Phú, Ngân hàng thu hồi nợ lãi và gốc là 1.428.373.475.447 đồng; Hiện Thiên Phú không còn tài sản nào và vẫn nợ Ngân hàng 1.717.394.815.518 đồng, đến nay không có khả năng trả. Vậy mà sau 2 năm, Thiên Phú đem toàn bộ tài sản là Dự án Hòa Lân ra đấu giá trả nợ Ngân hàng; Cty Thiên Phú ví như đã chết nhưng chưa chôn, còn một khoản nợ lớn, không có tài sản nào và không hoạt động, nhưng bà Hường, bà Châu vẫn nhận chuyển nhượng vốn góp. Quan hệ mua vốn góp của bà Hường, việc khởi kiện của ông Sơn, cách thụ lý đơn kiện chóng vánh cho thấy bản chất đây là việc mua bán vụ kiện”.
Cũng trong lá đơn kể trên, Cty Kim Oanh đề nghị Tòa Q7 nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trúng đấu giá ngay tình và góp phần xử lý nợ xấu thành công./.
Kỳ 3: Có hay không “cơ hội vàng làm tan chảy cục máu đông”?