Mua nợ xấu và rủi ro pháp lý khó tin Kỳ 2: Nghị quyết 42 và 'cạm bẫy' kéo dài vụ án
“Cơ hội vàng” xử lý nợ xấu?
Nói về NQ42 trên diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chúng ta không chỉ bảo đảm lợi ích của ngân hàng, mà còn phải bảo đảm lợi ích của người gửi tiền. Tỷ lệ nợ hiện nay là 10,8% (gồm nợ nội bảng, nợ treo ở VAMC...) là “chuyện không bình thường”, cần kíp có cơ chế để giải quyết khối nợ này, tạo động lực khơi thông dòng vốn trong kinh tế.
NQ42 có 2 điểm đột phá. Một là quyền thu giữ tài sản bảo đảm, từng khiến nhiều ngân hàng lâm vào tình cảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”, đã trở về tay các ngân hàng thương mại, ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định.
Bên cạnh quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khuôn khổ pháp lý giúp hình thành thị trường mua bán nợ thực thụ vốn là khoảng trống rất lớn trong xử lý nợ xấu từ trước đến nay, cũng được NQ42 lấp đầy.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Thêm vào đó, Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu cũng được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Trước thời điểm NQ42 chính thức có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai NQ42 và Quyết định 1058/QĐ-TTg (QĐ1058) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chỉ đạo 3 điểm quan trọng đối với việc thực thi nghị quyết xử lý nợ xấu.
Một là, tổ chức quán triệt nội dung và thực hiện NQ42 trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hằng năm và định kỳ báo cáo tình hình xử lý nợ xấu. Hằng năm, đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại TCTD.
Hai là, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh, trong đó đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ...
Ba là, nghiên cứu văn bản số 152/TANDTC-PC ngày 19/7/2017 của TANDTC về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu để trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, đề nghị TAND các cấp xử lý theo đúng tinh thần của văn bản này.
Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp, báo cáo số liệu xử lý nợ xấu, xây dựng Báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Kỳ vọng về chuyển biến nhanh và thực chất trong xử lý nợ xấu là rất lớn; đồng thời áp lực với NHNN và các TCTD cũng không hề nhỏ.
Ước tính theo giả định tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm 16%, lượng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm thực hiện NQ42 sẽ vào khoảng 640.000 tỷ đồng, tương đương mỗi năm khoảng 130.000 tỷ đồng. Con số còn có thể lớn hơn khi tăng trưởng tín dụng đang được nới cao hơn nhiều mức giả định 16%.
Dấu ấn 3 năm triển khai...
Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 cuối tháng 9/2020 đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về xử lý nợ xấu.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: “Sau một thời gian triển khai, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ tại NQ42 và Quyết định1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD...”
Đến nay, về cơ bản, sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD được giữ vững, các TCTD bảo đảm các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật; Chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%; Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý…, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ...
Tuy nhiên, diễn đàn cũng nêu ra những thách thức về xử lý nợ xấu, cho thấy áp lực làm “tan chảy cục máu đông” vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, theo đánh giá của NHNN, dịch bệnh COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động của các TCTD, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng giảm, nợ xấu đang gia tăng.
Báo cáo phân tích mới đây của Fiin Group đưa ra con số đáng lưu ý: Tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,44% cuối quý 4/2019 lên 1,71% vào cuối quý 2/2020.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại, nếu dịch bệnh không sớm được ngăn chặn sẽ tác động khó lường. “Nợ xấu hết thời gian cơ cấu lại có thể sẽ tăng mạnh. Nhìn vào báo cáo tài chính ngân hàng vẫn có lãi mấy nghìn tỷ, song thực tế số lãi này rất mỏng, nợ xấu dềnh lên một chút là lợi nhuận sẽ bị bào mòn”, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Điều đáng quan tâm là, nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới có nguy cơ tăng thêm, trong khi cơ chế xử lý nợ xấu hiện vẫn còn nhiều vướng mắc đã và đang chất thêm khó khăn cho các ngân hàng.
Hiện quy trình đòi nợ, xử lý nợ xấu của ngân hàng thường phải trải qua các bước rất gian nan: khởi kiện dân sự, tòa xử và bàn giao tài sản cho ngân hàng rồi ngân hàng mới có thể nhận tài sản để xử lý, thu hồi nợ. Khâu nào trong quy trình này cũng đều gặp khó khăn, thời gian bị kéo dài. Do không chuyển quyền sở hữu tài sản được, có những ngân hàng ngậm đắng khi vừa không bán được tài sản lại còn bị người mua kiện vì không thực hiện theo cam kết.
Cần “luật hóa” Nghị quyết 42
Ngoài thực tế áp dụng NQ42 không thống nhất, hiểu sai qui định của NQ42, cố tình kéo dài vụ án trong tranh chấp mua bán nợ xấu mà Báo TNVN đã phản ánh, việc áp dụng thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu theo qui định của NQ42 cũng hầu như... chưa được áp dụng.
Tại Agribank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phượng cho biết, con số vụ kiện dân sự mà ngân hàng này đang chờ tòa xử lên đến hơn 7.000.
Một cơ chế mà ngân hàng mong mỏi là NQ42 cho phép ngân hàng áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới ghi nhận 2 hồ sơ được tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn là của OCB và SCB. Còn lại đều đang trong tình trạng chờ tòa xem xét.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nhiều khách hàng đã có dấu hiệu trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các TCTD khiến cho quá trình xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn.
Thực tế đó cho thấy sự thiếu đồng bộ của các bộ, ngành, Tòa án, công an, chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các TCTD để xử lý, thu hồi nợ xấu. Thậm chí, có địa phương, vẫn xem đây là lĩnh vực riêng của ngân hàng…
Ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng Giám đốc Cty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) - đánh giá, NQ42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, NQ42 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm. Do đó, sau thời điểm NQ42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu sẽ nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như thực tế áp dụng NQ 42. Đồng thời, NHNN sẽ xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, đã đến lúc phải tính đến việc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu để tiến trình xử lý được đẩy nhanh hơn và triệt để hơn. Nhất trí với đề xuất cần luật hóa NQ42, nhưng TS. Võ Trí Thành vẫn nhấn mạnh: “Vấn đề then chốt xử lý nợ xấu là sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cả ở cấp tỉnh và cấp Trung ương”./.
Bên cạnh kết quả tích cực, kết quả kiểm toán việc thực hiện NQ42 được Kiểm toán Nhà nước ban hành tháng 12/2019 (gửi đến Quốc hội tháng 7/2020), đã đánh giá: NQ42 gồm 6 nhóm biện pháp xử lý nợ xấu, thì các TCTD chủ yếu mới thực hiện được theo hình thức thu giữ tài sản đảm bảo và bán nợ theo giá thị trường. Các biện pháp khác như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án liên quan đến tài sản đảm bảo... chưa được áp dụng.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc chậm hướng dẫn của nhiều cơ quan liên quan. Trong đó. TANDTC vẫn chưa “quán triệt” việc triển khai xử lý theo thủ tục rút gọn đến TAND các cấp, nên tại thời điểm kiểm toán vẫn chưa có bản án nào được xét xử theo thủ tục rút gọn. Kiểm toán Nhà nước nhận định, đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các TCTD.
|