Phân bón giả, kém chất lượng diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường...
Đánh vào tâm lý “ham rẻ” của người tiêu dùng
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) hiện cả nước có 814 cơ sở sản xuất kinh doanh, mỗi năm hàng chục triệu tấn phân bón với hàng nghìn loại phân bón khác nhau được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh tiêu thụ trên thị trường. Cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ tràn lan không những gây ảnh hưởng đến môi trường sống, năng suất, chất lượng của cây trồng, mà còn giết chết các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phá hoại sản xuất trong nước.
Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019 các cơ quan chức năng phát hiện xử phạt hành chính hơn 82 tỷ, xử lý hình sự khởi tố 10 vụ, 12 bị can đối với hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng không rõ nguồn gốc, được sản xuất, đóng gói tại nhiều nơi: ở miền Bắc chủ yếu tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Phú Thọ, Hoà Bình, Hải Dương, Ninh Bình…; ở miền Trung là Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng…; ở miền Nam là Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…
Về phương thức, thủ đoạn, đối tượng thường lợi dụng khe hở trong các quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng hợp các chất dinh dưỡng để trộn sản phẩm giá rẻ, thậm chí trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường. Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Hoạt động sản xuất phân bón giả, kém chất lượng diễn ra nhiều năm nay đối với cả phân bón vô cơ và hữu cơ nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt sản phẩm NPK dễ bị làm giả nhất, bởi lợi nhuận cao, công nghệ làm giả đơn giản chỉ cần “xúc xẻng” trộn, đóng bao bì”.
Đối tượng thường tổ chức hoạt động sản xuất bí mật, khép kín, chia nhỏ từng khâu, đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ, thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng trên thực tế không có cơ sở sản xuất…, gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tìm cơ sở vi phạm.
Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng vào nhận thức, trình độ dân trí thấp, tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của đại đa số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón lớn (đồng bằng Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên), đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, chiết khấu, cho nợ gối đầu... với những cửa hàng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để buôn bán tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết: “Sản phẩm phân bón giả dưới hai hình thức đó là gắn nhãn mác giả của thương hiệu nổi tiếng và sản phẩm kém chất lượng đến mức là hàng giả. Đối với việc giả thương hiệu đã có Luật Hình sự nên sai phạm này không nhiều, chủ yếu là sai phạm về hàng không đảm bảo chất lượng. Nhược điểm lớn nhất của người nông dân là ham rẻ. Nhu cầu về mặt hàng giá rẻ cao, đại lý bán có được lợi nhuận cao hơn nên họ lựa chọn để bán dẫn đến những sản phẩm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường”.
“Việc phân biệt hàng kém chất lượng và hàng chất lượng rất khó, sau khi bón cho cây trồng không đem lại hiệu quả mới phát hiện ra được. Điều này gây thiệt hại về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người nông dân”, ông Phong cho biết thêm.
Cần nhiều biện pháp mạnh
Nguyên nhân của thực trạng trên, BCĐ 389 chỉ ra hầu hết các vụ việc trong lĩnh vực phân bón mới chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra về điều kiện kinh doanh, nguồn gốc hàng hoá, hoá đơn, chứng từ… và được xử lý vi phạm hành chính, chưa tập trung kiểm tra xác định về chất lượng, điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý hình sự. Bên cạnh đó, một số địa phương còn lơ là trong việc quan tâm chỉ đạo thực hiện kế hoạch; công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với địa phương còn thiếu thống nhất, chưa thực chất...
“Tới đây phải điều tra truy tố nghiêm khắc nhất theo Luật Hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả, phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả bắt bỏ tù ngay, lên án những hành vi tiêu cực”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Trả lời công dân về giải pháp triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả giúp sản xuất nông nghiệp làm ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2020 vừa diễn ra tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm trước đây phân bón còn nhiều vấn đề, tuy nhiên sau năm 2016, Thủ tướng ra văn bản, nghị định mới thống nhất một đầu mối là Bộ NN&PTNT là cơ quan trực tiếp quản lý.
Tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường quản lý của cơ quan quản lý nhà nước giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các tỉnh để giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng dụng phân bón cùng các vật tư khác. Đảm bảo Việt Nam không chỉ là cường quốc về sản xuất nông nghiệp, mà còn được biết đến với nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, tham gia sâu hơn trong chuỗi nông sản toàn cầu.
Ông Nguyễn Hồng Phong cho rằng, trước hết người nông dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách tìm đến những sản phẩm uy tín, có thương hiệu lớn, thay đổi tư duy không nên ham sản phẩm rẻ. Đối với doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tiếp cận sâu sát, trực tiếp với bà con.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị: “Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông và nhập khẩu. Để làm tốt điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có chế tài xử phạt rồi nhưng thực hiện phải rõ ràng và đặc biệt là minh bạch./.